Thời sự

Sôi sục chiến đấu, lặng lẽ hy sinh

14/07/2014, 06:06

Bất kể bom rơi, đạn réo, bất kể điều kiện sống thiếu thốn, khắc nghiệt, hàng vạn TNXP luôn sát cánh ở những mặt trận máu lửa nhất, sống, chiến đấu quên mình với một niềm tin cháy bỏng...

Kỷ niệm 64 năm ngày truyền thống Thanh niên xung phong (15/7/1950 - 15/7/2014)

TIN LIÊN QUAN

 

Ông Nguyễn Cao Vãng
Ông Nguyễn Cao Vãng

Theo ông Nguyễn Cao Vãng - Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP, tiền thân từ đội TNXP 225 người phục vụ Chiến dịch Biên Giới, hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ, từ năm 1950 - 1954 đã có trên 6 vạn thanh niên tham gia TNXP, trong đó trên 16.000 người phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Họ có nhiệm vụ xung kích xây dựng và bảo vệ các tuyến đường huyết mạch, phá bom nổ chậm, bảo đảm giao thông ở các tọa độ lửa, đào hầm hào, công sự, xây dựng kho tàng, vận chuyển vũ khí, quân trang, quân dụng, phục vụ bộ đội chiến đấu, trực tiếp chiến đấu, sơ cứu và chuyển thương binh về tuyến sau...
 

Với những đóng góp to lớn cho cuộc kháng chiến, lực lượng TNXP đã được Đảng, Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng Vũ trang Nhân dân (AHLLVTND), tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Hồ Chí Minh. Gần 100 tổ chức, cá nhân trong lực lượng TNXP đã được phong tặng, truy tặng danh hiệu AHLLVTND.

Tiếp nối công việc đó, TNXP lại cùng cả dân tộc tham gia Kháng chiến chống Mỹ và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, cuộc chiến tranh Biên giới Tây Nam, phía Bắc, làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào, Campuchia... Trong nửa triệu TNXP qua các thời kỳ, đã có 10.000 người hy sinh, 46.000 người bị thương, hơn 13.000 người nhiễm chất độc da cam… Đó là chưa kể 35.000 TNXP chống địch, chống càn tại chỗ, binh vận… tại một số tỉnh, thành phía Nam như: Bến Tre, Long An, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu... 

Kết thúc chiến tranh trở về quê hương, nhiều TNXP mang trên mình thương tật, hoặc phải chịu di chứng của chiến tranh, đa phần sức khỏe suy giảm, do vậy gặp không ít khó khăn trong lao động, học tập, đời sống khó khăn với hơn 55.000 hộ nghèo là TNXP, đặc biệt là gần 6.000 nữ TNXP không có cơ hội làm vợ, làm mẹ. Tuy nhiên, sau 24 năm kết thúc chiến tranh, năm 1999, chúng ta mới có chính sách đầu tiên cho lực lượng TNXP, đó là Quyết định 104 ngày 14/4/1999 về chế độ cho TNXP gặp khó khăn. Từ đó đến nay, Chính phủ cũng đã bổ sung thêm một số chế độ chính sách khác như với TNXP là thương binh, liệt sĩ, nhiễm chất độc da cam, chế độ bảo hiểm y tế, mai táng phí…, nhưng vẫn có một tỷ lệ lớn TNXP chưa được hưởng những đãi ngộ này, chủ yếu do vướng quy định về giấy tờ gốc. 

Do vậy, kể từ khi ra đời năm 2004 đến nay, Hội Cựu TNXP đã làm một nhiệm vụ quan trọng là làm nhân chứng lịch sử; kiến nghị chính sách với Đảng, Nhà nước, tham gia với các bộ, ngành giải quyết chế độ chính sách cho TNXP; thống kê, rà soát số lượng TNXP các thời kì... 


Ông Vãng cho biết, thời gian gần đây, những chiến công, đóng góp cũng như đời sống của đội ngũ cựu TNXP cũng đã được thông tin rộng rãi đến công chúng. Nhờ vậy, những năm qua, đã có rất nhiều tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, cá nhân quan tâm, hỗ trợ, chia sẻ, giúp đỡ những cựu TNXP gặp khó khăn, nhất là những nữ TNXP đơn côi, không gia đình, không nơi nương tựa, tiêu biểu như ngành GTVT, Quỹ Thiện Tâm của Tập đoàn Vingroup, Ngân hàng NN&PTNT...

Xuân Thu
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.