Xã hội

TP.HCM tiêm vaccine Astra Zeneca cho 200.000 người/ngày từ 19/6

17/06/2021, 20:50

Sau khi tiếp nhận 836.000 liều vaccine phòng Covid-19 của Astra Zeneca, TP.HCM đã họp, lên phương án xác định các đối tượng ưu tiên.

img

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc họp

Họp trực tuyến với lãnh đạo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM chiều 17/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị lực lượng chống dịch của thành phố khẩn trương điều tra dịch tễ, xác định các ổ dịch, các nguồn lây, quy mô để khoanh vùng thật gọn, thật chặt, phấn đấu không để tiếp tục kéo dài tình trạng giãn cách xã hội trên diện rộng.

Tiêm 836.000 liều vaccine trong 5 ngày

Báo cáo Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, bắt đầu từ ngày 17/6, các quận, huyện thành lập các đoàn kiểm tra để kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg cộng với một số biện pháp của thành phố.

Hiện có 7 doanh nghiệp trong khu công nghiệp (KCN) ở TP.HCM có ca mắc Covid-19. Phần lớn mỗi nơi chỉ có từ 1-2 ca mắc, chưa có dấu hiệu lây lan ra các nơi khác; có 2 doanh nghiệp có tính chất giống nhau (chế biến hải sản, công nhân làm việc chung trong môi trường không gian lạnh và kín) nên có số lượng ca mắc lớn hơn (6 và 11 ca)…

Những UBND cấp phường và cấp quận có ca nhiễm đã tạm ngừng dịch vụ không cấp bách, ngừng tiếp nhận hồ sơ trực tiếp, chỉ nhận hồ sơ trực tuyến.

Báo cáo với Phó Thủ tướng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận đặc biệt của Bộ Y tế tại TP.HCM cho biết một số DN hoạt động trong KCN đã ghi nhận ca nhiễm, đặc biệt ở nhà máy chế biến thuỷ, hải sản có mật độ công nhân làm việc rất đông.

Dự kiến, TP.HCM sẽ thành lập khoảng 100 đoàn để kiểm tra tất cả các nhà máy, DN hoạt động trong KCN. Những nhà máy, DN lớn cần có phương án bố trí cho bộ phận công nhân nòng cốt ăn ở, trong KCN hoặc quy trình khép kín từ nơi ở trọ, ký túc xá đưa đón đến nhà máy làm việc, sinh hoạt và đưa về.

Hiện tại TP.HCM đã chuẩn bị phương án điều trị cho 5.000 bệnh nhân nhưng phải sẵn sàng trang thiết bị điều trị bệnh nhân phải thở máy, có diễn biến nặng.

Sau khi tiếp nhận 836.000 liều vaccine phòng Covid-19 của Astra Zeneca, ông Dương Anh Đức cho biết: “TPHCM đã họp, lên phương án xác định các đối tượng ưu tiên, kế hoạch tiêm; phấn đấu mục tiêu năng suất tiêm cho 200.000 người/ngày, dự kiến từ ngày 19/6; đồng thời tăng cường năng lực xét nghiệm lên 30.000 mẫu đơn/ngày”.

img

TPH.CM lên kế hoach tiêm hơn 800.000 liều vaccine phòng Covid-19 trong 5 ngày

Nhất thiết không được “khoanh rộng mà lỏng”

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh TP.HCM là đô thị lớn, chính quyền, người dân đã trải qua quá trình thực tiễn chống dịch, vì vậy, các quyết định giãn cách xã hội, cách ly, phong toả phải trên tinh thần cố gắng gọn nhất có thể. Mục đích của việc giãn cách xã hội là để làm chậm tốc độ lây lan của dịch, xác định các ổ dịch, các nguồn lây, quy mô, để khoanh thật gọn, thật chặt, phấn đấu không để tiếp tục kéo dài tình trạng giãn cách xã hội trên diện rộng.

TP.HCM đã qua 14 ngày giãn cách xã hội, phải khẩn trương điều tra dịch tễ, phân loại những khu vực được coi là đã an toàn hoặc sau khi tiếp tục thực hiện một số biện pháp thì xác định được là an toàn trong tình hình dịch bệnh dịch bệnh hiện nay thì có giải pháp để nới lỏng.

Ngược lại, những khu vực có nguy cơ thì phải siết chặt hơn nữa, không để tình trạng còn có tập trung đông người như nhân dân đã phản ánh; quy định rõ những khu vực công cộng không được tập trung đông người; kiểm soát các luồng giao thông từ những nơi có ổ dịch trong thành phố.

Tinh thần là không cào bằng hết tất cả, vì chúng ta phải phục vụ mục tiêu kép, kể cả trong chống dịch. Còn khoanh rộng mà bên trong không chặt thì không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội mà chống dịch cũng sẽ rất khó khăn.

Phải giữ bằng được KCN, thí điểm cách ly F1 tại nhà

Đối với KCN, Phó Thủ tướng yêu cầu TP.HCM phải “giữ bằng được” bằng những biện pháp rất mạnh tay. Thành phố cần tăng cường xét nghiệm, cảnh báo để nhanh chóng phát hiện ca nhiễm trong 3 ngày đầu tiên, với các bài học kinh nghiệm chống dịch như tại Bắc Giang và Bắc Ninh.

Phó Thủ tướng lưu ý mặc dù năng lực xét nghiệm của TP.HCM rất tốt so với các tỉnh nhưng với dân số 10 triệu dân, có rất nhiều KCN, thành phố phải có phương án tăng cường công suất xét nghiệm trong tình huống dịch xuất hiện trong KCN.

Đặc biệt, công tác điều phối xét nghiệm phải bảo đảm thống nhất giữa các đơn vị tham gia xét nghiệm, đáp ứng được tốc độ lấy mẫu, truy vết bắt kịp tốc độ lây của dịch, tuyệt đối không để tình trạng xét nghiệm bị chậm, bị nhầm do công tác điều phối như đã xảy ra ở một số nơi.

Khi phát hiện ca nhiễm ở các nhà máy, xí nghiệp trong KCN, TPHCM cần hết sức chú ý đến các khu công nhân ở trọ có mật độ rất dày đặc khi thực hiện khoanh vùng, cách ly, phong toả.

Trong thời gian tới, TPHCM cần khẩn trương hoàn thiện hướng dẫn thí điểm cách ly các trường hợp F1 tại nhà bảo đảm an toàn chặt chẽ về y tế cũng như quyền riêng tư của người dân, phù hợp với điều kiện của thành phố trong tình huống có đông người bị nhiễm.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết từ ngày mai, 18/6, TP.HCM sẽ thí điểm tự lấy mẫu xét nghiệm; thực hiện cách ly F1 tại nhà; đồng thời sẽ tổ chức rà soát để bảo đảm an toàn trong khu cách ly tập trung, chống lây nhiễm chéo; tăng cường tiến hành rà soát ngoài cộng đồng, các KCN.