Pháp luật

Sửa Luật Giao thông đường bộ để phù hợp thực tiễn

10/08/2016, 13:05

Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) 2008 đã bộc lộ một số bất cập cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thực tiễn.

vi-pham-giao-thong-con-dam-gay-chan-canh-sat

Sửa Luật Giao thông đường bộ để phù hợp thực tiễn. Trong ảnh: CSGT xử lý xe vi phạm

Sau 8 năm thực hiện, Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) 2008 đã bộc lộ một số bất cập cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thực tiễn. PV Báo Giao thông đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) xung quanh việc sửa đổi bổ sung bộ luật quan trọng này. 

Vẫn còn có những bất cập

Xin ông đánh giá 8 năm triển khai Luật GTĐB 2008?

Luật GTĐB năm 2008 được xây dựng trên nguyên tắc bảo đảm tính kế thừa các nội dung của Luật GTĐB năm 2001 với nhiều điểm mới và những quy định cụ thể, chặt chẽ hơn như: Kiểm soát chặt hơn đối với người uống bia, rượu tham gia giao thông; Quy định về vấn đề đảm bảo an toàn cho người đi bộ và người khuyết tật; Quy định về người đi bộ, xe thô sơ, xe mô tô không được đi vào đường cao tốc; Bổ sung độ tuổi trẻ em được chở thêm trên mô tô, xe gắn máy là dưới 14 tuổi và xe đạp là dưới 7 tuổi; Quy định cụ thể hơn về quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Bổ sung quy định gắn thiết bị giám sát hành trình đối với phương tiện kinh doanh vận tải; Điều kiện cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô

Qua 8 năm thực hiện, Luật GTĐB 2008 đã đạt được nhiều kết quả, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động GTVT đường bộ; Thúc đẩy sự phát triển của ngành GTVT và nền kinh tế đất nước; Tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động tham gia vào hoạt động GTVT của các nước trong khu vực. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng vẫn còn những bất cập trong Luật cần được sửa đổi cho phù hợp, tạo động lực phát triển.

Ông có thể nói cụ thể hơn về những bất cập này?

Điển hình như phần lớn các đô thị chưa đảm bảo quy định về tỉ lệ % diện tích đất dành cho đường bộ; Phương tiện giao thông cá nhân phát triển nhanh nhưng kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ. Một số văn bản quy phạm pháp luật về quản lý vận tải, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ có tính ổn định chưa cao do thực tế phát sinh nhiều vấn đề mới.

Hơn nữa, vẫn còn một số quy định của Luật GTĐB 2008 chưa phù hợp với Công ước về giao thông đường bộ và Công ước về biển báo và tín hiệu đường bộ 1968 (Công ước Viên). Tôi lấy ví dụ tại Công ước Viên bắt buộc Luật quốc gia phải quy định việc người điều khiển phương tiện không được phép dùng tay sử dụng điện thoại di động khi phương tiện đang di chuyển. Tuy nhiên, Luật GTĐB năm 2008 dù đã có quy định về việc người điều khiển xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy không được sử dụng điện thoại di động nhưng chưa thể hiện quy định cấm người điều khiển ô tô dùng tay sử dụng điện thoại di động.

Đối với quy định về việc thắt dây an toàn hiện nay, Luật GTĐB 2008 đang quy định xe ô tô phải trang bị dây an toàn thì người lái xe và người ngồi hàng ghế phía trước trong xe ô tô phải thắt dây an toàn. Tuy nhiên, Công ước Viên lại quy định việc thắt dây an toàn là bắt buộc đối với người lái xe và hành khách đi trên phương tiện cơ giới ngồi tại những chỗ có trang bị dây an toàn trừ trường hợp ngoại lệ theo quy định của Luật quốc gia.

Nguyễn Văn Thạch

Ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ ATGT

Ngoài ra, còn một số nội dung khác chưa phù hợp giữa Luật GTĐB 2008 với Công ước Viên 1968 như quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống báo hiệu đường bộ, ký hiệu quốc gia trên xe rơ-moóc, điều kiện, kỹ thuật của phương tiện, quy tắc dành cho người đi bộ hiện nay đang được bảo lưu. Vì vậy, cần xem xét để quy định tại Luật GTĐB.

13 nội dung cần sửa đổi, bổ sung Luật GTĐB sẽ được sửa đổi, bổ sung theo hướng nào?

Thời gian qua, chúng tôi đã xin ý kiến lãnh đạo Bộ GTVT và được phép tổ chức hội thảo đánh giá lại Luật GTĐB 2008 và những điểm cần sửa đổi. Có 13 nội dung cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn phát sinh, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật hiện nay.

Trong đó tập trung về chính sách phát triển giao thông đường bộ. Hiện nay, các chủ trương, định hướng lớn về phát triển giao thông đường bộ với đặc thù riêng chưa được thể hiện trong Luật GTĐB 2008 như: Việc xã hội hóa đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường bộ, xã hội hóa dịch vụ công đặc biệt là xã hội hóa dịch vụ hành chính công; Về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Đây là những vấn đề cần được quy định trong Luật GTĐB 2008 để đảm bảo tính nguyên tắc và cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện một cách đồng bộ.

>>>TOÀN VĂN LUẬT GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ MỚI NHẤT

>>>TOÀN VĂN NGHỊ ĐỊNH 46 TĂNG MứC Xử PHẠT VI PHẠM GIAO THÔNG

Các quy định về quy tắc giao thông cũng cần được điều chỉnh để có cách hiểu thống nhất như quy định về sử dụng làn đường, quy định về dừng, đỗ xe hay việc sửa đổi, bổ sung một số quy định về đường cao tốc, điều kiện kinh doanh vận tải và các quy định liên quan đến đảm bảo ATGT khác...

CSGT tỉnh Ninh Bình Kiểm tra xử lý xe vi phạm. Ảnh

CSGT tỉnh Ninh Bình dừng xe kiểm tra phương tiện có dấu hiệu vi phạm. Ảnh: Tạ Tôn

Thời gian qua, có nhiều ý kiến trái chiều về hoạt động của Uber và Grab Taxi. Theo ông, để sớm chấm dứt những tranh cãi về hai loại hình vận tải này, có cần quy định trong luật?

Thực chất đây là hai loại hình ứng dụng công nghệ phần mềm trong dịch vụ hỗ trợ vận tải. Cả Uber và Grab Taxi hay loại hình vận tải tương tự vẫn chưa có hành lang pháp lý rõ ràng để điều tiết các vấn đề có liên quan, như trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đối với Nhà nước, người tiêu dùng khi tham gia chuỗi cung ứng các dịch vụ có liên quan đến hoạt động vận tải.

Hoặc các quy định đối với cá nhân sử dụng xe rỗng để thực hiện hoạt động vận chuyển hành khách trong quá trình tham gia giao thông cũng cần được điều tiết một cách cơ bản tại Luật GTĐB Việt Nam. Do đó, cần phải rà soát để bổ sung các nội dung này, nhằm đảm bảo điều chỉnh kịp thời các yêu cầu của thực tiễn phát sinh.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.