Kinh tế

“Sống treo” gần 30 năm, dân bán đảo Thanh Đa khổ trăm bề

06/11/2018, 06:44

Gần 30 năm, hơn 3.000 hộ dân tại siêu dự án khu đô thị Bình Quới -Thanh Đa sống trong cảnh khốn khó...

8

Ông Bùi Văn Đức tại căn nhà cấp 4 xuống cấp của mình trong suốt 26 năm qua mà không dám sửa chữa

“Họ toàn hứa…”

Đầu tháng 11, PV Báo Giao thông tìm đến bán đảo Thanh Đa khi sau khi TP cho biết nhà đầu tư đã chính thức “bỏ chạy” sau 26 năm bán đảo được quy hoạch xây dựng khu đô thị. Đường vào bán đảo Thanh Đa hiện có một chiếc cầu từ hướng đường Xô Viết Nghệ Tĩnh qua Cầu Kinh chạy theo đường Bình Quới là tuyến đường xuyên tâm của bán đảo. Cuối đường có một bến phà nối qua phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức.

Ngoài con đường chính Bình Quới rộng 2 làn xe, những con đường xương cá hai bên dẫn vào các khu dân cư bề rộng chưa đầy 2m, đất đá nham nhở. Dù cách trung tâm thành phố chỉ hơn 1km, nhưng nơi đây chẳng khác nào một vùng quê nghèo. Dọc hai bên đường là những căn nhà lụp xụp, che chắn tạm bợ bằng tôn, mái lá đơn sơ. Những mảnh ruộng bị bỏ hoang, cây cối, cỏ mọc um tùm, hàng chục con bò đang gặm cỏ.

Để ổn định đời sống của người dân bán đảo Thanh Đa, mới đây, UBND TP HCM đã giao Sở Xây dựng rà soát giải quyết cấp phép cho người dân sửa chữa nhà, cấp phép xây dựng tạm trong thời gian chờ triển khai dự án. 

Ngồi trước hiên căn nhà cấp 4 đã xuống cấp nhìn ra mảnh ruộng bị bỏ hoang, ông Bùi Văn Đức (58 tuổi, P.28) không khỏi ngán ngẩm. Gia đình ông Đức có 4 đời sống tại bán đảo Thanh Đa. Khi lấy vợ, ông được bố mẹ chia cho mảnh đất ra ở riêng, xây được căn nhà cấp 4. Nay đứa con trai út của ông Đức gần 30 tuổi, lấy vợ, muốn xây nhà riêng cũng không được. Gia đình 3 thế hệ với 10 nhân khẩu phải sống chui lủi trong căn nhà cấp 4 tồi tàn. “Ở trong nhà mình, đất mình mà cứ như ở nhà người khác. Nhà dột, xuống cấp nhưng không dám xây dựng hay sửa chữa gì vì chẳng biết lúc nào sẽ phải đi. Cả mấy chục năm rồi không thấy ai đoái hoài gì cả”, ông Đức nói.

Trước đây, người dân bán đảo Thanh Đa sống bằng việc trồng lúa, trồng mía, nhưng gần đây đất đai bị nhiễm mặn trồng cây gì cũng chết nên đành bỏ đất hoang. Người dân chủ yếu lang bạt đi làm phụ hồ, công nhân. Có nhiều người cố bám lấy mảnh vườn nhưng thu nhập bấp bênh, sống lay lắt qua ngày.

Giữa trưa nóng như lửa đốt, ông Phạm Công Hai (53 tuổi) dùng cuốc bới trên đống xà bần để lấp mảnh ruộng bỏ hoang. Ông Hai kể, trước đây mảnh ruộng này trồng lúa, sau trồng rau nuôi heo, nhưng mấy năm nay heo rớt giá, đành xin chính quyền lấp để trồng cây ăn trái, ngồi chờ dự án. “Có làm dự án hay không chính quyền phải trả lời cho dân một lần. Không làm thì trả đất cho dân làm ăn chứ đất bỏ hoang, cỏ mọc um tùm thế này, nóng lòng lắm”, ông Hai giãi bày.

