Thời sự

Sẽ cấp thẻ căn cước công dân ngay khi chào đời

04/06/2014, 20:22

Do đây là vấn đề lớn, tác động đến toàn xã hội, vì vậy cần có báo cáo đánh giá tác động toàn diện và giải pháp, lộ trình thực hiện phù hợp, bảo đảm tính khả thi.

Do đây là vấn đề lớn, tác động đến toàn xã hội, vì vậy cần có báo cáo đánh giá tác động toàn diện và giải pháp, lộ trình thực hiện phù hợp, bảo đảm tính khả thi.

Đề nghị này được Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của QH Nguyễn Kim Khoa đưa ra khi trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật căn cước công dân (CCCD) chiều 4/6. Đại diện cơ quan này cũng cho biết, thống nhất với nội dung trong dự thảo luật về việc cấp thẻ CCCD ngay từ khi công dân mới sinh ra.

Trước đó, tờ trình của Chính phủ về dự án luật này do Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang trình bày nêu rõ, thẻ CCCD (thay thế CMND) sẽ là giấy tờ tùy thân có giá trị chứng nhận căn cước của công dân Việt Nam. Thẻ phản ánh thông tin cơ bản về công dân phục vụ cho việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân nhưng vẫn bảo đảm giữ bí mật đời tư cá nhân. Trên thẻ có thông tin về nơi thường trú của công dân và do đó, sau khi hoàn thành cơ sở hạ tầng và tích hợp đầy đủ dữ liệu về công dân, sổ hộ khẩu sẽ được loại bỏ.

Mặt trước và mặt sau của thẻ căn cước công dân
Mặt trước và mặt sau của thẻ căn cước công dân

Đối với thẻ của người dưới 15 tuổi, hạn sử dụng là từ khi cấp đến khi người đó đủ 14 tuổi; thẻ của người từ 15 - 25 tuổi, hạn sử dụng là 10 năm kể từ ngày cấp; thẻ của người từ 25 - 70 tuổi, hạn sử dụng là 15 năm. Người từ 70 tuổi trở lên, không xác định hạn sử dụng của thẻ.

Trên thẻ CCCD cũng có thông tin về họ và tên khai sinh, họ và tên gọi khác, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, dân tộc... Các thông tin này được tích hợp từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên công dân có thể sử dụng thẻ CCCD để chứng minh các thông tin này trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân mà không cần phải sử dụng một số giấy tờ khác của công dân.

Việc cấp thẻ CCCD cũng đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa giấy tờ về căn cước công dân theo hướng ứng dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, phù hợp với xu hướng của các nước trên thế giới. Vì vậy, quy định sử dụng thẻ căn cước công dân theo công nghệ tiên tiến vừa bảo đảm bền, đẹp, chống làm giả, vừa có khả năng tích hợp nhiều thông tin cần thiết để góp phần đơn giản hóa giấy tờ cho công dân, từng bước thực hiện Chính phủ điện tử.

Với người dưới 15 tuổi, trên thẻ căn cước sẽ có thông tin về số định danh cá nhân và nhân thân. Người đủ 15 tuổi sẽ làm thủ tục đổi thẻ căn cước, trong đó bổ sung thông tin về đặc điểm nhân dạng, vân tay.

Ngoài một bước tiến quan trọng so với quy định của pháp luật hiện hành là dự thảo Luật quy định cấp thẻ CCCD ngay từ khi làm thủ tục khai sinh để bảo đảm quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013, Luật không quy định hạn chế người được cấp thẻ CCCD, kể cả người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của mình.

Về số thẻ CCCD, nếu như trước đây, số CMND sẽ thay đổi khi công dân thay đổi nơi thường trú nên rất khó quản lý và có thể lặp lại ở người khác, thì nay dự thảo Luật quy định theo hướng số định danh cá nhân được sử dụng làm số thẻ CCCD. Số định danh cá nhân là mã số công dân gồm 12 số tự nhiên, được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý thống nhất trên toàn quốc, được cấp cho mỗi công dân Việt Nam và không lặp lại ở người khác, dùng để xác định dữ liệu cụ thể của một người trong cơ sở dữ liệu.

Việc cấp thẻ CCCD với mục tiêu tiến tới thực hiện quản lý dân cư bằng thẻ công dân điện tử cùng với việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp số định danh cá nhân sẽ khiến công tác quản lý dân cư trong tương lai được thực hiện đơn giản, thuận tiện cho công dân, thay thế được nhiều loại giấy tờ cá nhân hiện nay như giấy khai sinh, chứng nhận kết hôn, sổ hộ khẩu và những giấy tờ khác, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Kim Khoa, đây là vấn đề lớn tác động đến toàn xã hội, do đó cần có báo cáo đánh giá tác động toàn diện và giải pháp, lộ trình thực hiện phù hợp, bảo đảm tính khả thi. Ngoài ra, đề nghị làm rõ cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn để xác định số định danh cá nhân gồm 12 chữ số gắn với quy mô dân số của Việt Nam và xác định thời điểm cấp số định danh cá nhân phù hợp để bảo đảm tính khả thi.

Bình Minh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.