TP.HCM: Hàng chục “bến vua” cát cứ bờ sông, ai chống lưng?
Liên tục trong tháng 4 và tháng 5, nhóm PV Báo Giao thông trực tiếp lên nhiều tàu, thuyền đi dọc các tuyến sông thuộc địa phận TP.HCM.
Quá trình này, PV tận mắt chứng kiến việc tập kết trung chuyển cát, đá 2 bên bờ sông không khác gì một “thế giới riêng”.
Hoạt động rầm rộ, không ai xử lý
Tại các nhánh sông thuộc TP Thủ Đức, các bến không phép hầu hết dùng để tập kết cát, đá. Gọi điện đến một loạt đầu mối cung cấp cát san lấp, cát xây dựng thông qua giới thiệu, tất cả đầu mối đều khẳng định sẵn hàng cung cấp số lượng cả nghìn m3, có thể dẫn đi xem ngay tại bãi nằm ở khu vực các phường thuộc quận 9 cũ như: Thạnh Mỹ Lợi, Long Thạnh Mỹ, Long Bình, Trường Thạnh và Phú Hữu.
Bến không phép bao quanh chân cầu Rạch Tra với hàng chục cần trục bánh xích và xe đào, xe ben. Ngay chính giữa các bến không phép là nơi sà lan SG4002 của Trạm Quản lý đường thủy số 2 (Sở GTVT TP.HCM) neo đậu
Khoảng 12h ngày 23/5, chúng tôi từ sông Soài Rạp rẽ vào sông Rạch Chiếc. Khi đến đoạn qua chân cầu Bà Cua, một sà lan lớn đang cập bờ.
Hiện, trên địa bàn huyện còn một số bến thủy nội địa tồn tại nhiều năm nhưng đã hết phép. Qua phản ánh của Báo Giao thông, huyện sẽ rà soát tại tất cả các bến để xem xét bến nào đủ tiêu chí được gia hạn.
Các bến đang tồn tại, nếu bến nào có dấu hiệu kinh doanh cát, đá không có hóa đơn chứng từ hay trung chuyển cát bơm hút lậu sẽ đề xuất rút giấy phép, đề nghị công an huyện vào cuộc ngay. Vừa qua, huyện đã xử phạt hành chính đối với 7 bến và yêu cầu công an địa phương phối hợp, sớm xử lý triệt để bến không phép.
Ông Lê Đình Đức, Phó chủ tịch UBND huyện Củ Chi
Thấy tàu lạ đi qua, một người đàn ông trên bến báo hiệu cho thuyền trưởng sà lan và phụ neo nhảy lên boong quan sát.
Trong lúc này, 2 cẩu trục bánh xích vẫn không ngừng múc đá từ sà lan lên bờ. Phía trên bến, một “dây chuyền” thiết bị hùng hậu bao gồm 4 xe đào bánh xích, 3 xe tải ben vẫn miệt mài “ăn hàng”.
Tiếng động cơ, tiếng bánh xích khua ầm ĩ, huyên náo cả một khu vực.
Khoảng 40 phút sau, khi vòng lên bờ nhìn xuống, 2 xáng cạp đã múc lên gần hết đá trên sà lan. Phía sau 2 xáng cạp, bến này được phân chia quy củ với 3 khu vực gồm: Cát xây dựng, cát san lấp và đá mi. Riêng khu vực cát xây dựng được chủ bến chất cao như núi với khối lượng ước tính khoảng gần nghìn m3, quy đổi ra giá thị trường hàng trăm triệu đồng.
Theo tìm hiểu của PV, lực lượng CSGT đường thủy được phân công nhiệm vụ tuần tra trên tuyến, có thẩm quyền xử phạt các phương tiện thủy nội địa cập bến không phép, thậm chí tạm giữ phương tiện nếu chở cát, đá không có hóa đơn chứng từ.
Cảng vụ đường thủy nội địa có thẩm quyền đình chỉ bến không phép và yêu cầu dỡ bỏ, giải tỏa trả lại hiện trạng khu vực. Phía trên bờ, trách nhiệm quản lý thuộc chức năng nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát kinh tế và cảnh sát môi trường công an TP Thủ Đức.
Mặc dù vậy, trong suốt thời gian theo dõi bến không phép gần cầu Bà Cua hoạt động và nhiều lần trở lại sau đó, nhóm PV không hề thấy bóng dáng lực lượng chức năng.
Một người dân trong khu vực cho biết, cứ cách 1 - 2 ngày, sà lan lớn lại cập vào bờ chở theo cát, đá. Đó chỉ là ban ngày, những chuyến hàng lúc nửa đêm đến rạng sáng của dân làm cát thì nhiều không kể hết.
Bến hết hạn giấy phép thành bến không phép
Các phà bơm hút cát (bên trái) tập kết ngay gần 1 bãi cát không phép và đối diện là sà lan làm nhiệm vụ của Cảng vụ Đường thủy nội địa TP.HCM
Ngoài khu vực cầu Bà Cua, còn có hàng chục bến bãi lớn khác được nhóm PV ghi nhận trên các nhánh sông. Các bến bãi này được giới thương lái gọi bằng tên trong nghề như: “Bãi ông Tùng” gần cầu Chợ Đệm, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh; “bãi bà Nhung” ở Rạch Tra, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn; “bãi ông Khải” ở Rạch Chiếc, phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức; “bãi ông Ân” ở Rạch Tra, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi.
