Vướng mặt bằng “xôi đỗ”, nhiều gói thầu cao tốc Cam Lộ - La Sơn gặp khó
Tuyến chính cơ bản hoàn thành GPMB, tuy nhiên không ít vướng mắc cục bộ, “xôi đỗ” và phát sinh GPMB gây khó thi công cao tốc Cam Lộ - La Sơn.
Ghi nhận PV, những ngày trung tuần tháng 3/2022, tranh thủ thời tiết nắng ráo, tất cả gói thầu xây lắp dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn qua địa bàn Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế tập trung thi công.
Theo Ban QLDA đường HCM, dự án có 7/11 gói thầu thi công xong nền đường và đang vào công tác thảm cấp phối đá dăm, bê tông nhựa lớp 1 đại trà.
Ban QLDA đường HCM phối hợp địa phương để tháo gỡ vướng mắc mặt bằng "xôi đỗ" trên tuyến chính cao tốc Cam Lộ - La Sơn
Tuy nhiên, sau áp lực thời tiết bất lợi, một số tồn tại, vướng mắc mặt bằng đang là lực cản tiến độ triển khai trên công trường.
Tại Quảng Trị, hiện ngành chức năng địa phương này cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng (GPMB) trên tuyến chính. Nhưng theo ghi nhận, ngay trong phạm vi đã được GPMB này vẫn còn vướng mắc cục bộ, “xôi đỗ” cùng một số vấn đề mặt bằng phát sinh do điều chỉnh xử lý kỹ thuật.
Điển hình các hạng mục bổ sung hạ lưu cống Km 0+290 và xử lý kỹ thuật sụt trượt ở đây còn vướng mắc nhiều hộ dân, đang chờ UBND tỉnh ban hành giá đất.
Khu vực đường gom qua địa bàn huyện Cam Lộ còn hơn 150m dài vướng mắc do các hộ dân chưa thống nhất phương án đền bù hoặc chưa đồng thuận nhận tiền đền bù.
Đầu tháng 3/2022 mới đây, UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo Sở GTVT khẩn trương hoàn thành vị trí ảnh hưởng kỹ thuật đường điện 220KV vào tháng 6/2022 để bàn giao công địa thi công.
Bên cạnh đó, vướng mắc mặt bằng hạng mục bổ sung phát sinh đoạn nâng đường đỏ phạm vi cầu Khe Ái Tử khiến việc thi công không thể triển khai đồng bộ.
Trong khi chờ địa phương phê duyệt kế hoạch sử dụng đất bổ sung, triển khai công tác đền bù giải tỏa, nhà thầu (Tổng công ty Thành An) phải linh hoạt, ứng tiền trả dân trước để triển khai thi công.
7/11 gói thầu dự án xong nền đường và đang vào cao điểm thi công lớp cấp phối đá dăm, bê tông nhựa lớp dưới...
Nhiều gói thầu thi công đêm, bù phụ tiến độ (ảnh chụp gói thầu XL5, XL6)
Tương tự trên địa bàn Thừa Thiên – Huế, dù tuyến chính đã hoàn thành cơ bản GPMB, nhưng vẫn còn một số vướng mắc cục bộ. Đáng kể, các vị trí điều chỉnh xử lý kỹ thuật phát sinh mặt bằng, đến nay chưa thể hoàn thành GPMB.
Ngay cả trên tuyến chính đoạn qua cây xăng Hưng Phát (gói thầu XL09) vẫn còn vướng mắc 100m do đang để lối vào của cây xăng.
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, tỉnh yêu cầu các địa phương khẩn trương xử lý dứt điểm vướng mắc mặt bằng, trong tháng 4/2022 bàn giao mặt bằng phạm vi vuốt nối hầm ngoài tuyến chính do điều chỉnh, bổ sung hạng mục hầm chui bán âm Km55+219; tập trung GPMB phát sinh đoạn gói thầu XL10 tại Km81+850 - Km82+006 (tuyến chính) dài 151m và Km0+212 - Km0+298 dài 86m đường ngang (đường Tứ Tượng); đối với đoạn Km82+079 - Km82+360 dài 281m do phát sinh bổ sung rãnh đỉnh và điều chỉnh độ dốc mái ta luy.
Lãnh đạo Ban QLDA đường HCM cho hay, thời gian qua, dự án được sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành 2 địa phương Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, sớm bàn giao GPMB tuyến chính dự án.
Đến nay, khối lượng GPMB còn lại và các vị trí điều chỉnh kỹ thuật không nhiều. Tuy nhiên, do vướng mắc "xôi đỗ" gây khó khăn cho công tác tổ chức thi công.
Thống kê của Ban QLDA đường HCM, hiện dự án Cam Lộ - La Sơn đạt tiến độ gần 80%, cơ bản đáp ứng yêu cầu Bộ GTVT. Các gói thầu có sản lượng so với hợp đồng đạt trên mức bình quân chung cả dự án (77%) gồm: XL1, XL2, XL4, XL8, XL10.
Các gói thầu XL8 và XL10 triển khai Quý I/2020 sản lượng đạt 86% và 92% so với hợp đồng, đạt tiến độ yêu cầu đề ra; trong đó có 02 gói thầu XL5, XL6 có sản lượng trung bình thấp, nguyên nhân chủ yếu là do hai gói thầu này có khối lượng đắp nền đường là chủ yếu và trước đây có khó khăn trong công tác tìm nguồn vật liệu đất đắp, hiện đã được Bộ GTVT và địa phương tháo gỡ cơ bản đảm bảo nguồn đất đắp; các gói thầu còn lại cơ bản đảm bảo theo tiến độ điều chỉnh đề ra