Từ kẻ mang tội giết người thành triệu phú nông dân
Chí thú làm ăn, cuộc sống của ông Đức không những trở nên khấm khá, mà vợ chồng ông còn sẵn sàng giúp đỡ nhiều người nghèo khác trong làng.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, hai vợ chồng còn giúp đỡ nhiều người khác trong làng có hoàn cảnh khó khăn hơn mình (Trong ảnh: Vợ chồng ông Đức thu hoạch ổi trong vườn nhà)
Từ mức án chung thân, do cải tạo tốt, ông Phan Tấn Đức (SN 1969, trú xã Giai Xuân, Tân Kỳ, Nghệ An) được trở lại cuộc sống bình thường sau 14 năm chịu án.
Nỗi ân hận vì một phút nóng giận
Ngày cuối tháng 3, bên trang trại hàng chục hecta ở xã Giai Xuân, ông Đức cùng vợ đang say sưa hướng dẫn cách lấy giống chăm sóc những cây cam, cây ổi cho một người dân xã bên.
Vườn cam và ổi của ông đã ra những mùa trái ngọt đầu tiên. Phía trên đồi, đàn bò của vợ chồng đang nhởn nhơ gặm cỏ. Ông Đức khoe, giờ ông có hàng chục hecta rừng trồng cây ăn quả, đàn bò 30 con...
“Thu nhập từ trang trại giúp vợ chồng tôi sống tốt, tiết kiệm cả vài trăm triệu đồng/năm. Ai hỏi gì, cần gì tôi đều sẵn sàng giải đáp. Tôi gây tội trở về, mọi người vẫn đón nhận tôi, tôi phải có trách nhiệm sống tốt và giúp đỡ mọi người”, ông Đức bộc bạch.
Gần 30 năm trước, ông Đức cùng vợ đấu thầu 50ha đất bỏ hoang trong xã để chăn nuôi, trồng cây ăn quả. Nhờ chăm chỉ làm lụng, bạt ngàn màu xanh của cây cối dần che phủ những quả đồi trống. Vợ chồng ông bắt đầu mơ sẽ được hưởng quả ngọt trong vài năm tới.
Nào ngờ, thấy ông Đức có mảnh đất màu mỡ, một số người đã tìm cách quấy phá để đuổi ông ra khỏi vùng. Năm 1996, có 5 người mang theo dao phát rẫy vào bắt trộm cá, bị ông ngăn cản rồi xảy ra mâu thuẫn, ẩu đả. Trong cơn tức giận ông đã làm 1 người chết, 2 người bị thương rồi vướng vào vòng lao lý với bản án chung thân về tội giết người.
“Mình giết người thì phải đền tội, tôi không có ý kiến gì về bản án vì pháp luật rất công bằng. Tôi chỉ ân hận vì phút nóng giận mà mình vướng vòng lao lý, thương vợ còn trẻ lại một nách 4 đứa con thơ nheo nhóc. Những ngày tháng trong tù, tôi càng thấm thía cái “dại” của mình, càng thấy mình đã sai quá, càng thương vợ con…”, ông Đức ngậm ngùi nhớ lại.
Sự dằn vặt đó cũng chính là động lực để ông xốc lại tinh thần, quyết tâm cải tạo thật tốt với hy vọng có ngày được giảm án để về đoàn tụ với vợ con. Ông nói: “Hơn 14 năm ở tù, chưa bao giờ tôi cảm thấy cô đơn bởi luôn nghĩ về hậu phương ở nhà. Nơi đó vợ, con, anh em vẫn đang chờ đợi mình”.
Suy sụp sau biến cố của chồng, phải mất 5 năm bà Đoàn Thị Hiền - vợ ông mới có thể bình tâm. Gạt nước mắt, bà đứng dậy thay chồng nuôi con khôn lớn và không nguôi niềm tin vào một ngày ông được pháp luật khoan hồng mà trở về.
“Ngày đó, khi nghe bản án tòa tuyên cho ông Đức tôi đã khóc cạn nước mắt. Bởi, tôi thấy tương lai phía trước của gia đình mình quá mịt mờ. Nhưng lúc bình tâm lại, nhìn những ánh mắt thơ ngây của các con, tôi tự hứa với bản thân không được gục ngã. Để có tiền trang trải cuộc sống và nuôi các con ăn học tôi phải nỗ lực làm việc gấp đôi, gấp ba lần, sáng lên vườn chăm cây, chiều hái cỏ cho bò, không ai nghĩ một người gầy gò, nhỏ bé như tôi lại có nghị lực lớn như vậy”, bà Hiền cười nói.
