Giao thông

Tiết kiệm 15 tỷ USD mỗi năm nhờ tối ưu hóa chi phí logistics

10/03/2014, 11:13

Con số này được đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) tại VN đưa ra tại buổi công bố báo cáo cuối kỳ dự án "Hỗ trợ kỹ thuật về vận tải đa phương thức cho Bộ GTVT".

Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể phát biểu tại Hội thảo
Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể phát biểu tại Hội thảo

Ông Sergi Tio Crespo – Giám đốc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Công ty Advanced Logistics Group (Tây Ban Nha) – doanh nghiệp được giao tư vấn lập dự án cho biết Dự án tập trung hỗ trợ Bộ GTVT và các cơ quan trực thuộc phát triển vận tải đa phương thức và logistics thông qua sự cải cách chính sách và thể chế. 

Về kết quả nghiên cứu, ông Sergi Tio Crespo nhấn mạnh chi phí Logistics của Việt Nam hiện chiếm khoảng 20,9% GDP. Chỉ số này không phải là tồi khi so sánh với các nước có GDP tương tự tuy nhiên vẫn là khá cao nếu so sánh với các nước có chi phí logistics chiếm dưới 10% GDP như Mỹ, Nhật Bản, Tây Âu…

Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng trong tổng chi phí Logistics, vận tải chiếm 59% và lưu kho/xử lý hàng chiếm 32%. “Đây là 2 thành phần chính trong tổng chi phí Logistics mà Việt Nam tập trung cải thiện” – ông Sergi Tio Crespo khuyến cáo. 

Cũng liên quan đến vấn đề chi phí logistics, ông Hoàng Anh Dũng, đại diện Ngân hàng Thế giới WB tại Việt Nam cho biết con số 20,9% GDP mà phía tư vấn đưa ra đã cho chúng ta một định lượng cụ thể về chi phí mà trước đây chúng ta vẫn “mù mờ” đâu đó khoảng 25%. Đáng nói hơn, theo ông Dũng, con số 20,9% GDP này cũng có nghĩa là chúng ta còn có thể giảm được khoảng 10%.

“Mỗi năm, GDP của chúng ta đạt khoảng 150 tỷ USD. Điều này cũng có nghĩa là chúng ta hoàn toàn có thể tiết kiệm được 15 tỷ USD mỗi năm nếu chúng ta có thể tối ưu hóa bài toán chi phí Logistics” – đại diện WB nhấn mạnh. 

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định việc nghiên cứu và đưa ra kết quả của hợp phần này nhằm tăng cường thể chế hỗ trợ Bộ GTVT trong việc phát triển các chính sách và biện pháp can thiệp để cải thiện vận tải nói chung, vận tải đa phương thức và logistics nói riêng ở Việt Nam. Kết quả nghiên cứu này định hướng cho việc tăng cường việc phối hợp giữa các cơ quan hoạch định chính sách vận tải, kế hoạch và thương mại.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh Bộ GTVT sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, xây dựng và quy hoạch tổng thể khu phân phối hàng hóa hợp lý kết nối đường bộ, đường sắt, hàng hải, hàng không. Đẩy mạnh xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại như các cảng nước sâu, sân bay quốc tế, khu kinh tế mở kết hợp đồng thời với việc tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành logistics có chất lượng cao. 

T.B