Xã hội

Sửa Luật Thủ đô: Cần giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường

26/03/2024, 13:06

Đại biểu Quốc hội Đinh Ngọc Minh cho rằng, Luật Thủ đô nên giải quyết được vấn đề của Hà Nội hiện nay là ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông.

"Người tài bố trí làm hành chính thì lãng phí"

Sáng nay (26/3), tại Nhà Quốc hội (Thủ đô Hà Nội), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV để thảo luận một số nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 sắp tới.

Ngay sau phần khai mạc, hội nghị tiến hành xem xét, cho ý kiến một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Sửa Luật Thủ đô: Cần giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường- Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân.

Góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị rà soát lại kỹ vì dự thảo luật còn khá nhiều quy phạm chính trị chỉ nên nằm trong văn bản của Đảng, còn văn bản quản lý, luật thì phải rõ ràng.

Ông Vân cho rằng, cần bổ sung 1 điều về tổ chức các cơ quan chuyên môn của UBND. Với đặc điểm, đặc thù của Hà Nội thì cần trao cho thành phố quyền tự tổ chức cơ quan chuyên môn. Bên cạnh khung cứng được Chính phủ quy định thì cho phép Hà Nội tổ chức cơ quan chuyên môn phù hợp điều kiện, đặc điểm của mình.

"Phần "cứng" là cơ quan bắt buộc phải có theo quy định của Chính phủ như công an, quân đội, nội vụ, tư pháp, mang tính chuyên chính, còn cơ quan liên quan xã hội, giáo dục, y tế thì giao cho thành phố quyết định theo tiêu chí của Chính phủ", ông Lê Thanh Vân đề xuất.

Đề cập vấn đề thu hút, trọng dụng người có tài năng, ông lưu ý cần định chế thành quy định mạch lạc hơn. Khái niệm trọng dụng người có tài năng nên sửa lại là trọng dụng nhân tài, cao hơn có thể sửa là trọng dụng hiền tài.

Vị đại biểu này cũng nêu 3 cách thu hút là thi tuyển, tiến cử và tự tiến cử vì "kinh nghiệm người xưa có hết rồi".

Về "trọng dụng", đại biểu Vân phân tích, một là bố trí đúng sở trường, năng lực nào bố trí công việc đấy, "chứ không phải thu hút về xong để đấy, một người tài bố trí làm hành chính thì lãng phí".

Khía cạnh trọng dụng tiếp theo là có cơ hội thăng tiến. Ông cho rằng "người tài ngồi dưới trướng kém tài mà vô hạnh nữa... thì thôi!".

Thứ ba, phát minh sáng kiến của người tài cần được tôn trọng và thực thi. Bên cạnh đó, cần có ưu đãi về thuế, lương, y tế, giáo dục, nhà ở. 

Lưu ý việc khen thưởng, kỷ luật, ông Lê Thanh Vân đề nghị khen thưởng những ai tuyển dụng, tiến cử người tài. Còn ai lạm dụng đưa người của mình, "4 C" (ý là con cháu các cụ - PV) vào thì kỷ luật cho nghiêm.

Sửa Luật Thủ đô: Cần giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường- Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội Đinh Ngọc Minh.

Bổ sung cơ chế, chính sách để Hà Nội bứt phá

Đại biểu Quốc hội Đinh Ngọc Minh thì nhấn mạnh, vấn đề của Thủ đô Hà Nội hiện nay là ô nhiễm môi trường, không khí, ùn tắc giao thông đang gây khó khăn cho người dân Thủ đô và người dân cả nước đến học tập công tác. Vậy sửa luật lần này có giải quyết được vấn đề này hay không?

Theo Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị thì tỷ lệ đất dành cho giao thông khoảng 16-26%, cho cây xanh 10m2/người vào năm 2030. Vậy tỷ lệ này hiện nay của Hà Nội là bao nhiêu, khi sửa luật này thì hướng các chỉ tiêu thế nào?

Ông Minh đề nghị bổ sung cơ chế giải quyết các vấn đề này vào Điều 28 về bảo vệ môi trường, Điều 30 về phát triển hạ tầng kỹ thuật, giao thông, nhất là các cơ chế cho quận nội thành.

Vị đại biểu này cũng nêu vấn đề làm thế nào để Hà Nội là trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước? Hà Nội là nơi tập trung của nhiều trường đại học, các viện nghiên cứu, nhiều cơ quan đầu não của Trung ương cùng với đó nhiều giáo sư, tiến sỹ đầu ngành.

"Vấn đề là đề tài thì nhiều, áp dụng thì ít, hồ sơ thanh toán dày hơn hồ sơ nghiên cứu", ông Minh nói.

Cũng theo đại biểu, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia trên địa bàn Thủ đô thiếu cơ chế linh hoạt để hoạt động đổi mới sáng tạo, như chế độ sử dụng tài sản công khi được các tổ chức cho tặng, cơ chế thử nghiệm giải pháp công nghệ mới, cơ chế mua sắm thiết bị đặc thù.

Đại biểu đề nghị bổ sung cơ chế chính sách để Hà Nội bứt phá nghiên cứu và trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia là mô hình chuẩn có thể nhân rộng trong tương lai.

Sửa Luật Thủ đô: Cần giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường- Ảnh 3.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường.

Cần luật hóa việc khai thác các dòng sông vào phát triển đô thị

Nhắc đến mô hình "thành phố thuộc thành phố", đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường nhấn mạnh Hà Nội là thành phố thuộc Thủ đô, là một thể chế đặc thù, ở đó có cả đô thị và nông thôn.

Theo ông Cường, thành phố thuộc Thủ đô là đơn vị hành chính cấp hai như quận, huyện nhưng chức năng quản lý và vai trò quản lý hoàn toàn khác so với cấp quận, huyện.

Vì vậy, cần có khái niệm về thành phố thuộc thủ đô và giao quyền cho HĐND TP Hà Nội quy định các quyền năng và chính sách đặc thù, vượt trội của thành phố thuộc Thủ đô so với cấp quận, huyện.

Ông Hoàng Văn Cường góp ý cần luật hóa việc khai thác các dòng sông vào phát triển đô thị của Thủ đô để khai thác những tiềm năng, lợi thế vô cùng to lớn hai bên sông.

Mục tiêu được ông Cường nhấn mạnh là sông Hồng phải trở thành không gian cảnh quan đẹp, là trung tâm hội tụ các hoạt động của thành phố để trở thành không gian phát triển dịch vụ, thương mại sầm uất.

"Nhưng rất tiếc, hai bên bờ sông Hồng đang bỏ hoang hóa, phát triển tự phát, nhếch nhác và nhiều tệ nạn xã hội. Do không thể tổ chức khai thác vì vướng vào một quyết định về phòng chống lũ trên sông Hồng và sông Thái Bình, đất vàng hai bên sông Hồng tại Hà Nội cũng giống như bãi cỏ hoang ở hai bên sông của các tỉnh khác", ông Cường nói.

Từ thực tế đó, ông Cường mạnh dự án Luật Thủ đô sửa đổi phải có các quy định về khai thác hai bên sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy theo hướng quy định về căn cứ hình thành các hành lang, gồm hành lang mặt nước bảo vệ dòng chảy thường xuyên, hành lang thoát lũ, hành lang bảo vệ đê ngăn lũ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.