Từ ngã 3 sông Chợ Đệm - kênh Xáng thuộc địa phận huyện Bình Chánh, chúng tôi lái ca-nô rẽ vào hướng cầu Cái Tâm. Khi vừa qua cầu Cái Tâm khoảng 600m đã thấy xuất hiện 1 sà lan chở cát đang neo lại đợi nước hướng về phía Rạch Tam.
Tại bến “lậu” cách cầu Rạch Tam khoảng 600m là 2 núi cát cao hơn nóc nhà cùng với 2 cẩu trục bánh xích, 2 xe đào, 1 xe ben. Theo một tài công cho biết, đây là “bãi ông Giang” thuộc xã Tân Nhựt. Tại khu vực huyện Bình Chánh, ông Giang đã có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng. Bãi này hoạt động công khai đến mức đứng ở đường Thế Lữ cách đó mấy trăm mét cũng nghe tiếng đổ cát, đá ầm ầm.
Tại Hóc Môn giáp ranh Củ Chi, tình trạng lộng lành của bến không phép còn trở nên nhức nhối hơn. Khi PV di chuyển về hướng thượng nguồn ngang qua cầu Rạch Tra, có 3 sà lan lớn chở cát, đá cặp vào bờ sông phía huyện Hóc Môn.
Bên trong, các cần trục bánh xích lập tức di chuyển ra sát bờ để cạp cát, đá lên. Ngay sau đó, các xe đào bánh xích cũng lập túc vận hành chuyển cát, đá lên xe ben đợi sẵn. Khung cảnh nhộn nhịp như không hề có ai quản lý tuyến đường thủy này.
Qua quan sát từ trên cao, toàn bộ bến không phép bao trọn diện tích hàng nghìn m2. Một trong các bến không phép này còn lộng hành đến mức độ bơm cát lấn thẳng ra khiến lòng sông biến dạng.
Tại nhiều vị trí không có biển báo neo đậu phương tiện đường thủy nhưng các sà lan tải trọng hàng trăm tấn vô tư neo đậu.
Ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho hay, bến thủy nội địa trên địa bàn TP hoạt động căn cứ theo Quyết định 66 của UBND TP (ban hành năm 2009) về duyệt quy hoạch mạng lưới đường thủy và cảng, bến khu vực TP.HCM đến năm 2020. Việc cấp phép cho các bến thủy theo Quyết định 66 chủ yếu cập nhật lại những cái có sẵn trước đây, cơ sở pháp lý cũng chưa rõ ràng.
Hiện tại quy hoạch mạng lưới cảng bến và đường thủy trên địa bàn TP.HCM đến năm 2030 đang chờ phê duyệt.
“Từ năm 2017, theo chỉ đạo của UBND TP, các bến thủy muốn gia hạn giấy phép phải hỏi ý kiến các địa phương. Khi Sở GTVT gửi văn bản, nhiều địa phương phúc đáp không đồng ý gia hạn.
Vì vậy, từ năm 2018 đến nay, nhiều bến thủy hết hạn theo giấy phép trở thành bến không phép”, ông An nói và cho biết thêm, phía Sở GTVT có nhiệm vụ hàng tháng thống kê bến thủy và thông báo cho địa phương. UBND các địa phương và công an cùng phối hợp kiểm tra, xử lý.
“Theo báo cáo của các phường xã, khó xử phạt vì không gặp chủ đất, họ cho thuê hoặc khi đi xử phạt thì không hoạt động”, ông An nói.
Tháng 3/2021, UBND TP.HCM có Công văn số 760 về tăng cường các biện pháp phòng chống khai thác cát trái phép, kinh doanh, vận chuyển cát không có nguồn gốc hợp pháp trên địa bàn. Ngày 18/1/2022, Thanh tra Sở GTVT hoàn thiện danh sách 36 bến thủy nội địa hoạt động không phép, trong đó tập trung nhiều nhất ở 3 địa phương: TP Thủ Đức, huyện Hóc Môn và huyện Bình Chánh.
Xác nhận danh sách bến không phép do Thanh tra Sở GTVT nêu có 3 đại diện của các đơn vị chức năng chủ chốt bao gồm: Ông Trần Văn Minh, Phó giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực III; Ông Nguyễn Văn Tam, Phó giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa TP.HCM; Thượng tá Đặng Hữu Tiến, Phó trưởng Phòng CSGT đường thủy công an TP.HCM.
Ngay sau biên bản xác nhận, lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM đã có đề nghị Công an TP.HCM và các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, có biện pháp xử lý triệt để đối với 36 bến không phép.
Tuy nhiên, sau 4 tháng, qua theo dõi trên thực địa của Báo Giao thông, 36 bến không phép vẫn… còn nguyên.
Đầu tháng 5/2022, lãnh đạo Phòng CSGT đường thủy chỉ đạo các đội, trạm tuần tra chéo địa bàn để quyết liệt xóa sổ các bến không phép. Tuy nhiên, không rõ vì lý do gì, các đội, trạm thuộc Phòng CSGT đường thủy… không làm được(?!) Các bến bãi không phép hoạt động quy mô lớn, công khai và lộng hành cả ngày lẫn đêm, tập trung nhiều nhất ở địa bàn của 4 đơn vị, bao gồm: Trạm Cát Lái, Vàm Sát, Rạch Cát và Rạch Tra.