Chính trị

Quan hệ Việt - Mỹ được gì sau gần ba thập kỷ bình thường hóa?

09/09/2023, 15:40

Sau gần 3 thập kỷ, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã có sự chuyển biến đột phá - từ cựu thù đến bạn bè, đối tác với hiệu quả thực chất, thể hiện rõ qua những chuyến thăm của lãnh đạo hai bên và kim ngạch thương mại tăng 247 lần.

Từ nghi kỵ đến tôn trọng thể chế của nhau 

Nhận định về quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, ông Scot Marciel, nguyên Phó trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ về Đông Á - Thái Bình Dương, nguyên Đại sứ Hoa Kỳ về ASEAN từng chia sẻ trong bài viết đăng tải trên trang web của Trung tâm Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương Walter H. Shorenstein cho biết: "Quan hệ đối tác giữa hai nước được xây dựng dựa trên hoạt động trao đổi thường xuyên, mang tính xây dựng trên tất cả các cấp, thể hiện mức độ tin cậy mà cách đây không lâu, đó là điều chưa bao giờ có thể tưởng tượng được".

Đánh giá quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ là minh chứng cho sức mạnh hòa giải và tiềm năng hợp tác giữa hai cựu thù, vị cựu Đại sứ cho rằng, sau một chặng đường dài với những nỗ lực bền bỉ, gác lại quá khứ, hướng đến tương lai. 

Nhìn lại chặng đường phát triển quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ  - Ảnh 1.

Sáng 12/7/1995, tại Hà Nội (11/7 theo giờ Mỹ), Thủ tướng Võ Văn Kiệt đọc tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. (Ảnh: Minh Đạo/TTXVN).

Ngày 11/7/1995 (theo giờ địa phương), Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton đã chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

Rạng sáng 12/7/1995 (giờ Việt Nam), Thủ tướng Việt Nam lúc đó là ông Võ Văn Kiệt đã chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ.

Sau đó một tháng, Hoa Kỳ và Việt Nam nâng cấp Phòng liên lạc được thiết lập vào tháng 1/1995 của hai nước thành Đại sứ quán.

Thực tế cho thấy, từ sau khi bình thường hoá quan hệ, hai bên liên tục có những chuyến thăm cấp cao giữa hai nước.

Về phía Hoa Kỳ, đã có bốn đời tổng thống Hoa Kỳ thăm Việt Nam: Bill Clinton (năm 2000), George W. Bush (năm 2006), Barack Obama (năm 2016) và Donald Trump (năm 2017 và năm 2019).

Các lãnh đạo Việt Nam cũng có nhiều chuyến thăm Hoa Kỳ như Thủ tướng Phan Văn Khải (năm 2005), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (năm 2007), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (năm 2008), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (năm 2013), Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (năm 2015), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (năm 2017)…

Nhìn lại chặng đường phát triển quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ  - Ảnh 2.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và ông Joe Biden (khi đó là Phó tổng thống Hoa Kỳ) tại buổi chiêu đãi trọng thể của chính phủ Mỹ hôm 7/7/2015 (Ảnh: Twitter).

Mỗi chuyến thăm đều mang ý nghĩa sâu sắc với quan hệ hai nước, nhưng có thể kể đến một số điểm nhấn quan trọng như hồi tháng 7/2013, tại cuộc hội đàm giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Barack Obama ở Nhà Trắng trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ, hai nhà lãnh đạo tuyên bố hai nước thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện.

Hay chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Hoa Kỳ năm 2015. Thời điểm đó, ông Hoàng Bình Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương đã có bài viết đăng trên báo Washington Post (Bưu điện Washington) của Hoa Kỳ chỉ ra: "Chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng theo lời mời của Chính phủ Hoa Kỳ thể hiện sự tôn trọng của Hoa Kỳ đối với thể chế chính trị của Việt Nam".

Nhìn lại chặng đường phát triển quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ  - Ảnh 3.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama trong chuyến thăm chính thức năm 2015 tại Nhà Trắng (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN).

Lúc đó, ông Quân cũng nhấn mạnh: "Ít có quốc gia nào đã làm thay đổi mối quan hệ sâu sắc trong một khoảng thời gian ngắn như Việt Nam và Hoa Kỳ".

Sau 8 năm, vào tháng 3/2023, dưới thời Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, sự khẳng định và tôn trọng Việt Nam một lần nữa được lãnh đạo cấp cao nhất của Hoa Kỳ nhắc lại trong cuộc điện đàm với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trong cuộc điện, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng của Hoa Kỳ và ủng hộ một Việt Nam "độc lập, tự cường và thịnh vượng".

Kinh tế tăng trưởng vượt bậc

Kể từ khi Hoa Kỳ bỏ cấm vận Việt Nam, kim ngạch thương mại hai chiều tăng 247 lần từ khoảng 500 triệu USD lên tới 123,86 tỷ USD tính đến năm 2022.

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nhiều năm qua, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tám của Hoa Kỳ trên thế giới và là đối tác lớn nhất tại ASEAN.

