Xã hội

Tham nhũng xảy ra ngay trong cơ quan chống tham nhũng

04/11/2019, 11:14

Đây là khẳng định của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga khi thẩm tra Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng của Chính phủ.

img
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga

Có tình trạng lạm dụng bảo mật thông tin, nhất là thông tin dự án

Theo báo cáo của Chính phủ năm 2019, năm 2019, có 30 người đứng đầu đã bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, có 03 người đứng đầu bị xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng; Có 6 cá nhân đã nộp lại quà tặng theo quy định với tổng giá trị là 182 triệu đồng; phát hiện, xử lý 03 vụ việc nhận quà không đúng quy định với tổng giá trị là 3,99 tỷ đồng.

Thẩm tra Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nhấn mạnh: Hiệu quả hoạt động của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu. Số vụ việc, vụ án tham nhũng do các cơ quan này phát hiện, điều tra, truy tố còn ít.

“Uỷ ban Tư pháp nhận thấy, hoạt động của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng không còn đúng nghĩa là “chuyên trách về chống tham nhũng” như yêu cầu đặt ra của Luật Phòng chống tham nhũng. Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần tổng kết, rà soát lại chức năng, nhiệm vụ và đánh giá hiệu quả hoạt động, tìm ra những nguyên nhân của hạn chế, vướng mắc trong hoạt động” - bà Nga nói.

Đáng lưu ý, theo bà Nga, việc để xảy ra tham nhũng ngay trong chính các cơ quan có chức năng chống tham nhũng thời gian qua cũng làm ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Đánh giá về các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, Người đứng Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng việc rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tổ chức lại bộ máy cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp công lập, tinh giản biên chế ở một số bộ, ngành, địa phương thực hiện còn chậm, thiếu đồng bộ.

Tình trạng bổ nhiệm cán bộ thiếu điều kiện, tiêu chuẩn vẫn diễn ra, có trường hợp được bổ nhiệm gây bức xúc trong dư luận. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức tuy được nâng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, vẫn còn hiện tượng cán bộ, công chức nhũng nhiễu, tiêu cực, đòi hối lộ khi giải quyết công; Còn tình trạng thủ tục hành chính kéo dài, người dân phải đi lại nhiều lần để giải quyết.

Một điểm khác trong báo cáo của bà Nga liên quan đến tình trạng không công khai, lạm dụng bảo mật thông tin để không công khai hoặc nội dung công khai không cụ thể, nhất là trên các lĩnh vực về quản lý, sử dụng đất, lập dự án… làm cản trở việc tiếp cận thông tin của báo chí, người dân.

Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng chưa triệt để và chưa tương xứng với các vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý. Vẫn chưa tách bạch rõ việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng với xử lý trách nhiệm của người đứng đầu có hành vi tham nhũng để tăng cường các giải pháp thực hiện…

Nơi nào có hiện tượng “Nhà nước mua đắt, bán rẻ”, nơi đó có tham nhũng

Về kết quả phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng, bà Nga lưu ý: Việc phát hiện tham nhũng thông qua công tác tự kiểm tra nội bộ, kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới còn yếu. Việc giải quyết tin báo, tố giác tội phạm về tham nhũng chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao. Số vụ án tham nhũng được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử chưa phản ánh đúng thực trạng tình hình.

Đáng lưu ý, một số vụ án tham nhũng, sai phạm kinh tế lớn ở địa phương không phải do cơ quan điều tra ở địa phương phát hiện mà chủ yếu do cơ quan điều tra cấp trung ương khám phá, điều tra.

Đồng tình với đánh giá của Chính phủ về tình hình tham nhũng là “Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm”, tuy nhiên, Uỷ ban Tư pháp cho rằng, tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp, “tham nhũng vặt” vẫn tiếp tục diễn ra trên nhiều lĩnh vực.

Dư luận cử tri cho rằng, trong lĩnh vực cổ phần hóa, mua bán tài sản công, ở nơi nào có hiện tượng “Nhà nước mua đắt, bán rẻ”các tài sản lớn thì ở đó có dấu hiệu của những vụ tham nhũng lớn và đa số các vụ án sai phạm lớn về kinh tế trong giai đoạn vừa qua đều có yếu tố vụ lợi.

Trước đó, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019.

Theo Tổng thanh tra, năm 2019, qua công tác tự kiểm tra nội bộ phát hiện 26 vụ, 30 đối tượng; qua hoạt động thanh tra đã phát hiện 69 vụ, 45 đối tượng tham nhũng và liên quan đến tham nhũng. Qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện 17 vụ, 37 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng. Qua hoạt động kiểm toán phát hiện, chuyển cơ quan điều tra 07 vụ việc có dấu hiệu tội phạm liên quan đến người có chức vụ, quyền hạn.

Cơ quan điều tra đã thụ lý điều tra 423 vụ án, 1.073 bị can phạm tội về tham nhũng. Viện kiểm sát các cấp đã truy tố 300 vụ/672 bị can. Cơ quan điều tra VKSND tối cao khởi tố mới 12 vụ/16 bị can về tội danh tham nhũng xảy ra trong hoạt động tư pháp. Tòa án nhân dân các cấp đã xét xử sơ thẩm 279 vụ, 614 bị cáo. Có 10 bị cáo bị tuyên phạt mức án tử hình, tù chung thân.

img

Vì sao Metro Bến Thành - Suối Tiên đội vốn tận 30 nghìn tỷ?