Đăng kiểm

Sửa quy định về cải tạo xe cơ giới: Tăng trách nhiệm của cơ sở thiết kế, cải tạo

02/11/2023, 16:36

Tại dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 85/2014 quy định về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã bổ sung nhiều quy định nhằm làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và cơ sở cải tạo, thiết kế.

Sửa quy định về cải tạo xe cơ giới: Tăng trách nhiệm của cơ sở thiết kế, cải tạo - Ảnh 1.

Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 85/2014 bổ sung thêm trách nhiệm của cơ sở cải tạo xe cơ giới.

Bổ sung trách nhiệm của cơ sở cải tạo

Theo đó, dự thảo Thông tư bổ sung thêm một Điều quy định về trách nhiệm của cơ sở cải tạo xe cơ giới, phải đảm bảo năng lực thực hiện việc thi công cải tạo xe cơ giới. Lưu trữ hồ sơ phương tiện cải tạo (bao gồm: Bản sao thiết kế được thẩm định có xác nhận của cơ sở thiết kế, trừ trường hợp miễn lập hồ sơ thiết kế; Các tài liệu thông số, tính năng kỹ thuật của xe cơ giới cải tạo và các tổng thành, hệ thống cải tạo, thay thế và tài liệu xác nhận nguồn gốc của các hệ thống, tổng thành cải tạo".

Theo ban soạn thảo, quy định này nhằm tăng cường việc quản lý cơ sở cải tạo, làm cơ sở cho việc đánh giá năng lực thực tế của cơ sở cải tạo trong quá trình nghiệm thu.

Đồng thời, dự thảo cũng quy định rõ trách nhiệm của cơ sở thiết kế trong việc đảm bảo tính chính xác của các nội dung tính toán trong hồ sơ thiết kế xe cơ giới cải tạo.

Đối với quy định về thi công cải tạo, dự thảo không quy định ràng buộc việc thi công chỉ được thực hiện sau khi có hồ sơ thiết kế được phê duyệt để phù hợp với thực tế triển khai và đảm bảo nâng cao được chất lượng, tính chính xác của hồ sơ thiết kế so với nội dung, năng lực công nghệ của cơ sở thi công cải tạo.

Phân cấp thẩm định thiết kế, nghiệm thu cải tạo xe cơ giới

Đáng chú ý, dự thảo Thông tư đã mở rộng phạm vi, đối tượng thẩm định thiết kế của các sở GTVT địa phương. 

Theo đó, các Sở GTVT chịu trách nhiệm thẩm định thiết kế: Cải tạo, lắp đặt các hệ thống, tổng thành (khung; động cơ; truyền lực; buồng lái, thân xe hoặc thùng chở hàng, khoang chở khách; hệ thống điện, đèn chiếu sáng và tín hiệu của xe tải (kể cả ô tô tải không có thùng xe đã qua sử dụng nhập khẩu), xe tải chuyên dùng; xe chở người đến 25 chỗ (kể cả chỗ người lái), kể cả trường hợp cải tạo xe chở người trên 25 chỗ thành xe chở người đến 25 chỗ); Lắp đặt ghế ngồi trên thùng xe của xe ô tô tải tập lái, sát hạch; Cải tạo xe ô tô chở người thành xe ô tô cứu thương, ô tô tang lễ; Cải tạo xe ô tô chở người từ 16 chỗ (kể cả chỗ người lái) trở xuống thành xe ô tô tải VAN.

Sửa quy định về cải tạo xe cơ giới: Tăng trách nhiệm của cơ sở thiết kế, cải tạo - Ảnh 3.

Dự thảo cũng quy định rõ, phân cấp trách nhiệm thẩm định thiết kế cải tạo, nghiệm thu xe cải tạo cho Sở GTVT, các trung tâm đăng kiểm (ảnh minh hoạ).

Ngoài các trường hợp trên, trách nhiệm thẩm định thiết kế cải tạo khác sẽ thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN).