Khi nhắc tới thông tin về việc thành phố quy hoạch xây dựng bán đảo Thanh Đa thành một khu siêu đô thị hiện đại, nhiều người dân tỏ ra thờ ơ. Họ cho rằng nhiều lần họ bị hứa lèo. “Giờ nghe cho vui chứ hứa hoài. Từ năm 1992 đến nay, cứ vài năm lại nghe có chủ đầu tư, thấy người ta đi đo đất, mời họp vẽ ra đủ thứ, rồi lại im hơi lặng tiếng”, ông Hai ngao ngán.

Thăng trầm siêu dự án Thanh Đa - Bình Quới

Dân tại bán đảo Thanh Đao còn khổ hơn ở nông thôn vì cứ mỗi lần có mưa lớn hay triều lên là nước mênh mông, tràn vào nhà, rắn rết, chim chuột cũng bò vào theo. Chúng tôi muốn đổ đất cát nâng nền đất lên cao hơn để tránh ngập cũng phải làm đơn xin phường, chứ tự ý làm cũng không dám. “Dự án treo quá lâu rồi. Người dân ở đây ai cũng mong Nhà nước sớm giải quyết dứt điểm. Xây khu đô thị, bồi thường hợp lý là chúng tôi giao đất ngay. Chúng tôi chỉ mong muốn sớm chấp dứt tình trạng này. Một là thành phố nhanh chóng thực hiện dự án, hai là xóa bỏ quy hoạch treo để người dân đảm bảo cuộc sống”, ông Đức đề nghị.

Khu đô thị sinh thái Bình Quới - Thanh Đa được TP phê duyệt vào năm 1992 với diện tích rộng hơn 570ha xây dựng thành khu đô thị văn hóa thể thao nghỉ dưỡng. Năm 2004, TP thu hồi, giao đất cho TCT Xây dựng Sài Gòn đầu tư nhưng vì nhiều lý do dự án không thể triển khai nên sau đó TP giao cho một tập đoàn trong nước lập đồ án quy hoạch phân khu (1/2.000).

Đến cuối năm 2015, Liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC được UBND TP HCM chỉ định là nhà đầu tư dự án với số vốn hơn 30.000 tỉ đồng. Thời gian triển khai thực hiện dự án dự kiến 50 năm, trong đó thời gian xây dựng hoàn thành hạ tầng kỹ thuật chính là 5 năm kể từ ngày ký hợp đồng. Tuy nhiên, giữa năm 2017, TP HCM thông báo Công ty Emaar Properties PJSC (Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất) xin rút khỏi dự án. Phía Bitexco khẳng định đủ năng lực thực hiện dự án Khu đô thị Thanh Đa. Thế nhưng, thực tế tiến độ một số dự án Bitexco đang thực hiện tại TP HCM như: Tháp Spririt of  Saigon (Q.1), Khu Đô thị mới tứ giác Nguyễn Cư Trinh (Q.1), Khu tái định cư Nguyễn Cư Trinh… ì ạch khiến các chuyên gia lo ngại bán đảo Thanh Đa cũng treo thêm hàng chục năm nữa.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho rằng, cần đưa dự án Khu đô thị bán đảo Thanh Đa ra đấu thầu quốc tế rộng rãi để tìm kiếm các nhà đầu tư có đủ năng lực thực sự triển khai dự án. Bởi đây là dự án có quy mô lớn, theo tính toán sơ bộ, để có thể triển khai đến nơi đến chốn, cần phải có ít nhất từ 1,5 - 2 tỷ USD. Theo ông Châu, thời gian qua, có khá nhiều nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm đến dự án này. Tuy nhiên, để các nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia được, cần thiết phải công khai thông tin đấu thầu rộng rãi mang tính quốc tế và phải có thời gian cần thiết để các nhà đầu tư nghiên cứu hồ sơ. “Bán đảo Thanh Đa bị treo gần 30 năm không chỉ lãng phí, mà còn gây nhiều bức xúc cho hàng nghìn người dân “bị treo” theo dự án. Do vậy, việc đưa dự án ra đấu thầu rộng rãi quốc tế lần này có ý nghĩa vô cùng quan trọng giúp chọn nhà đầu tư đủ năng lực để dự án được triển khai”, ông Châu nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.