Đường bộ

Sắp thanh thải lòng sông, ngăn nguy cơ ngập trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây

22/09/2023, 09:04

Ban QLDA Thăng Long đang rốt ráo hoàn thiện các thủ tục thực hiện thanh thải lòng sông Phan nhằm ngăn chặn nguy cơ ngập tái diễn trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

Triển khai thanh thải từ cuối tháng 9

Ban QLDA Thăng Long vừa gửi văn bản báo cáo Bộ GTVT về việc triển khai các công việc xử lý đoạn ngập cục bộ phạm vi Km 25+419 thuộc gói thầu 2-XL dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

Sắp thanh thải lòng sông, ngăn nguy cơ ngập trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây - Ảnh 1.

Công tác thanh thải lòng sông Phan và các biện pháp liên quan để ngăn nguy cơ ngập trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dự kiến bắt đầu triển khai từ cuối tháng 9/2023. (Ảnh minh họa).

Theo báo cáo, ngay sau khi tiếp nhận chỉ đạo của Bộ GTVT, đơn vị QLDA đã khẩn trương phối hợp với các bên liên quan triển khai công tác khắc phục sự cố. Tuy nhiên, do việc thực hiện liên quan đến nhiều cơ quan, một số yếu tố khách quan chưa lường trước phát sinh nên bị chậm so với yêu cầu.

Liên quan đến công tác thanh thải lòng sông, Ban QLDA Thăng Long cho biết đã chỉ đạo đơn vị tư vấn thiết kế tiến hành khảo sát (đo bình đồ, mặt cắt ngang sông, đo cao độ vết lũ...) và lập hồ sơ phương án xử lý trước mắt (thanh thải, khơi đào lòng sông).

Hồ sơ do tư vấn thiết kế lập trên cơ sở tính toán của chuyên gia thủy văn đã được tư vấn đứng đầu liên danh (Tư vấn Trường Sơn), tư vấn thẩm tra rà soát, có ý kiến và được Ban thống nhất.

"Mặc dù vậy, do hầu hết phạm vi thanh thải, khơi đào lòng sông nằm ngoài phạm vi dự án, cần có thủ tục thỏa thuận, xin ý kiến các cơ quan quản lý địa phương nên tiến độ thực hiện bị chậm, không hoàn thành theo tiến độ dự kiến trong tháng 8/2023", Ban QLDA Thăng Long lý giải và cho biết, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các địa phương về các vấn đề liên quan (bãi đổ thải, thủ tục về cây lấy gỗ, rà soát an toàn bom mìn...), dự kiến, công tác thi công thanh thải, khơi đào lòng sông Phan sẽ được thực hiện từ 30/9/2023.

Thời gian thi công là 30 ngày trong trường hợp không phát hiện bom mìn vật nổ. Trường hợp phát hiện bom mìn vật nổ, các công việc sẽ phải triển khai theo đúng trình tự, quy định hiện hành, tiến độ thực hiện phải điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.

Đối với việc gia cố khu vực cầu sông Phan nhằm đảm bảo ổn định dòng chảy, hạn chế xói lở khu vực đất canh tác của người dân, theo Ban QLDA Thăng Long, căn cứ kết quả khảo sát hiện trạng, hồ sơ gia cố khu vực cầu đã được đơn vị tư vấn thiết kế kỹ thuật lập và báo cáo. Ban QLDA đang rà soát để làm các thủ tục bổ sung hợp đồng cho nhà thầu thi công gói thầu 2-XL thực hiện.

Thế nhưng, quá trình rà soát nhận thấy, chứng chỉ hoạt động của Công ty CP Tư vấn xây dựng 533 (đơn vị lập hồ sơ thiết kế phương án gia cố) đã hết hiệu lực. Ban đang thương thảo để giao nhiệm vụ lập hồ sơ thiết kế cho thành viên đứng đầu liên danh tư vấn thiết kế kỹ thuật là Công ty CP Tư vấn Trường Sơn. Với lý do đó, việc thi công gia cố khu vực cầu sông Phan chưa được triển khai để hoàn thành theo kế hoạch trong tháng 9/2023.

