Góc nhìn

Sau thảm kịch, ông Trump có thay đổi quan điểm về sở hữu súng?

04/10/2017, 07:43

Quá nhiều tội ác liên quan tới súng tại Mỹ, trong khi những kẻ bạo lực lại không khó có những vũ khí mạnh.

27

Hiện trường vụ xả súng tại lễ hội nhạc đồng quê Route 91 Harvest  tại Las Vegas

Sau thảm kịch xả súng tại một lễ hội âm nhạc đồng quê khiến ít nhất 59 người chết, khoảng 500 người khác bị thương, dư luận nước Mỹ lại đối mặt vấn đề cố hữu: Có nên cấm sở hữu/sử dụng súng hay không? Nếu không thì quản lý như thế nào? Lúc này, mọi ánh mắt đang đổ dồn về phía ông chủ Nhà Trắng, chờ đợi sách lược của ông Donald Trump với hy vọng sẽ ngăn chặn được các thảm kịch tương tự.

Một mình sở hữu 42 khẩu súng

Trưa 2/10, theo giờ VN, khi người tham gia lễ hội âm nhạc Route 91 Harvest  tại Las Vegas, bang Nevada đang chìm trong âm nhạc của ca sĩ nhạc đồng quê Jason Aldean thì hàng loạt tiếng súng vang lên rền rã như tiếng pháo hoa. Phải mất đến 30 giây, cho đến  khi tiếng nhạc trên sân khấu dừng hẳn thì khán giả mới bắt đầu nhận ra đây không phải hiệu ứng sân khấu mà là âm thanh của hàng trăm viên đạn thật đang xả xuống từ tầng 32 khách sạn và sòng bạc Mandalay Bay. Nghi phạm xả súng Stephen Paddock đã giết chết ít nhất 59 người và khiến 500 người khác bị thương.

Theo điều tra sơ bộ, sáng 3/10, theo giờ VN, cơ quan Cảnh sát bang Nevada đã phát hiện tổng cộng 23 khẩu súng tại căn phòng mà Paddock thuê tại khách sạn Mandalay Bay và 19 khẩu súng tại nhà của nghi phạm ở Mesquite. Trong đó, tại khách sạn, giới chức phát hiện nhiều súng trường liên thanh hỏa lực mạnh.

Một chủ sở hữu súng tại Mesquite xác nhận, ông từng bán súng cho Paddock nhưng không tiết lộ cụ thể số lượng súng và có khẩu nào được sử dụng để thực hiện vụ thảm sát sáng 2/10 hay không. Một chủ cửa hàng sở hữu súng khác cũng xác nhận từng bán súng ngắn cho nghi phạm hồi tháng 2/2017.

Trao đổi với kênh ABC News, ông Chris Michel - chủ sở hữu cửa hàng bán súng Dixie Gunworx cho biết, Paddock từng đến cửa hàng ông 3 lần và khẳng định thêm, hoạt động mua bán súng của Paddock hoàn toàn hợp pháp.

Giá cổ phiếu các công ty súng tăng cao

Ngày 2/10, theo giờ Mỹ, ngay sau vụ xả súng chỉ 1 ngày, nhiều công ty sản xuất súng như American Outdoor Brands Corp., Sturm, Ruger & Co., và Vista Outdoors chứng kiến giá cổ phiếu tăng tương đương 2,3%, 3,7% và 1,4%.

Lãnh đạo các nước gửi lời chia buồn với Mỹ

Ngày 3/10, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi điện chia buồn đến Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Qua Twitter, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chia buồn với “những đối tác và người bạn Mỹ” đã chịu ảnh hưởng từ bạo lực tại Las Vegas. Trên mạng xã hội Facebook, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev bày tỏ “bàng hoàng trước thảm kịch tại Las Vegas... Nước Nga xin chia sẻ nỗi buồn của những người đã mất đi người thân và bạn bè”.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau bày tỏ tình đoàn kết với Mỹ và nhấn mạnh Canada chia sẻ nỗi đau mất mát với Mỹ.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Mexico Enrique Peña Nieto, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi cũng gửi lời chia buồn tới nước Mỹ, các nạn nhân cùng thân nhân.

