Thời sự Quốc tế

Vì sao WHO chuẩn bị đổi tên dịch đậu mùa khỉ?

Một nhóm các nhà khoa học, chủ yếu tại châu Phi, cho rằng đã có sự phân biệt đối xử, kỳ thị trong cách truyền thông đưa tin về bệnh đậu mùa khỉ.

Ngày 14/6, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết cơ quan này đang phối hợp với các đối tác và chuyên gia trên toàn thế giới về việc đổi tên virus đậu mùa khỉ và tên căn bệnh do virus này gây ra.

Động thái được đưa ra sau khi hơn 30 nhà khoa học, chủ yếu tại châu Phi, có bài viết đăng trên diễn đàm y tế Virological về việc cần phải đổi sang một tên gọi không mang tính phân biệt đối xử đối với virus đậu mùa khỉ.

Bài viết của các nhà khoa học trên có đoạn: “Nhận thức phổ biến trên truyền thông quốc tế và trong cộng đồng khoa học là virus đậu mùa khỉ thường xuất hiện ở người dân tại một số quốc gia châu Phi. Tuy nhiên, đa số các đợt bùng phát dịch đậu mùa khỉ tại châu Phi trước năm 2022 đều là do lây nhiễm từ động vật sang người và có rất ít các trường hợp lây nhiễm từ người sang người”.

img

Các mẫu xét nghiệm bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh - Reuters

Các nhà khoa học lập luận rằng xét trong bối cảnh đợt bùng phát dịch đậu mùa khỉ hiện nay trên thế giới, việc quy rằng virus này xuất phát từ châu Phi không những không chính xác mà còn mang tính phân biệt đối xử.

Sự phân biệt rõ ràng nhất là việc sử dụng hình ảnh bệnh nhân châu Phi để minh họa cho các trường hợp nhiễm đậu mùa khỉ thường được truyền thông thế giới đăng tải. Mới đây, một hiệp hội truyền thông của châu Phi đã ra thông báo yêu cầu truyền thông quốc tế dừng sử dụng hình ảnh bệnh nhân châu Phi để minh họa cho đợt bùng phát dịch bệnh này tại châu Âu.

Các nhà khoa học cũng đưa ra dẫn chứng số lượng chuỗi lây nhiễm virus đậu mùa khỉ phát hiện trong và bên ngoài châu Âu là tương đương nhau, với chuỗi lây nhiễm đầu tiên phát hiện tại Liberia năm 1970 và 3 chuỗi lây nhiễm gần đây nhất phát hiện tại Mỹ vào các năm 2021, 2022.

Từ đầu tháng 5/2022, đã có hơn 1.600 ca nhiễm đậu mùa khỉ đã được xác nhận, hơn 1.500 ca nghi nhiễm tại 43 quốc gia và vùng lãnh thổ, chủ yếu tại Trung và Tây Âu, Bắc Mỹ và Nam Mỹ.

Ông Tedros cũng cho biết WHO đang cân nhắc để xác định liệu bệnh đậu mùa khỉ có là tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc tế hay không. Đây là mức cảnh báo cao nhất của WHO.

Thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp virus được đặt tên dựa trên khu vực virus bùng phát, chẳng hạn như trước đây virus gây bệnh Covid-19 thường được nhắc đến với tên gọi “virus Vũ Hán” vì dịch này bắt đầu bùng phát đầu tiên tại Vũ Hán, Trung Quốc hồi cuối năm 2019.

Sau đó, WHO đã đặt tên gọi chính thức là virus SARS-CoV-2 và bệnh Covid-19 để chống lại tình trạng phân biệt đối xử với người Trung Quốc và người Đông Á liên quan tới loại virus này.