Đường sắt

Tàu liên vận quốc tế chạy thẳng châu Âu bất ngờ tăng mạnh giữa mùa Covid-19

22/08/2021, 11:51

Tàu hàng liên vận quốc tế đi châu Âu tăng đến 80% và không bị ách tắc tại cửa khẩu đường sắt Việt - Trung dù ảnh hưởng Covid-19.

Hơn 400 chuyến tàu hàng liên vận quốc tế đi châu Âu

Ghi nhận của PV Báo Giao thông, thời gian gần đây tại ga Đồng Đăng những chuyến tàu hàng liên vận quốc tế đi châu Âu luôn trong cảnh tấp nập. Hầu hết các chuyến hàng đều lấp đầy các toa hàng. Số chuyến tàu mỗi tháng tăng vọt so với trước.

Thực tế, theo thống kê của cơ quan hải quan, từ tháng 1 đến tháng 7/2021, tổng số chuyến tàu hàng Trung Quốc - châu Âu đi từ ga Bằng Tường đạt 400 chuyến, tăng tới hơn 80% so với cùng kỳ năm 2020.

img

Tàu liên vận quốc tế đi châu Âu qua cửa khẩu đường sắt Đồng Đăng - Bằng Tường tăng cao. Ảnh: Tàu container đi Bỉ đang từ ga Đồng Đăng sang ga Bằng Tường

Chia sẻ về điều này, ông Zhao Yigao, Trưởng bộ phận kinh doanh toàn diện của Hải quan Bằng Tường cho biết: “Từ tháng 1 đến tháng 7 năm nay, thời gian thông quan tổng thể đối với hàng hóa xuất khẩu tại ga Bằng Tường khoảng gần 1 giờ, giảm hơn 21% so với năm 2020. Tổng thời gian thông quan nhập khẩu chỉ gần 16,5 giờ, giảm so với năm trước hơn 25%".

Cùng đó, kể từ đầu năm nay, giữa Việt Nam - Trung Quốc đã thúc đẩy tàu hàng Trung Quốc - ASEAN các tuyến "Trường Sa - Hà Nội", tuyến "Tăng Thành - Hà Nội" Quảng Đông - Hồng Kông - Macao - Khu vực Vịnh lớn - ASEAN và hiện thực hóa tuyến tàu hàng Trung - Âu... Các chuyến tàu này thông qua cặp ga đường sắt cửa khẩu là ga Bằng Tường và ga Đồng Đăng (Lạng Sơn, Việt Nam). Vì vậy, tàu hàng liên vận quốc tế qua cửa khẩu đường sắt này tăng cao, tốc độ đưa hàng cũng tốt hơn.

Về phía đường sắt Việt Nam, thông tin với Báo Giao thông, ông Phạm Đức Khái, Giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt ga Đồng Đăng kiêm Trưởng ga Liên vận quốc tế Đồng Đăng cho biết, con số 400 chuyến tàu mà hải quan Trung Quốc đưa ra chỉ là hàng đi châu Âu. Ngoài ra, còn tàu hàng hai chiều giữa Việt Nam - Trung Quốc.

Hàng ngày giữa hai ga Đồng Đăng - Bằng Tường duy trì chạy 2 đôi tàu xuất - nhập, bao gồm cả toa xe chở container và toa xe G (toa xe mui kín) với nhiều chủng loại hàng hóa: từ hàng điện tử, dệt may đến hàng sắt, thép, quặng… chưa kể những lô hàng xuất - nhập theo đợt. Vì vậy, trung bình khoảng 120 chuyến/tháng chạy giữa hai nước qua hai ga cửa khẩu.

img

Phương án chạy tàu giữa hai ga biên giới trong điều kiện phòng dịch Covid-19 được thực hiện chặt chẽ nên không bị ách tắc. Ảnh: Tàu hàng liên vận quốc tế do đầu máy Trung Quốc kéo tại ga Đồng Đăng

Xuất khẩu chính ngạch qua đường sắt, giảm rủi ro khi có dịch

Ông Phạm Đức Khái cũng cho biết, dù tình hình dịch Covid-19 đợt 4 diễn biến phức tạp, nhưng việc phối hợp tổ chức chạy tàu hai ga vẫn bình thường, rất thuận lợi cho chạy tàu liên vận quốc tế. Đó là do giữa đường sắt Việt Nam và đường sắt Trung Quốc cũng như giữa hai ga biên giới từ lâu đã thống nhất được biện pháp tổ chức chạy tàu trong điều kiện phòng dịch.

Theo đó, việc chạy tàu giữa cửa khẩu ga Đồng Đăng và ga Bằng Tường do nhân viên đường sắt Trung Quốc đảm nhận. Khi có hàng cần xuất sang Trung Quốc, nhân viên Trung Quốc sẽ cùng đầu máy sang ga Đồng Đăng để kéo đoàn toa xe về, nhân viên đường sắt Việt Nam chỉ thực hiện tác nghiệp lập tàu tại ga Đồng Đăng.

Khi sang ga Đồng Đăng, nhân viên đường sắt Trung Quốc sẽ được bộ phận kiểm dịch của địa phương đo thân nhiệt, chuyến tàu nào đo thân nhiệt chuyến tàu đó và thực hiện giao tiếp thủ tục, giấy tờ như giao vận đơn… tại khu vực riêng để hạn chế giao tiếp. Đối với địa bàn khu ga, bộ phận kiểm dịch y tế định kỳ phun khử trùng 2 lần/tuần. Tất cả các toa xe từ bên Trung Quốc nhập vào Việt Nam, kể cả container đều được phun khử trùng rồi mới được đi tiếp.

“Hàng đi bằng đường sắt là hàng xuất khẩu chính ngạch, cùng với các biện pháp phòng dịch đã được thực hiện như quy trình tác nghiệp nên không bị ách tắc như đi đường tiểu ngạch, nhất là với hàng trái cây xuất khẩu”, ông Khái nói.

Ông Khái cho biết thêm, hiện cửa khẩu đường bộ Tân Thanh đã mở cửa trở lại cho hàng xuất khẩu sang Trung Quốc sau hai ngày tạm dừng (16, 17/8) do phía Trung Quốc thay đổi quy trình giao nhận hàng để phòng dịch. Tuy nhiên, do đây là các luồng hàng được quy định đi tiểu ngạch qua cửa khẩu Tân Thanh nên không thể chuyển qua đi chính ngạch bằng đường sắt.

Liên quan đến việc thay đổi quy trình giao nhận hàng từ phía Trung Quốc dẫn đến một số khó khăn, đội chi phí cho doanh nghiệp xuất khẩu, Bộ Công thương vừa qua đã khuyến nghị các thương nhân chuyển nhanh hoạt động xuất khẩu hàng hóa từ tiểu ngạch sang chính ngạch để giảm thiểu rủi ro mà hình thức thương mại tiểu ngạch có thể đem lại.

img