Lũy kế đến tháng 6/2023, đầu tư trực tiếp của Hoa Kỳ tại Việt Nam đạt 11,73 tỷ USD với hơn 1.200 dự án, đứng thứ 11 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Đáng chú ý, tháng 3 vừa qua, một phái đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ lớn nhất tới Việt Nam từ trước tới nay đã đến tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Phái đoàn khẳng định cam kết của Chính phủ và khu vực tư nhân Hoa Kỳ trong việc ủng hộ một Việt Nam mạnh, độc lập, thịnh vượng, thúc đẩy các hoạt động hợp tác vì sự thịnh vượng của hai quốc gia.

Nhìn lại chặng đường phát triển quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ  - Ảnh 4.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh lưu niệm với đoàn doanh nghiệp của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (Ảnh: VGP).

Các doanh nghiệp Hoa Kỳ đã đề xuất những ý tưởng mới, cơ hội mới về đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực công nghiệp sáng tạo, du lịch, ô tô, hàng không, kinh tế số, trang thiết bị y tế, năng lượng, ngân hàng...

Đồng thời, khoảng 50 "đại bàng kinh tế" của Hoa Kỳ cũng nêu nhiều đề xuất, kiến nghị nhằm đưa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Hoa Kỳ ngày càng gắn kết, thực chất và thành công hơn nữa.

Về hợp tác an ninh - quốc phòng, hai nước có những bước phát triển nhanh chóng, đánh dấu bằng việc tổ chức ngày càng nhiều các hoạt động đối thoại an ninh chính trị, quân sự cấp cao nhằm tăng cường sự hiểu biết, tin cậy và hỗ trợ lẫn nhau.

Trong khi gác lại quá khứ, hai bên ưu tiên hợp tác nhân đạo, khắc phục hậu quả chiến tranh, hoàn tất tẩy độc dioxin ở sân bay Đà Nẵng (6/2012-11/2018), tiếp tục triển khai dự án tẩy độc sân bay Biên Hòa (từ tháng 4/2019).

Việt Nam đã phối hợp cùng Hoa Kỳ tìm kiếm và kiểm kê quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam. Hoạt động đã giúp xác định và trao trả cho Hoa Kỳ hài cốt của hơn 730 quân nhân.

Việt Nam có số du học sinh sang Hoa Kỳ cao nhất khối ASEAN

Bên cạnh đó, hợp tác giáo dục được coi là một trong những trụ cột quan trọng trong hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Hai nước đều dành ưu tiên cao cho hợp tác giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học và sau đại học.

Hoa Kỳ có các chương trình cấp học bổng cho sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam tại Hoa Kỳ, các chương trình trao đổi giảng viên và sinh viên, cũng như các mô hình liên kết đào tạo giữa các trường đại học và cao đẳng của hai nước.

Việt Nam hiện là nước có số lượng du học sinh sang Hoa Kỳ cao nhất trong khối ASEAN. Tính đến tháng 3/2019, có hơn 30.900 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Hoa Kỳ. Việt Nam là nước đứng đầu Đông Nam Á và đứng thứ 5 thế giới về số lượng sinh viên theo học ở Hoa Kỳ.

Nhìn về quan hệ hai nước trong tương lai, ngay trong cuộc gặp mặt báo chí lần đầu tiên kể từ khi đến Việt Nam hồi đầu năm ngoái, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper đã chia sẻ: "Ưu tiên của chúng tôi là nâng cấp quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam từ đối tác toàn diện lên đối tác chiến lược. Chúng tôi đã có nhiều cuộc trao đổi với các đại diện chính phủ, doanh nghiệp về việc làm thế nào để phát triển và mở rộng quan hệ. Đây là một trách nhiệm tôi đang đảm nhận".

Đại sứ Marc Knapper khẳng định, nâng cấp quan hệ không chỉ là ưu tiên của riêng ông mà còn của cả chính phủ Hoa Kỳ. Ông cũng nhắc lại chuyến thăm của Phó tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris hồi năm ngoái khi bà Harris nhấn mạnh, Hoa Kỳ mong muốn tăng cường quan hệ hai nước.

"Đã đến lúc nâng cấp quan hệ. Đã gần 10 năm kể từ ngày chúng ta nâng cấp quan hệ lên đối tác toàn diện. Việc nâng cấp lên quan hệ chiến lược không chỉ thể hiện chính xác mối quan hệ hợp tác hai nước mà còn mở ra cơ hội làm sâu sắc quan hệ hai bên", Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam nói.

Trong cuộc gặp mặt báo chí trước thềm chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Đại sứ Marc Knapper cũng nhấn mạnh, Hoa Kỳ cùng chia sẻ với những nỗ lực của Việt Nam để tới năm 2045, Việt Nam là nước có thu nhập cao và năm 2050 đạt mục tiêu phát thải ròng bằng không.

"Cũng chính vì vậy, chúng tôi rất mong chờ chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ tới Việt Nam để cho thấy tương lai của hai nước chúng ta có sự gắn kết với nhau và hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra", Đại sứ Hoa Kỳ nói.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.