Xã hội

Quần thể vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà là Di sản Thiên nhiên thế giới

17/09/2023, 16:29

Ủy ban Di sản thế giới UNESCO đã thông qua hồ sơ đề cử, công nhận quần thể vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà (thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng) là Di sản Thiên nhiên thế giới.

Vào hồi 17h39 giờ địa phương (tức 21h39 ngày 16/9, giờ Việt Nam), tại thủ đô Riyadh, Arab Saudi, Kỳ họp lần thứ 45 của Ủy ban Di sản thế giới UNESCO đã gõ búa thông qua hồ sơ đề cử, công nhận quần thể vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà là Di sản Thiên nhiên thế giới.

Vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà nằm ở phía đông bắc Việt Nam, cách Thủ đô Hà Nội 165km. Nơi đây được mệnh danh là "hòn ngọc của vịnh Bắc Bộ", bản giao hưởng của núi rừng hùng vĩ và biển đảo bao la. Các khu vực tự nhiên có diện tích vùng lõi là 65.650ha, vùng đệm có diện tích 34.140ha.

Quần đảo Cát Bà là lần đầu tiên được công nhận Di sản thiên nhiên thế giới - Ảnh 1.

Quần đảo Cát Bà lần đầu tiên được công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới.

Vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận Di sản Thiên nhiên thế giới bởi nơi đây có các khu vực với vẻ đẹp thiên nhiên bao gồm: Đảo đá vôi có thảm thực vật che phủ; đỉnh ngọn núi đá vôi nhô lên trên mặt biển cùng với đặc điểm karst liên quan như các mái vòm, hang động.

Với 1.133 hòn đảo đá vôi muôn hình, muôn vẻ (775 đảo đá vôi thuộc Vịnh Hạ Long và 358 đảo đá vôi thuộc quần đảo Cát Bà) được bao phủ bởi thảm thực vật phong phú trên mặt nước lấp lánh màu ngọc bích, vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà hiện lên như một bàn cờ bằng đá quý; nước non trùng điệp, thanh bình; những bãi cát trắng mịn, tinh khôi.

Quần đảo Cát Bà là lần đầu tiên được công nhận Di sản thiên nhiên thế giới - Ảnh 2.

Quần đảo Cát Bà nhìn từ trên cao.

Với sự giao thoa của núi rừng và biển đảo, vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà có mức độ đa dạng cao của Châu Á khi sở hữu 7 hệ sinh thái biển - đảo, nhiệt đới, cận nhiệt đới liền kề, kế tiếp nhau phát triển.

Đó là hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới nguyên sinh; hệ sinh thái hang động; hệ sinh thái rừng ngập mặn; hệ sinh thái bãi triều; hệ sinh thái rạn san hô; hệ sinh thái đáy mềm; hệ sinh thái hồ nước mặn.

Các hệ sinh thái này đại diện cho các quá trình sinh thái và sinh học vẫn đang tiến hóa và phát triển, thể hiện qua sự đa dạng của các quần xã động thực vật.


Quần đảo Cát Bà là lần đầu tiên được công nhận Di sản thiên nhiên thế giới - Ảnh 3.

Vọoc Cát Bà (Trachypithecus poliocephalus) là loài quý hiếm, nằm trong danh sách các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất và được ghi vào sách đỏ thế giới.

Vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà còn là môi trường sống của nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Sở hữu khu rừng trên biển lớn nhất Việt Nam với diện tích hơn 17.000ha cùng các hệ sinh thái đa dạng, vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà là điểm cư ngụ của 4.910 loài động thực vật trên cạn và dưới biển, trong số này có tới 198 loài thuộc danh mục đỏ của Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN), 51 loài đặc hữu.

Diện tích rừng nguyên sinh khoảng 1.045,2ha trên đảo Cát Bà là một trong những nhân tố quan trọng làm nên giá trị sinh thái và đa dạng sinh học của di sản. 

Quần đảo Cát Bà là lần đầu tiên được công nhận Di sản thiên nhiên thế giới - Ảnh 4.

Hình ảnh một số hệ sinh thái trên quần đảo Cát Bà.

Đặc biệt, voọc Cát Bà (Trachypithecus poliocephalus) là loài quý hiếm, nằm trong danh sách các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất và được ghi vào sách đỏ thế giới. Đến nay, còn khoảng 60-70 cá thể phân bố duy nhất ở Cát Bà, không còn nơi nào khác trên thế giới xuất hiện loài này...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.