Dự thảo Thông tư cũng mở rộng hình thức nộp hồ sơ làm căn cứ cho việc áp dụng hệ thống hành chính công trực tuyến đối với thủ tục nghiệm thu xe cơ giới cải tạo.

Đối với nghiệm thu xe cơ giới cải tạo, dự thảo quy định Cục ĐKVN không nghiệm thu, toàn bộ công tác này được chuyển xuống các trung tâm đăng kiểm.

Đồng thời, dự thảo mở rộng các trường hợp phải thực hiện nghiệm thu 2 lần để có căn cứ đánh giá năng lực thi công thực tế của cơ sở cải tạo có phù hợp với nội dung cải tạo trên phương tiện hay không.

Theo đó, các trường hợp phải thực hiện nghiệm thu tại cơ sở cải tạo (phần kiểm tra, đánh giá kết cấu thực tế xe cơ giới theo hồ sơ thiết kế) và tại đơn vị đăng kiểm (phần kiểm tra, đánh giá theo quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới), bao gồm: Cải tạo toàn bộ buồng lái, thân xe, khoang chở khách của xe chở người; cải tạo lắp mới thùng xe của xe tải thành xe tải thùng kín (có hai mặt của vách thùng xe được bọc kín), xe tải bảo ôn, xe tải đông lạnh cần phải kiểm tra và nghiệm thu phần kết cấu khung xương của thân xe, thùng xe theo thiết kế trước khi hoàn thiện và Loại phương tiện (được phân loại theo TCVN 7271) lần đầu được cơ sở cải tạo đề nghị nghiệm thu.

Ban soạn thảo cho biết thêm, dự thảo cũng bổ sung các quy định nhằm tăng cường biện pháp quản lý, nhận biết phương tiện cải tạo được thực hiện tại cơ sở cải tạo đề nghị nghiệm thu. Đồng thời, thay đổi yêu cầu về hồ sơ thiết kế trong hồ sơ nghiệm thu từ bản chính thành bản sao để phù hợp với việc mở rộng phạm vi nghiệm thu cải tạo đối với sản phẩm cùng kiểu loại theo cùng một hồ sơ thiết kế.

Về trách nhiệm của Cục ĐKVN, dự thảo bổ sung trách nhiệm quản lý thông tin cơ sở cải tạo thống nhất trên cả nước, nhằm phục vụ việc tra cứu, kiểm tra năng lực của các cơ sở cải tạo, các trung tâm đăng kiểm trong quá trình thực hiện nghiệm thu cải tạo.

Tại tờ trình gửi Bộ GTVT, Vụ Khoa học – Công nghệ và Môi trường cho biết, hiện nay, việc phân cấp thẩm định thiết kế, nghiệm thu xe cải tạo chưa rõ ràng giữa Cục ĐKVN, Sở GTVT, đơn vị đăng kiểm dẫn đến tình trạng đùn đẩy công việc hoặc chồng chéo trong tổ chức thực hiện;

Ngoài ra, việc giới hạn phạm vi được thẩm định thiết kế theo địa phương sẽ hạn chế nguồn lực thực hiện công tác cải tạo phương tiện. Việc nghiệm thu xe cải tạo cùng kiểu loại, cùng nội dung cải tạo theo cùng một thiết kế vẫn còn phức tạp, chưa thuận lợi và cần tạo thuận lợi hơn cho việc lựa chọn cơ sở cải tạo và địa điểm nghiệm thu của người dân.

Cùng với đó, các cơ sở cải tạo cần phải được tăng cường quản lý nhằm tránh xảy ra những trường hợp tiêu cực; đồng thời cần quản lý thống nhất dữ liệu cơ sở cải tạo trên cả nước phục vụ công tác thông tin cho các trung tâm đăng kiểm khi thực hiện nghiệm thu xe cơ giới.

Do đó, việc ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 85/2014 là cần thiết, phù hợp với tình hình thực tiễn.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.