Vận tải

Sớm lấp lỗ hổng quản lý vận tải khách

28/10/2023, 06:23

Nhiều quy định siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải khách đang được đề xuất nhằm dẹp tình trạng bát nháo như hiện nay.

Xe tuyến cố định bỏ bến cạnh tranh xe dù

Khoảng 7h30 sáng 22/10, có nhu cầu về Hạ Long (Quảng Ninh), PV Báo Giao thông cùng 5 hành khách khác được đón lên xe limousine BKS 14B - 003.85 của nhà xe Vân Đồn Xanh.

Sớm lấp lỗ hổng quản lý vận tải khách   - Ảnh 1.

Xe hợp đồng ngang nhiên chạy rùa bò, đón khách trên đường Phạm Hùng, qua Bến xe Mỹ Đình.

Dù mang phù hiệu xe hợp đồng, khi tới trạm dừng nghỉ trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, tài xế vẫn trực tiếp thu tiền từng người với giá vé 300 nghìn đồng ghế giữa và 280 nghìn đồng với khách ngồi hai hàng ghế sau. Chiếu theo các quy định, việc đón khách, bán vé thu tiền như vậy là vi phạm.

Trước đó, chiều 21/10, dọc đường Phạm Hùng đoạn quanh Bến xe Mỹ Đình, Hà Nội xuất hiện hàng loạt xe limousine mang phù hiệu hợp đồng nhưng ngang nhiên chạy rùa bò bắt khách dọc đường. Song hành với những xe này là hàng dài xe tuyến cố định nối đuôi nhau "vợt" khách, tạo ra khung cảnh nhốn nháo trên đường.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, trước đây, doanh nghiệp vận tải khách bằng xe hợp đồng chỉ chiếm từ 20-30% tổng số phương tiện, còn lại là xe tuyến cố định. Còn hiện nay, tổng số xe khách tuyến cố định toàn quốc chỉ khoảng 25.000 xe, còn vận tải khách theo hợp đồng là 170.000 xe, gấp 6 lần, đa phần là xe hợp đồng trá hình.

"Quy định quản lý xe tuyến cố định đang quá chặt chẽ trong khi quản lý xe hợp đồng, xe du lịch lại lỏng lẻo, khiến nhiều doanh nghiệp lách luật, ngang nhiên chạy dù", ông Quyền nói.

Xác nhận thực trạng này, Cục Đường bộ Việt Nam VN cho biết, tình trạng xe bỏ bến ra ngoài cạnh tranh với xe hợp đồng trá hình ngày càng phức tạp. Nhiều xe xin phù hiệu hợp đồng nhưng lại hoạt động trá hình tuyến cố định gây khó khăn cho công tác quản lý.

Do khó khăn về nguồn kinh phí, Cục Đường bộ VN chưa xây dựng được hệ thống tiếp nhận, xử lý toàn diện dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, camera trên xe kinh doanh vận tải. Trong khi hệ thống hiện tại đã lạc hậu, khiến việc chấn chỉnh vi phạm còn chậm, chưa đủ sức răn đe.

Ngoài ra, tại Nghị định 10/2020 chưa có quy định thời gian thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải, đình chỉ khai thác tuyến và thu hồi phù hiệu, biển hiệu hoặc sau khi thu hồi bao lâu thì mới được cấp lại, dẫn đến đơn vị bị thu hồi có thể đề nghị cấp lại ngay sau khi bị thu hồi.

Đề xuất sửa đổi nhiều quy định

Hiện nay, Bộ GTVT đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô, trong đó, bổ sung quy định về thời gian thu hồi phù hiệu.

Trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu do xe vi phạm tốc độ từ 5 lần/1.000km trong tháng hoặc 3 lần/ngày; hoặc do không hoạt động kinh doanh vận tải trên tuyến trong thời gian 60 ngày liên tục sẽ không được cấp lại phù hiệu, biển hiệu trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nộp lại phù hiệu, biển hiệu. Sau thời gian này, nếu có nhu cầu tiếp tục tham gia kinh doanh vận tải, đơn vị phải làm thủ tục để được cấp lại.

Trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải không nộp phù hiệu, biển hiệu theo quyết định thu hồi, sở GTVT thực hiện xử phạt vi phạm hành chính, gửi thông báo cho cơ quan đăng kiểm để cảnh báo phương tiện.

Lãnh đạo Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Sở GTVT Yên Bái cho biết, quy định này sẽ tăng tính răn đe đối với các trường hợp vi phạm, khắc phục việc đơn vị vận tải xin cấp lại ngay sau khi phù hiệu bị thu hồi.

Đối với việc cấp phù hiệu, biển hiệu xe kinh doanh vận tải, ông Nguyễn Văn Quyền góp ý, cần rút ngắn thời hạn cấp phù hiệu. Giữa 2 kỳ cấp, lực lượng chức năng phối hợp để rà soát việc chấp hành tất cả các quy định của đơn vị vận tải có đầy đủ hay không.

"Nếu doanh nghiệp chấp hành nghiêm thì cấp lại phù hiệu, còn vi phạm thì thu hồi có thời hạn. Trường hợp tái diễn nhiều lần cần thu hồi phù hiệu vĩnh viễn", ông Quyền nói.

Đối với việc ngăn chặn xe hợp đồng, xe du lịch chạy trá hình tuyến cố định, Bộ GTVT đã đề xuất quy định, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách loại hình này và lái xe không được quảng cáo hoặc đăng tải các thông tin về hành trình/lộ trình; điểm đầu/nơi đi, điểm cuối/nơi đến; chuyến xe có xác định giờ khởi hành/xuất phát; giá vé hoặc số tiền/hành khách; địa điểm đón, trả khách dưới mọi hình thức. Trường hợp vi phạm sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh không thời hạn.

Đáng chú ý, tại thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư liên quan đến lĩnh vực vận tải đường bộ, cũng đang được Bộ GTVT lấy ý kiến, đã bổ sung quy định sở GTVT được khai thác, sử dụng dữ liệu trên hệ thống thông tin của Cục Đường bộ VN để xử phạt vi phạm.

Cùng đó, bổ sung trách nhiệm của đơn vị kinh doanh vận tải trong trường hợp không theo dõi để nhắc nhở, xử lý kịp thời các trường hợp lái xe vi phạm dẫn đến TNGT.

Đại diện sở GTVT một số địa phương cho biết, các quy định trên là hợp lý, cần ban hành sớm để triển khai.

Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, trong lúc chờ sửa các quy định, việc cấp bách là cần xử lý nghiêm vi phạm theo các chế tài hiện đang có.

Tăng cường ứng dụng công nghệ trong quản lý

Kể từ khi nhận nhiệm vụ mới tại Bộ GTVT vào tháng 10/2022, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đã có nhiều chỉ đạo để siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải. Trong đó, bộ trưởng nhấn mạnh phải quyết liệt, tập trung nguồn lực, tài chính để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý.

Cụ thể hoá tinh thần chỉ đạo này, bộ trưởng đã ký phê duyệt đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực đường bộ giai đoạn 2023-2025, định hướng đến 2030". Đồng thời chỉ đạo Cục Đường bộ VN khẩn trương nâng cấp phần mềm quản lý dữ liệu, tích hợp dữ liệu camera, giám sát hành trình để hình thành hệ thống quản lý thống nhất; sửa đổi các văn bản để dữ liệu được khai thác hiệu quả.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.