Ý kiến trái chiều kiểm toán dự án PPP giao thông
Kiểm toán toàn bộ hay chỉ áp dụng với phần vốn của Nhà nước, không thực hiện với phần vốn tư nhân tham gia vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.
Kiểm toán các dự án thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP) là cần thiết để đánh giá hiệu quả toàn diện của công trình. Tuy nhiên, kiểm toán toàn bộ hay chỉ áp dụng với phần vốn của Nhà nước, không thực hiện với phần vốn tư nhân tham gia vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.
Đề xuất không kiểm toán phần vốn tư nhân
Nghị định 63/2018 quy định: Phần vốn ngân sách tham gia vào dự án PPP chỉ sử dụng cho công tác GPMB, chi phí cho các công trình phụ trợ. Nếu chỉ kiểm toán phần vốn Nhà nước trong dự án PPP sẽ chỉ đánh giá được việc nhà đầu tư có sử dụng đúng mục đích số tiền đó hay không, không đánh giá được hiệu quả của dự án. Muốn đánh giá hiệu quả của dự án phải đánh giá toàn bộ từ chi phí đầu tư đến hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội. Muốn vậy phải bắt buộc phải kiểm toán toàn bộ dự án, trong đó có cả phương án tài chính, số năm thu phí”.
Ông Ngô Văn Quý, nguyên Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành IV
Dự thảo mới nhất Luật PPP vừa được công bố trên Cổng Thông tin của Bộ KH&ĐT (cơ quan chủ trì soạn thảo luật) để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đáng chú ý nhất trong dự thảo lần này là quy định về hoạt động kiểm toán Nhà nước sẽ được thực hiện ở giai đoạn chuẩn bị dự án, kết quả lựa chọn nhà đầu tư. Còn giai đoạn sau khi đã ký kết hợp đồng, Kiểm toán Nhà nước sẽ chỉ thực hiện kiểm toán đối với phần vốn Nhà nước, không kiểm toán đối với phần vốn tư nhân tham gia vào dự án PPP.
Cụ thể, tại Điều 86, dự thảo Luật PPP quy định, trước khi ký kết hợp đồng, Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán quá trình chuẩn bị dự án, kết quả lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án PPP có sử dụng tài chính công, tài sản công.
Sau khi ký kết hợp đồng, Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán đối với việc sử dụng tài chính công, tài sản công trong dự án PPP gồm: Kiểm toán tài chính và kiểm toán tuân thủ đối với việc sử dụng vốn Nhà nước bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư, hỗ trợ xây dựng công trình tạm (nếu có), hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng khi tách thành một dự án thành phần, sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT...
Lý giải về quy định này, Bộ KH&ĐT cho biết, Hiến pháp và pháp luật về kiểm toán Nhà nước xác định phạm vi kiểm toán là các nội dung tài chính công, tài sản công, trong trường hợp này là phần vốn Nhà nước thực hiện trong dự án PPP. Để tạo môi trường đầu tư thuận lợi và có thể so sánh tương đối với các lĩnh vực đầu tư khác, phần vốn của khu vực tư nhân bỏ ra để đầu tư vào dự án PPP cần phải được xác định là không thuộc đối tượng của Kiểm toán Nhà nước.
Theo Bộ KH&ĐT, việc kiểm soát về mặt chi phí của dịch vụ mà dự án cung cấp đã được thực hiện qua các bước của quy trình thực hiện dự án, từ việc xác định tổng mức đầu tư đến đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
“Đấu thầu là khâu quan trọng phát huy cơ chế cạnh tranh của thị trường để xác định nhà đầu tư có dự án mang lại hiệu quả cao nhất. Như vậy, trong phương thức PPP, tương tự như các lĩnh vực kinh doanh khác, nhà đầu tư được tự do phát huy khả năng về kỹ thuật quản lý của mình để hiện thực hóa để xuất của mình, không áp dụng kiểm toán tài chính và kiểm toán tuân thủ đối với phần vốn đầu tư mà khối tư nhân bỏ ra. Khâu còn lại là kiểm soát dịch vụ mà nhà đầu tư cung cấp theo dự án, đây chính là mục đích quan trọng nhất của việc đầu tư PPP”, Bộ KH&ĐT nêu.
Vẫn nhiều ý kiến trái chiều
Dưới góc độ nhà đầu tư đang tham gia nhiều dự án PPP giao thông, ông Trần Văn Thế, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho rằng, việc kiểm toán toàn bộ phần vốn trong dự án PPP có thể thực hiện ở các dự án chỉ định thầu, còn không nên áp dụng đối với các dự án đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. “Khi thực hiện đấu thầu công khai, minh bạch, Nhà nước đã lựa chọn giải pháp để dự án có giá thấp nhất. Nếu tiếp tục kiểm toán phần vốn tư nhân, ngoài việc kéo dài thời gian, thủ tục sẽ không khuyến khích được các nhà đầu tư tham gia vào các dự án PPP”, ông Thế nói.
Cũng theo ông Thế, khi đấu thầu, nhà đầu tư đã phải tính toán sử dụng các biện pháp kỹ thuật, biện pháp thi công, đẩy nhanh tiến độ để giảm lãi vay trong giai đoạn đầu tư. Khi nhà đầu tư trúng thầu, cơ quan Nhà nước chỉ nên kiểm soát về mặt tiến độ, chất lượng công trình, còn nhà đầu tư làm thế nào đã có trong hồ sơ đấu thầu rồi, không nên kiểm toán đối với phần vốn của nhà đầu tư nữa.
Trao đổi với Báo Giao thông, một lãnh đạo Vụ PPP (Bộ GTVT) cũng cho rằng, nếu kiểm toán toàn bộ phần vốn trong dự án PPP, nhà đầu tư sẽ mất hết quyền và không phát huy được tính sáng tạo trong việc áp dụng những công nghệ, giải pháp mới để tiết giảm giá thành. Tuy nhiên, Nhà nước cũng không thể phó thác toàn bộ cho nhà đầu tư, tức là vẫn phải kiểm toán.
“Cơ quan chức năng cần có giải pháp hài hòa trong Luật PPP để vừa đảm bảo quyền lợi Nhà nước, người dân nhưng cũng phải để nhà đầu tư phát huy tính sáng tạo, từ đó mới có thể thu hút được nguồn vốn tư nhân tham gia vào các dự án PPP”, lãnh đạo Vụ PPP chia sẻ.
Tuy nhiên, trả lời báo chí mới đây, ông Đoàn Xuân Tiên, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước cho rằng, PPP là phương thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp đồng giữa Nhà nước và nhà đầu tư để xây dựng, cải tạo, vận hành, kinh doanh, quản lý công trình hạ tầng, cung cấp dịch vụ công. Vì vậy, dù dự án do tư nhân bỏ 100% vốn đầu tư thì công trình, dự án sau khi hoàn thành vẫn là tài sản công, mà đã là tài sản công thì thuộc đối tượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Ngô Văn Quý, nguyên Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành IV cho rằng, quy định về hoạt động kiểm toán Nhà nước trong dự thảo Luật PPP được Bộ KH&ĐT đưa ra là chưa phù hợp. “Dù tư nhân bỏ vốn ra làm nhưng thực chất dự án PPP là vốn ngân sách trả chậm, nhà đầu tư hoàn vốn thông qua thu phí từ người dân. Đã là tiền ngân sách, tiền thuế của dân phải được kiểm soát chặt chẽ và cần kiểm toán toàn bộ nguồn vốn”, ông Quý nói.