Tài chính

Sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ mua bán ra sao?

19/07/2023, 10:03

Theo dự kiến, ngày đầu tiên sẽ có ít nhất 20 trái phiếu doanh nghiệp được giao dịch và nâng lên con số 1.300 trong 3 tháng tới.

Ba doanh nghiệp chào mua

Để thực hiện giao dịch trái phiếu doanh nghiệp trên sàn chứng khoán, nhà đầu tư truy cập vào bảng chứng khoán, kích vào mục "giao dịch chứng khoán" trên thanh menu. Chọn tiếp "giao dịch trái phiếu riêng lẻ".

img

Bảng giao dịch trái phiếu lúc 9h30 sáng nay

Ghi nhận lúc 9h30 sáng nay, đã có 3 doanh nghiệp chào mua. Cụ thể: Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển công nghiệp và vận tải chào mua 1 triệu trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản đảm bảo.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam chào mua 2 tỷ trái phiếu, trong đó 1 tỷ trái phiếu có trái tức 6,7%/năm.

Công ty Cổ phần Sản xuất và kinh doanh Vinfast chào mua 100 triệu với trái tức 10,42%/năm.

Tuy nhiên hiện chưa có người mua.

Được biết, gần 22.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong tháng 7. Tính chung quý III là 92.000 tỷ đồng, 6 tháng cuối năm là 158.500 tỷ đồng.

Việc đưa trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ lên giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán được kỳ vọng sẽ giúp khơi thông thị trường, giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp hoạt động minh bạch, lành mạnh, ổn định và trở thành kênh dẫn vốn tin cậy của nền kinh tế.

Trước đó, đại diện Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cho biết, theo dự kiến, ngay trong ngày giao dịch đầu tiên 19/7 sẽ có ít nhất 20 trái phiếu doanh nghiệp được giao dịch và trong vòng 3 tháng số lượng sẽ là 1.300 trái phiếu.

Điểm quan trọng nhất là ngay trước khi giao dịch, nhà đầu tư đều biết rõ tất cả thông tin về trái phiếu.

Thị trường trái phiếu dần phục hồi

Sau một thời gian sôi động, hơn một năm nay, thị trường trái phiếu có sự chồi sụt đáng kể. Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, năm 2022, chỉ có 420 đợt phát hành riêng lẻ trị giá trên 242.000 tỷ đồng, giảm tới hơn một nửa so với năm 2021.

Còn tính đến cuối tháng 5 năm nay, tỷ trọng giá trị trái phiếu đang lưu hành đã giảm còn 11,6% GDP, thấp hơn nhiều so với giai đoạn thị trường bùng nổ cuối năm 2021 là 18,2% GDP. Trái phiếu chậm thanh toán tiếp tục tăng lên khoảng 98.000 tỷ đồng, trong đó có đến 73% thuộc lĩnh vực bất động sản.

Đến nay, khi các chính sách mà Chính phủ đã ban hành đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, thì sang quý II, trái phiếu phát hành mới đã tăng 6% so với quý I năm nay, tăng gần gấp đôi so với quý IV năm ngoái. 74.000 tỷ trái phiếu được mua lại trước hạn trong quý II, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2021. Thanh khoản thị trường trái phiếu doanh nghiệp niêm yết quý II hồi phục tăng 45% so với quý I.

Theo số liệu của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), đến hết quý II/2023, dư nợ TPDN chỉ chiếm 9,4% tổng dư nợ của cả nền kinh tế. Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã giảm xuống chỉ còn khoảng 11,79% GDP, khá thấp so với các nước trong khu vực (Thái Lan đạt 26,1%; Malaysia đạt tới 53,6%...).

Chính vì vậy, để hỗ trợ, chia sẻ gánh nặng cho đòn bẩy tín dụng truyền thống đã quá cao, việc phát triển thị trường TPDN là một giải pháp giúp dẫn nguồn vốn đặc thù cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, để đảm bảo sự lành mạnh, chặt chẽ của thị trường này, rất cần có những quy định nhằm giám sát tính minh bạch để thị trường TPDN phát huy vai trò, hiệu quả và phát triển bền vững hơn, đại diện hiệp hội chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.