Cứ sau mỗi vụ xả súng tại Newtown, Connecticut; San Bernardino, California và Orlando, Florida, các nhà sản xuất súng thường kiếm được hàng triệu USD từ giá cổ phiếu tăng. Theo Huffington Post, khi mọi người sợ hãi, họ sẽ tìm cách để mua súng phòng thân. Một nghiên cứu tại California cho thấy, tình hình kinh doanh súng ngắn sau mỗi vụ tấn công hàng loạt thường tăng cao, nhất là ở những khu vực gần nơi xảy ra vụ tấn công.

Chia sẻ ngay sau vụ tấn công, cựu phát thanh viên Fox News Bill O’Reilly cho rằng, dù có kiểm soát súng, giới chức Mỹ không thể ngăn vũ khí rơi vào tay những kẻ bạo lực điên loạn, làm hại những người khác. Theo ông, các cơ quan chức năng cần tìm cách khác. “An toàn cộng đồng đòi hỏi phải có một luật pháp lôgíc chặt chẽ, nhưng, thật không may vấn đề này đang bị phân cực sâu sắc”, ông O’Reilly nói.

“Hiệp hội súng trường quốc gia Mỹ (NRA) và những người ủng hộ muốn dễ dàng tiếp cận vũ khí trong khi phần còn lại muốn cấm. Đây là cái giá của sự tự do. Những kẻ cuồng bạo lực được phép đi lang thang thoải mái với vũ khí trong tay đến khi chúng gây thiệt hại. Nhà chức trách không thể biết những đối tượng này tiềm ẩn những mối đe dọa như thế nào. Tu chính án thứ 2 nói rõ rằng, người Mỹ có quyền tự vệ, tất nhiên, trong đó có cả những kẻ du côn”, vị cựu nhà báo bình luận thêm.

Năm ngoái, trước vụ tấn công khủng bố tại CLB đêm Pulse ở Orlando, Florida, ông O’Reilly từng kêu gọi Chính phủ Mỹ có quy định để hạn chế đối với một số loại súng. “Có quá nhiều tội ác liên quan tới súng tại Mỹ, trong khi những kẻ bạo lực lại không khó có trong tay những vũ khí hỏa lực mạnh. Đó là thực tế và cần phải giải quyết”, ông O’Reilly kêu gọi.

Quan điểm về sở hữu súng của Tổng thống Trump như thế nào?

Tổng thống Mỹ Donald Trump sớm lên án hành động xả súng dã man và chia buồn với thân nhân các gia đình nhưng ông chưa có phát ngôn nào đề cập tới vấn đề sở hữu súng. Nhìn lại quan điểm của ông Donald Trump trước đây, có thể thấy, quan điểm của ông về vấn đề quyền sở hữu súng cũng không rõ ràng.

Nếu như những năm 1999 và đầu năm 2000, ông Donald Trump ủng hộ lệnh cấm đối với các loại vũ khí tấn công - súng trường dài, súng có các tính năng kiểu quân đội. Năm 2012, ông Donald Trump ủng hộ lời kêu gọi của ông Barack Obama về việc tăng cường quản lý vũ khí sau vụ tấn công trường học ở Newtown, Connecticut khiến 26 người thiệt mạng. Vài năm trở lại đây, ông Trump lại thể hiện thái độ hoàn toàn đối nghịch.

Tháng 5/2016, khi ông Trump đang trong cuộc chạy đua Tổng thống và nhiều Nghị sĩ đảng Cộng hòa không muốn ông Donald Trump làm ứng viên Tổng thống đại diện đảng, vị tỷ phú New York lại ủng hộ NRA. Nhiều phát ngôn và bài viết trên trang web vận động tranh cử của ông đều vang vọng quan điểm cứng rắn của NRA đối với vấn đề vũ khí.

Những động thái xoay chiều này, Hiệp hội NRA đã chi hơn 30 triệu USD hỗ trợ chiến dịch tranh cử của ông. Bên cạnh đó, trong suốt chiến dịch tranh cử, ông chỉ trích ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton khi bà ủng hộ kiểm soát chặt chẽ súng. Ông cũng cam kết sẽ bảo vệ quyền được sở hữu súng của 55 triệu người Mỹ hiện đang sở hữu vũ khí.

Lúc này, khi đã là Tổng thống, đối mặt với thảm họa liên quan tới súng đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ hiện đại, ông Donald Trump sẽ xử lý ra sao để vừa bảo vệ quyền của công dân vừa ngăn chặn những bi kịch tương tự tiếp diễn? Đây là điều mà dư luận Mỹ đang ngóng đợi. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.