Thời sự Quốc tế

Reuters: Iran đồng ý cung cấp thêm tên lửa, máy bay không người lái cho Nga

Hãng Reuters dẫn lời 2 quan chức cấp cao và 2 nhà ngoại giao Iran cho biết Tehran đã cam kết cung cấp tên lửa, máy bay không người lái cho Nga.

Reuters: Iran-Nga bắt tay mua bán tên lửa, máy bay không người lái

Theo hãng tin Reuters, Iran đã đạt thỏa thuận cung cấp tên lửa, máy bay không người lái cho Nga trong chuyến thăm của Phó Tổng thống thứ nhất Iran Mohammad Mokhber, hai quan chức cấp cao của Lực lượng Vệ binh Cách mạng của Iran và 1 quan chức thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao của Iran, tới Moscow ngày 6/10 nhằm thảo luận về việc cung cấp vũ khí.

“Nga đã đề nghị thêm máy bay không người lái và tên lửa đạn đạo độ chính xác cao của Iran, đặc biệt là tên lửa Fateh và Zolfaghar”, một nhà ngoại giao Iran cho hay.

Một quan chức an ninh Iran cho biết: “Nga muốn mua hàng trăm tên lửa của chúng tôi, thậm chí cả tên lửa tầm trung. Chúng tôi nói với họ rằng chúng tôi có thể nhanh chóng vận chuyển khoảng vài trăm tên lửa đất đối đất tầm ngắn Zolfaghar và Fateh 110 theo yêu cầu của họ”. Nguồn tin này từ chối nêu thời gian cụ thể nhưng khẳng định số vũ khí trên sẽ sớm được vận chuyển, chia thành 2-3 đợt.

img

Máy bay không người lái tham gia tập trận quân sự tại địa điểm chưa xác định ở Iran. Ảnh - Reuters

Một quan chức phương Tây xác nhận thông tin Iran và Nga đạt thỏa thuận cung cấp tên lửa đạn đạo tầm ngắn đất đối đất, bao gồm tên lửa Zolfaghar.

Fateh-110 và Zolfaghar là các loại tên lửa đạn đạo đất đối đất tầm ngắn do Iran sản xuất, có khả năng tấn công mục tiêu từ khoảng cách 300-700 km.

Trong khi đó, Ukraine cáo buộc Nga sử dụng máy bay không người lái Shahed-136 do Iran sản xuất trong các cuộc không kích vào nhiều thành phố tại Ukraine trong những tuần gần đây.

Theo Reuters, một trong số các loại máy bay không người lái Iran đồng ý cung cấp cho Nga bao gồm máy bay tấn công Shahed-136, mang đầu đạn cỡ nhỏ phát nổ khi chạm vào mục tiêu.

Ngày 18/10, Bộ Ngoại giao Iran bác bỏ báo cáo không có căn cứ về việc Iran cung cấp máy bay không người lái cùng các loại vũ khí khác cho Nga để sử dụng trong chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Cùng ngày, Điện Kremlin bác bỏ thông tin các lực lượng Nga sử dụng máy bay không người lái Iran tại Ukraine.

Khi được hỏi liệu Nga có sử dụng máy bay không người lái Iran trong chiến dịch quân sự tại Ukraine, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Điện Kremlin không có thông tin về vấn đề này, khẳng định Nga chỉ sử dụng thiết bị của nước này trong chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Bộ Quốc phòng Nga chưa phản hồi trước yêu cầu đưa ra bình luận về thông tin trên của hãng Reuters.

Trao đổi với hãng tin Reuters, nhà ngoại giao Iran bác bỏ cáo buộc của giới chức phương Tây rằng thỏa thuận bàn giao vũ khí trên vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc năm 2015.

“Vũ khí được sử dụng ở đâu không phải là vấn đề của bên bán. Chúng tôi không chọn bên trong khủng hoảng Ukraine như phương Tây. Chúng tôi muốn kết thúc xung đột qua biện pháp ngoại giao”, nhà ngoại giao Iran nói.

Mỹ khẳng định Iran nói dối

Hãng Reuters nhận định nếu thực sự tên lửa, máy bay không người lái Iran xuất hiện trong chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, thì chắc chắn sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa Iran với Mỹ và phương Tây.

Một quan chức Mỹ cho hay Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định máy bay không người lái Iran đã được sử dụng trong cuộc không kích vào thủ đô Kiev, Ukraine sáng 17/10.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Karinne Jean-Pierre cáo buộc Tehran nói dối khi khẳng định Nga không sử dụng máy bay không người lái Iran trong chiến sự tại Ukraine. Hãng tin Reuters dẫn lời một số nhà ngoại giao phương Tây cho biết Mỹ, Anh và Pháp dự kiến nêu vấn đề Iran cung cấp vũ khí cho Nga tại cuộc họp kín của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 19/10.

Một nhà ngoại giao châu Âu cho rằng Nga đang gặp khó khăn trong tự sản xuất vũ khí do hạn chế từ các lệnh trừng phạt của phương Tây và đang tìm cách nhập khẩu vũ khí từ các đối tác như Iran hay Triều Tiên.

Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đưa ra các điều khoản về Thỏa thuận hạt nhân Iran 2015, theo đó Iran đồng ý hạn chế chương trình hạt nhân để được nới lỏng các biện pháp trừng phạt về kinh tế. Nghị quyết bao gồm lệnh cấm xuất khẩu vũ khí thông thường đối với Iran tới tháng 10/2020.

Dù Mỹ đã nỗ lực kéo dài thời hạn lệnh cấm nhưng Hội đồng Bảo an đã cho phép Iran khôi phục xuất khẩu vũ khí. Tuy nhiên, Ukraine và Mỹ cho rằng nghị quyết vẫn bao gồm cấm xuất khẩu tên lửa và công nghệ liên quan có hiệu lực tới tháng 10/2023 cũng như hạn chế về xuất khẩu, mua bán hệ thống quân sự tối tân như máy bay không người lái.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.