Đường sắt

Quy định lái tàu phải khám bộ phận sinh dục: Đường sắt nói gì?

04/04/2018, 06:54

Nếu lái tàu mà cứ 15-20 phút phải đi tiểu 1 lần, mỗi lần đi mất 5-10 phút thì lái sao được...

bo-y-te-phan-hoi-quy-dinh-nguoi-lai-tau-phai-kham-

Nếu lái tàu mà cứ 15-20 phút phải đi tiểu 1 lần, mỗi lần đi mất 5-10 phút thì lái sao được... (Ảnh: Văn Duẩn)

Liên quan đến dự thảo thông tư quy định tiêu chuẩn sức khỏe của nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu đang gây xôn xao dư luận gần đây, trao đổi với Báo Giao thông, ông Bùi Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế đường sắt - đơn vị được giao nhiệm vụ khám sức khỏe đầu vào và định kỳ cho các nhân viên đường sắt cho biết, những quy định về tiêu chuẩn sức khỏe đối với các chức danh này đã được áp dụng từ trước đến nay. Nay được rà soát, bổ sung, điều chỉnh để ban hành mới, thực thi Luật Đường sắt 2017.

Theo ông Dũng, các tiêu chuẩn theo dự thảo đều được xây dựng bởi các chuyên gia ở các bệnh viện đầu ngành như: Việt Đức, Bạch Mai, Phụ sản Trung ương… Về mặt chuyên môn y khoa, những quy định có phần khắt khe như vậy bởi đây đều là các chức danh liên quan trực tiếp đến an toàn chạy tàu. Nếu không đảm bảo sức khỏe hay có sự cố sức khỏe trong khi tác nghiệp sẽ đe dọa đến mất an toàn chạy tàu.

Theo dự thảo, nhân viên trực tiếp phục vụ chạy tàu (đường sắt quốc gia, đô thị, chuyên dùng) gồm 3 nhóm: Lái tàu, phụ tàu; trưởng tàu, trưởng đồn, trực ban chạy tàu ga, điều độ chạy tàu tuyến, điều độ chạy tàu ga, gác ghi, ghép nối đầu máy, toa xe; nhân viên tuần đường, cầu, hầm, gác hầm; gác đường ngang, cầu chung. Trong phụ lục tiêu chuẩn về chức năng sinh lý, bệnh tật theo dự thảo của Bộ Y tế có các chỉ số cụ thể như: tràn dịch tinh hoàn nam; rò bàng quang âm đạo, các biểu hiện viêm, viêm cạnh tử cung, viêm mạn tính vòi trứng; u nang buồng trứng, trĩ, ruột thừa... Những quy định này đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều, nhiều người cho rằng có những quy định rất vô lý như vòng ngực “ngực nở ngực lép” hay răng vẩu.

“Nam lái tàu bị bệnh lậu đã chữa khỏi nhưng di chứng là hẹp niệu đạo, tiểu rắt. Nếu lái tàu mà cứ 15-20 phút phải đi tiểu 1 lần, mỗi lần đi mất 5-10 phút thì lái sao được, trong khi lái tàu đòi hỏi tập trung cao độ”, ông Dũng ví dụ.

Cũng theo ông Dũng, lái tàu là lao động thuộc loại nặng nhọc, độc hại loại 4, loại 5 nên sức khỏe phải tốt. Ngay cả quy định vòng ngực cũng cần thiết vì liên quan đến thể lực, chiều cao, theo công thức của Tổ chức Y tế thế giới. Vòng ngực tối thiểu như vậy mới đảm bảo thể tích lồng ngực cho các sức năng khác như hô hấp.

“Một người cao 1m60 mà vòng ngực dưới 75 cm là siêu gầy, không dị tật lồng ngực, bệnh tật thì cũng bị AIDS giai đoạn cuối”, ông Dũng nói.

Tuy nhiên, theo ông Dũng, dự thảo vẫn có một số tiêu chuẩn không cần thiết, có thể loại bỏ. “Quan điểm của chúng tôi là những tiêu chuẩn mà không ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công việc, không cần thiết đưa vào dự thảo. Nhưng những quy định về chiều cao, cân nặng, vòng ngực, thị lực, thính lực… là liên quan đến tầm với, tầm quan sát, sức khỏe của nhân viên phải quy định nghiêm ngặt vì các chức danh này đều liên quan lớn đến công tác an toàn chạy tàu”, ông Dũng nói.

Ông Hoàng Ngọc Trìu, Giám đốc Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội cho rằng, đối với chức danh lái tàu, cần phải quy định nghiêm ngặt về tiêu chuẩn sức khỏe. Ông Trìu cho biết, ngay khi tuyển đầu vào học lái tàu đã có điều kiện về tiêu chuẩn sức khỏe; khi tuyển dụng, bố trí đi tàu lại qua các vòng kiểm tra nữa.

Trao đổi với Báo Giao thông, BS. Phạm Thành Lâm, Phó cục trưởng Cục Y tế (Bộ GTVT) cũng cho biết, ban soạn thảo dự thảo thông tư cũng đã nghiên cứu kĩ và tham khảo các quy định ở các nước phát triển để áp dụng tại Việt Nam.

“Nhiều người bức xúc với quy định về khám dương vật, tinh hoàn, bộ phận tiết niệu… nhưng chúng tôi thấy rằng việc kiểm tra là cần thiết, bởi nam giới bị tràn dịch màng tinh hoàn, thiếu tinh hoàn hoặc tinh hoàn ẩn, mắc bệnh niệu đạo... không thể tuyển đầu vào để học và lái tàu. Lái tàu là nghề đặc biệt hơn các ngành nghề khác, thường phải lái đường dài, sức khỏe bản thân người lái tàu có ảnh hưởng đến nhiều người”, ông Lâm khẳng định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.