An ninh hình sự

Sẽ xét xử vụ Chủ tịch Mường Thanh Lê Thanh Thản vào tháng 6 tới

05/05/2023, 18:26

Chiều 5/5, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an đã thông tin về tiến độ điều tra các vụ án như vụ Việt Á, ông Lê Thanh Thản...

Lùi thời điểm công bố kết luận điều tra vụ Việt Á

Cập nhật về tiến độ điều tra các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi chỉ đạo, tại cuộc họp báo của Chính phủ chiều 5/5, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, Bộ Công an đang tiến hành điều tra tích cực, khẩn trương và cơ bản hoàn thành tiến độ.

Riêng với vụ Việt Á, Bộ Công an dự kiến kết luận điều tra vào quý I/2023 nhưng do tính chất phức tạp của vụ án và có quá nhiều vụ án đang phải tiến hành cùng lúc nên Bộ Công an đã đề xuất Ban Chỉ đạo Trung ương cho gia hạn điều tra và phấn đấu có kết luận trong quý II/2023.

Đối với vụ án liên quan ông Lê Thanh Thản, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, vụ án này do cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Nội tiến hành xử lý.

img

Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an (Ảnh : VGP)

Theo báo cáo của Công an TP Hà Nội, ngày 5/7/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với ông Lê Thanh Thản về tội lừa dối khách hàng. Tuy nhiên, không áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với ông Thản, tức là cho ông Thản tại ngoại.

Đến 21/10/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội tiếp tục khởi tố bổ sung vụ án.

Trong đó, khởi tố thêm 6 cá nhân khác gồm: Nguyễn Duy Uyển (nguyên Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng, Hà Đông), Vương Đăng Quân (nguyên Phó chánh Thanh tra xây dựng quận Hà Đông), Mai Quang Bài (cán bộ thanh tra xây dựng quận Hà Đông) và các ông Bùi Văn Bằng, Đỗ Văn Hưng, Nguyễn Văn Năm vì tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Như vậy, trong vụ án liên quan đến Chủ tịch Mường Thanh, hiện đã khởi tố 7 bị can. Theo Trung tướng Xô, do tính phức tạp nên vụ án phải 5 lần điều tra bổ sung và vụ việc kéo dài từ 2019 đến nay.

Đến ngày 14/4 vừa qua, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đã ban hành cáo trạng với 7 bị can trên và đã gửi lên Toà án nhân dân TP Hà Nội, dự kiến sẽ đưa ra xét xử trong tháng 6 tới.

Kết quả 1 năm thực hiện đề án dữ liệu dân cư, định danh phục vụ chuyển đổi số

Cũng tại cuộc họp, ông Tô Ân Xô cung cấp thông tin liên quan tới kết quả thực hiện Đề án 6 về "phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030".

Tướng Tô Ân Xô cho biết, qua 1 năm triển khai thực hiện Đề án đã đạt được những kết quả rất quan trọng. Điển hình như việc thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử đã được thúc đẩy một cách toàn diện trên cơ sở ứng dụng dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử.

Bên cạnh đó, đến nay, đã hoàn thành đưa 21/25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân thực hiện trên môi trường điện tử. Riêng Bộ Công an đã đưa 224/224 dịch vụ công trên môi trường điện tử, trong đó có nhiều nội dung thiết yếu tưởng chừng không thể thực hiện được như: Cấp hộ chiếu phổ thông, thủ tục đăng ký xe...

img

Toàn cảnh cuộc họp (Ảnh : VGP)

Các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội được thúc đẩy, tạo ra nhiều giá trị cho doanh nghiệp và người dân. Trong đó, việc đẩy mạnh sử dụng hóa đơn điện tử có mã số của cơ quan thuế, khởi tạo từ máy tính tiền của 10.076 doanh nghiệp, hộ cá nhân kinh doanh với 1,7 triệu hóa đơn, giúp cơ quan thuế truy thu 49,7 tỷ đồng tiền thuế.

Việc xác thực và làm sạch 18 triệu thông tin tín dụng, giúp ngành ngân hàng tiết kiệm 333 tỷ đồng. Việc xác thực 95,56 triệu thông tin thuê bao giúp các nhà mạng tiết kiệm được 143 tỷ đồng...

Trên cơ sở những kết quả quan trọng đạt được, ngày 23/2/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 5 về đẩy mạnh thực hiện Đề án 6 năm 2023 và những năm tiếp theo với những nhiệm vụ, phân công trách nhiệm và mốc thời gian hoàn thành cụ thể.

Tuy nhiên, đây là những vấn đề mới, quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn, trong đó có 4 nhóm vấn đề là nguy cơ, điểm nghẽn, nếu không giải quyết dứt điểm sẽ làm chậm tiến độ của Đề án.

Trong đó, về hoàn thiện thể chế, hiện 19 nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên đến quan quản lý dân cư chưa hoàn thành việc thực thi. Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 104 sửa đổi 19 nghị định liên quan đến xuất trình sổ hộ khẩu giấy nhưng việc rà soát, sửa đổi các văn bản dưới Nghị định còn chậm, chưa hoàn thiện thể chế liên quan đến số hóa, kết nối, chia sẻ dữ liệu.

Về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, hiện nay, mới chỉ có 5 bộ đáp ứng toàn bộ các yêu cầu; còn lại, mới chỉ đáp ứng một phần hoặc chưa khắc phục điểm yếu bảo mật; chưa sẵn sàng cho công tác số hóa và việc đẩy mạnh giải quyết hồ sơ trên môi trường điện tử...

Về dịch vụ công, mặc dù đã đạt được các kết quả quan trọng nêu trên, nhưng người dân còn khó khăn trong thực hiện.

Nguyên nhân chủ yếu do các dịch vụ công trực tuyến mới chỉ đơn thuần chuyển từ môi trường giấy sang môi trường điện tử, chưa quan tâm chuyển đổi quy trình nên chưa thực sự thuận lợi, đơn giản.

Trong tổng số 1.146 thủ tục hành chính được yêu cầu đơn giản hóa, mới thực hiện được 388 thủ tục, đạt 34%.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.