Hạ tầng

Vô tư lấn chiếm kênh rạch xây nhà không phép

17/05/2016, 09:21

Tình trạng lấn chiếm đất ven sông xây dựng nhà tại TP.HCM đang gây hậu quả nghiêm trọng, khiến dòng chảy bị thu hẹp...

8

Hàng loạt ngôi nhà xây dựng trái phép lấn chiếm trên kênh Đôi, quận 8

Không cấp phép… vẫn liều xây nhà

Tình trạng lấn chiếm kênh, rạch diễn ra nhức nhối nhất trên địa bàn các quận: 2, 7 ,8, 9, Bình Thạnh, Bình Chánh, Nhà Bè. Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Dương Quốc Hưng, xây nhà lấn chiếm trên tuyến rạch Cây Cam ở đường Nguyễn Duy Trinh, khu phố Tam Đa, phường Trường Thạnh, quận 9 thừa nhận: “Tôi sống ở đây đã gần 20 năm. Lúc đầu đến ở chỉ làm vài tấm tôn quây xung quanh, sau đó dành dụm được ít tiền xây kè cất nhà trên diện tích 63m. Căn nhà này không được cấp sổ vì chính quyền không cho phép xây dựng trên đất kênh rạch, nhưng chúng tôi vẫn làm liều xây nhà”.

Trường hợp khác là gia đình bà Phan Thị Đào, trú tại 27/38/21 đường Bông Sao, phường 5, quận 8 đã xây dựng nhà lấn chiếm trên rạch Xóm Củi với diện tích 96m2 (lấn chiếm ra ngoài rạch trên 4m). Nhà bà Đào đã đổ cột, xây tường gạch, lợp mái tôn khá kiên cố. Bà Đào cho biết: “Tôi ở đây từ năm 2010, một số hộ dân ở kênh rạch này đã có sổ còn nhà tôi thì không. Không cấp giấy phép, tôi vẫn xây vì những tấm tôn dựng tạm đã mục nát, xập xệ. Khi nào Nhà nước làm dự án buộc phải di dời chúng tôi sẽ đi”.

Theo đại diện phường 5, quận 8 ban đầu các hộ dân chỉ lấn vài mét để làm nhà vệ sinh. Sau đó, không ai nhắc nhở, xử lý, họ lấn tiếp, dựng nhà tạm bợ để mở hàng quán buôn bán, sinh hoạt. Lâu dần họ rào lại xây nhà ở ngay. Vị này cho biết thêm, cái khó của địa phương khi xử lý những hộ này là phần lớn các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, không nhà cửa. Mỗi lần nhắc nhở, xử phạt họ viện cớ khất lần để tìm chỗ ở.

Bờ sông sạt lở

Với cách thức cố ý lấn chiếm của người dân cùng sự thiếu cương quyết của chính quyền địa phương, nhiều kênh, rạch chảy qua các quận, huyện đã bị thu hẹp, dòng chảy bị xói mòn… Sau nhiều năm vô hình trung trở thành khu nhà ổ chuột, nhếch nhác và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, làm xấu hình ảnh một TP văn minh - sạch đẹp.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phạm Công Bằng, Trưởng phòng Quản lý giao thông đường thủy Sở GTVT TP.HCM cho biết: “Tính đến nay còn 146 trường hợp lấn chiếm kênh rạch. Nhiều nhất là huyện Bình Chánh tới 28 điểm, quận 9 có 26 điểm, quận 8 còn 22 điểm… Khi phát hiện, Sở GTVT đã thông báo đến chính quyền địa phương phối hợp xử lý. Riêng năm 2015, UBND các quận, huyện đã xử lý 66 trường hợp lấn chiếm hành lang kênh, rạch, san lấp trái phép ở Hóc Môn - Bắc Bình Chánh và kênh Đông - Củ Chi”.

Theo ông Bằng, tại nhiều điểm xây nhà lấn chiếm kênh rạch đã làm thu hẹp dòng chảy, gây sạt lở. Hơn nữa, tình trạng bị san lấp trái phép, lấn chiếm và xả rác tại đây đã làm tắc nghẽn cống, cửa xả gây ngập nước trên địa bàn thành phố.

“Để xử lý tình trạng này, quan trọng nhất là tuyên truyền vận động, lập biên bản. Đối với các trường hợp vi phạm kéo dài, Sở đã chuyển biên bản vi phạm về địa phương để xử lý. Tuy nhiên, hiện vẫn còn tồn tại một số trường hợp địa phương chưa xử lý dứt điểm”, ông Bằng nói.

* Theo Sở GTVT TP.HCM, trong năm 2015 xảy ra 13 vụ sạt lở tập trung ở huyện Nhà Bè, Cần Giờ, Thủ Đức, quận 2 gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Hiện, trên địa bàn TP còn 44 vị trí sạt lở do lấn chiếm kênh rạch, khai thác cát trái phép… Để chống sạt lở tại vị trí trên, tổng kinh phí ngân sách TP dự kiến chi 4.000 tỷ đồng cho gần 20 dự án, chưa kể các dự án thành phố kêu gọi đầu tư.  

* Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước, UBND TP vừa phê duyệt dự án đầu tư “Quản lý rủi ro ngập nước khu vực TP HCM” với kinh phí hơn 9.570 tỷ đồng. Theo kế hoạch, dự án lắp đặt 5 trạm khí tượng, 1 trạm ra đa thời tiết, 80 trạm đo mưa và 20 trạm đo thủy văn để phục vụ công tác chống ngập. Các thiết bị trên để phục vụ chống ngập trên địa bàn các quận 8, 12, Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân và huyện Bình Chánh. Thời gian thực hiện từ năm 2016 - 2021.