Theo hồ sơ do Tư vấn 533 lập, phạm vi giá cố phần lớn nằm ngoài phạm vi dự án (khoảng 150m) nên hạng mục này cũng cần xin ý kiến thỏa thuận của địa phương và thực hiện kiểm tra, đảm bảo an toàn về bom mìn vật nổ. Trên cơ sở đó, công tác thiết kế và dự toán hạng mục bổ sung dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2023, làm cơ sở triển khai thi công, hoàn thành trong năm 2023 (nếu không phát hiện bom mìn vật nổ), Ban QLDA Thăng Long cho hay.

Sắp hoàn tất thủ tục lựa chọn đơn vị tư vấn độc lập

Thông tin thêm về việc lựa chọn đơn vị tư vấn độc lập để tính toán, đề xuất giải pháp xử lý triệt để, Ban QLDA Thăng Long cho biết đã làm việc, thực hiện các thủ tục lựa chọn Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về động lực học sông biển là đơn vị tư vấn chuyên ngành, có năng lực phù hợp để khảo sát, tính toán, xây dựng mô hình dự toán cho toàn bộ khu vực, xác định mực nước tương ứng với tần suất thiết kế của dự án, đưa ra phương án xử lý thích hợp.

"Theo nhiệm vụ được tư vấn độc lập xây dựng, tiến độ khả thi để thực hiện việc khảo sát, xây dựng mô hình thủy văn, thủy lực tính toán mô phỏng chế độ thủy lực ngập lụt, thoát lũ đáp ứng yêu cầu tối thiểu là 4 tháng kể từ khi ký hợp đồng (dự kiến trong tháng 9/2023)", báo cáo nêu.

Đảm bảo tính độc lập và tính pháp lý, trên cơ sở đề xuất của đơn vị tư vấn độc lập, Ban QLDA Thăng Long đề nghị Bộ GTVT chấp thuận kinh phí thực hiện lấy từ nguồn kinh phí do ban huy động, đảm bảo không sử dụng ngân sách nhà nước.
Ban QLDA Thăng Long

Trước đó, Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu Ban QLDA Thăng Long khẩn trương khắc phục ngập úng trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây theo chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ.

Bộ GTVT yêu cầu đơn vị quản lý dự án kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc chậm trễ triển khai chỉ đạo của bộ, đồng thời, thực hiện ngay việc thanh thải các chướng ngại vật lòng sông từ vị trí cống về phía hạ lưu cầu sông Phan để hạ mực nước và tăng khả năng thoát nước (đoạn từ hạ lưu cống đến hạ lưu cầu Sông Phan), giảm ảnh hưởng nước dềnh lên mặt đường. Ban phải hoàn thành trong tháng 9/2023 và báo cáo Bộ GTVT kết quả thực hiện trước ngày 5/10.

"Chủ đầu tư cũng phải thực hiện gia cố khu vực cầu Sông Phan, đảm bảo ổn định dòng chảy, hạn chế xói lở đất canh tác của người dân đồng thời nạo vét, thanh thải khu vực thượng, hạ lưu đảm bảo điều kiện thoát nước (hoàn thành trong tháng 10/2023).

Ban QLDA Thăng Long cũng phải lựa chọn đơn vị tư vấn chuyên ngành độc lập đủ năng lực để xác định mực nước tương ứng với tần suất thiết kế của dự án; Căn cứ mực nước tính toán sau khi thanh thải lòng sông, suối để đề xuất giải pháp xử lý triệt để, đảm bảo không lặp lại tình trạng ngập như vừa qua.

Giám đốc Ban QLDA chịu trách nhiệm toàn diện trước Bộ trưởng Bộ GTVT về chất lượng, tiến độ, cũng như đảm bảo việc khai thác công trình an toàn, thông suốt", Bộ GTVT yêu cầu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.