Bà Hiền cho biết thêm, dù đói ăn thiếu mặc, đường sá xa xôi cách trở nhưng mỗi năm bà đều cố gắng dắt díu các con ra Thanh Hóa thăm chồng, bởi bà biết, với những người lầm lỡ, sự động viên của người thân quan trọng biết nhường nào.
Thấy bà Hiền nói vậy, ông Đức nắm chặt tay vợ thì thầm: “Tôi nợ bà cả cuộc đời này, giờ chỉ mong có đủ sức khỏe để nắm chặt tay bà đi hết quãng đường còn lại. Bởi, ngay những lúc khó khăn nhất, tôi chưa một lần mất hi vọng vào cuộc sống. Tôi luôn tin, vợ và các con luôn chờ mình ở nhà, đó là động lực giúp tôi lao động cải tạo tốt để “sửa” bản án từ chung thân xuống 20 năm rồi được đặc xá ra tù trước thời hạn vào năm 2010”.
“Ngã ở đâu, đứng dậy ở đó”
Sau hơn 14 năm bị giam giữ, ông Đức trở về đoàn tụ trong niềm vui khôn xiết của cả gia đình. Ông cho biết, ngày ra trại, ông mừng không nói nên lời, song cũng đầy âu lo. Lo khi về với cái án giết người, mình sẽ bị dân làng xa lánh, dị nghị, rồi phải làm gì để tiếp tục cuộc sống.
Sau khi mãn hạn tù, ông Đức luôn chấp hành tốt pháp luật, nỗ lực phấn đấu trong xây dựng phát triển kinh tế. Ông Đức luôn đi đầu trong việc tuyên tuyền phổ biến pháp luật đến người dân và là tấm gương điển hình tiên tiến trong tái hòa nhập cộng đồng.
Thiếu tá Phan Văn Vinh, Trưởng Công an xã Giai Xuân
Nhưng trái ngược với âu lo đó, ông lại luôn cảm nhận được sự thông cảm của mọi người. Rồi từ những khích lệ, động viên của bà con lối xóm, chính quyền địa phương, ông Đức quyết tâm gây dựng sự nghiệp với phương châm “ngã ở đâu, đứng lên ở đó”.
“Mình còn cơ hội, còn khối óc, còn hai bàn tay, còn sức khỏe là có thể làm được tất cả mọi việc. Tôi luôn nghĩ phải làm lại và thành công để mọi người thấy mình vẫn là người có ích cho xã hội”, ông Đức nói.
Sau biến cố của chồng, bà Hiền không giữ được mảnh đất màu mỡ trước kia. Năm 2010, mãn án tù trở về quê, ông Đức bàn với vợ nhận thầu đất trống, đồi trọc của xã để tiếp tục trồng rừng, phát triển kinh tế theo hướng trang trại.
Sau nhiều năm chăm bón, nay 2ha cam Vinh của gia đình đã bắt đầu cho thu hoạch, mỗi năm doanh thu trên 150 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn tận dụng cỏ trong 8ha diện tích trồng cây rừng để chăm đàn bò sinh sản gần 30 con, mỗi năm xuất bán 15 con bê.
Ông Vũ Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND xã Giai Xuân (Tân Kỳ) cho biết, sau khi mãn hạn tù, ông Nguyễn Hữu Đức luôn chấp hành tốt pháp luật, nỗ lực phấn đấu trong xây dựng phát triển kinh tế. Nhiều năm liền ông Đức được công nhận là điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của xã Giai Xuân. Năm 2020, ông được công nhận điển hình sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện; được Công an huyện Tân Kỳ công nhận là điển hình tái hòa nhập cộng đồng.
“Không chỉ làm giỏi mà ông Đức còn nhiệt tình hỗ trợ kinh nghiệm cho những người có nhu cầu về trồng trọt, chăn nuôi. Nhiều gia đình khó khăn trong xã cũng được ông Đức cho mượn một cặp bò giống về nuôi để gây giống”, ông Sơn kể.