Thị trường

Quy chế tài chính giúp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xóa bỏ rủi ro pháp lý

11/11/2021, 10:24

Quy chế quản lý tài chính của công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã quy định cụ thể các khoản thu của Nhà nước từ hoạt động dầu khí.

Không có cơ chế tốt, khó phát triển bền vững

Tuy nhiên, trong 5 năm qua, (2015 - 2020), PVN hoạt động trong điều kiện chưa có Quy chế tài chính được cấp thẩm quyền phê duyệt.

img

Người lao động trên công trình khí

Gần đây nhất, năm 2020, PVN cũng phải thực hiện một số nhiệm vụ Nhà nước giao trong khi chưa được phê duyệt/thông qua cơ chế xử lý nguồn vốn (như bù thuế đối với Dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn, nghĩa vụ nước chủ nhà đối với các hợp đồng dầu khí…) đã làm suy giảm dòng tiền, nguồn lực của Tập đoàn và có thể tạo ra các rủi ro pháp lý đối với cán bộ liên quan khi thực thi nhiệm vụ.

Theo các chuyên gia, vị thế của ngành dầu khí Việt Nam đối với sự phát triển của đất nước, không chỉ về kinh tế mà cả quốc phòng, an ninh.

Do đó, rất cần cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho ngành phát triển, nhất là phát triển khâu thượng nguồn (tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí) cùng với giải quyết tốt những vấn đề ở khâu hạ nguồn (sản phẩm phân bón, điện…) để nâng cao hiệu quả của PVN trước mắt và lâu dài.

Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, thủ tục giải quyết các vấn đề mất nhiều thời gian do trình tự thủ tục phải trình, phải thông qua/đóng góp ý kiến của nhiều cơ quan có thẩm quyền trước khi cơ quan được giao chủ trì quyết định.

Việc xử lý tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của PVN đã báo cáo kiến nghị từ các cơ quan có thẩm quyền còn chậm, kéo dài…

Vào đầu năm 2020, Chủ tịch HĐTV của PVN khi đó là ông Trần Sỹ Thanh tại lễ tổng kết hoạt động năm 2019 cho rằng, không thể yên tâm và không làm tốt hơn được nữa khi mà cơ chế quản lý tài chính cho PVN vẫn chưa được ban hành.

“Anh em các cấp phải áp dụng, vận dụng hàng ngày nhưng cũng sẵn sàng chấp nhận rủi ro trong tương lai vì sự ổn định và phát triển của dầu khí”, ông Thanh nói.

Cũng theo ông Thanh, do quy chế tài chính của công ty mẹ - PVN chưa được thông qua nên việc tìm kiếm, thăm dò gặp khó khăn về vốn.

Sáng tỏ các khoản thu của Nhà nước

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 36/2021/NĐ-CP Quy chế quản lý tài chính của công ty mẹ - PVN, trong đó có quy định cụ thể các khoản thu của Nhà nước.

img

CBCNV Nhà máy Đạm Phú Mỹ đeo khẩu trang trong suốt quá trình thực hiện bảo dưỡng tổng thể

Theo đó, các khoản thu của Nhà nước từ hoạt động của công ty mẹ - PVN bao gồm: Các khoản thuế và thu ngân sách phải nộp theo quy định của pháp luật; Thu chênh lệch giá khí theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; thu tiền khí đồng hành mỏ Bạch Hổ và các mỏ khác theo quy định hiện hành; Thu vào ngân sách nhà nước 100% tiền lãi dầu, khí nước chủ nhà được chia từ các hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí (sau khi đã trừ 1,5% để Công ty mẹ bù đắp chi phí quản lý, giám sát các hợp đồng dầu khí), tiền lãi dầu khí và các khoản khác được chia từ Liên doanh Việt - Nga “Vietsovpetro”, tiền đọc và sử dụng tài liệu dầu khí; Thu vào ngân sách nhà nước 100% tiền thu về hoa hồng dầu khí các loại (hoa hồng chữ ký, hoa hồng phát hiện, hoa hồng sản xuất...), khoản tiền đền bù do không thực hiện đầy đủ cam kết tối thiểu của nhà thầu trong các Hợp đồng dầu khí….

Hàng năm, trong trường hợp Chính phủ không có quy định khác, công ty mẹ phải xây dựng kế hoạch về nhu cầu chi ngoại tệ báo cáo Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Căn cứ nhu cầu chi ngoại tệ, công ty mẹ được sử dụng một phần số ngoại tệ phải nộp ngân sách nhà nước để cân đối cho nhu cầu chi tiêu ngoại tệ nhưng không vượt quá 30% nhu cầu chi ngoại tệ của công ty mẹ.

Phần còn thiếu, công ty mẹ tự cân đối. Các khoản thu nộp ngân sách nhà nước tương ứng với số ngoại tệ nói trên sẽ được quy đổi ra tiền đồng Việt Nam theo quy định.

Căn cứ khả năng cân đối ngoại tệ của ngân sách nhà nước và nhu cầu chi ngoại tệ của công ty mẹ; Bộ Tài chính xem xét, quyết định và thông báo về khả năng cân đối cho Công ty mẹ được sử dụng một phần từ số ngoại tệ phải nộp ngân sách nhà nước hàng năm.

Ngoài ra, Nghị định 36/2021/NĐ-CP cũng quy định việc quản lý, sử dụng các khoản tiền Nhà nước đầu tư lại cho công ty mẹ.

Theo đó, Nhà nước đầu tư trở lại nguồn lãi nước chủ nhà từ ngân sách nhà nước cho Công ty mẹ theo hình thức đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Công ty mẹ theo quy định tại Luật Ngân sách nhà nước và Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.