Thế giới

Vì sao Trung Quốc từ chối cho Mông Cổ vay tiền?

22/07/2016, 07:55

Hiện Trung Quốc đang từ chối cho Mông Cổ vay 1 tỷ USD để xây dựng thủy điện trên sông Eg vì... “kiềng” Nga.

2

Khu vực sẽ được xây dựng Thủy điện Egiin Gol

Trang tin Nước Nga sau các sự kiện nóng (RBTH) cho biết, hiện Trung Quốc đang từ chối cho Mông Cổ vay 1 tỷ USD để xây dựng thủy điện trên sông Eg vì... “kiềng” Nga.

Muốn tự lo nguồn điện

Theo RBTH, Mông Cổ muốn xây dựng một đập thủy điện trên sông Eg, một trong những dòng chảy lớn nhất đổ vào sông Selegne, con sông đổ vào hồ Baikal của Nga, hồ nước ngọt lớn nhất thế giới, cách đập thủy điện khoảng 580km. Với đập thủy điện này, Mông Cổ muốn từng bước tự lo nguồn điện, hạn chế nhập khẩu năng lượng từ Nga và một số quốc gia khác.

Tuy nhiên, theo Bloomberg ngày 11/7, nhằm duy trì mối quan hệ hữu hảo với Nga, đặc biệt mối quan hệ mới được phục hồi gần đây, Trung Quốc đã tạm từ chối gói vay 1 tỷ USD cho Mông Cổ để thực hiện dự án Nhà máy Thủy điện Egiin Gol. Khoản vay này đã bị “giãn tiến độ” cho đến khi tìm được một thỏa hiệp có tiếng nói chung của các bên.

Hồi tháng 6/2016, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho hay, dự án Thủy điện Egiin Gol có thể tạo ra những rủi ro nghiêm trọng đến nguồn cung cấp nước cho vùng Irkutsk. Còn các nhà môi trường thì quan ngại dự án thủy điện nói trên có thể đe dọa hệ sinh thái của hồ Baikal.

Với hy vọng giảm sự phụ thuộc vào Nga, Mông Cổ muốn xây dựng đập thủy điện để tạo đủ năng lượng dùng trong mùa đông, hiện tại mỗi năm Mông Cổ phải nhập khoảng 25 triệu USD năng lượng từ Nga. Dự án thủy điện này cao 103m, công suất thiết kế 315 megawatt. “Chúng tôi cần phát huy nội lực để duy trì độc lập, nếu không sẽ trở thành “con rối” của Nga và Trung Quốc. Nếu phụ thuộc vào Nga và Trung Quốc có nghĩa liên minh phương Tây sẽ mất Mông Cổ với tư cách là một quốc gia hỗ trợ. Những người Mông Cổ chúng tôi biết khả năng của mình có thể làm được gì khi không có sự cho phép của Nga hoặc Trung Quốc”, Odkhuu Durzee, Giám đốc Dự án Thủy điện Egiin Gol cho Hãng tin Bloomberg hay.

Tìm nguồn vốn khác

Liên quan đến dự án Thủy điện Egiin Gol của Mông Cổ, tại một cuộc họp tổ chức tại Bonn (Đức) tháng 7/2015, Ủy ban Di sản Thế giới (WHC) cho rằng, dự án có thể ảnh hưởng đến hồ Baikal. RBTH đã trích dẫn bài viết của chuyên gia môi trường Nga Eugene Simonov trên Tạp chí IUCN của Liên minh Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên cho hay, không thể đánh giá một cách trọn vẹn tác động tổng của các dự án trên hồ Baikal, nhưng khả năng gây tổn hại nghiêm trọng các giá trị di sản thế giới là có thật. Cùng đó là việc ảnh hưởng xấu đến các loài chim, cá khiến chúng đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

“WHC đã thảo luận về hiệu ứng của các đập gây hư hỏng hồ Baikal; đồng thời đề nghị đánh giá toàn bộ tác động của dự án Thủy điện Egiin Gol và hai dự án khác, cũng như đánh giá tác động mang tính tích lũy, dài kỳ của cả ba đập thủy điện này. WHC đã yêu cầu Mông Cổ (và mặc định là Trung Quốc) không nên phê duyệt hạng mục gì liên quan đến dự án cho đến khi tất cả các đánh giá môi trường hoàn thành và được phê duyệt bởi bởi Trung tâm Di sản Thế giới”, Eugene Simonov viết.

Tuy nhiên, cũng theo Bloomberg, ông Odkhuu Durzee cho rằng, những mối lo về môi trường của Nga là vô căn cứ, đồng thời cáo buộc sự phản đối của Nga và UNESCO đối với dự án là có động cơ chính trị. Ông nói, nếu không đạt thỏa thuận với Trung Quốc, Mông Cổ sẽ đưa ra đề nghị xin cấp vốn từ các nước khác như: Nhật Bản, Hàn Quốc hoặc Na Uy.

“Nga muốn kiểm soát vấn đề năng lượng của Mông Cổ. Điều này đã trở thành một vấn đề chính trị. Đòn bẩy quyền lực đang nằm trong tay Nga. Khi chúng tôi không nghe lời Nga, chúng tôi đều sợ bị cắt điện, đặc biệt là vào mùa đông”, ông Odkhuu nói.

Theo nguồn tin thân cận của Bộ Tài nguyên và Môi trường Nga chia sẻ với RBTH, Moscow đang tìm kiếm một sự thỏa hiệp với Ulan Bator. “Mông Cổ có thể từ bỏ dự án nếu Nga cung cấp năng lượng với tốc độ bao cấp hơn”, nguồn tin trên tiết lộ.