Hạ tầng

Tắc mặt bằng cản tiến độ cao tốc Bến Lức - Long Thành

18/03/2019, 07:54

Dù đang ở giai đoạn cuối, nhưng các nhà thầu thi công tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành lo ngại vỡ tiến độ hoàn thành...

img
Thi công gói thầu A7 cao tốc Bến Lức - Long Thành

Dù đang ở giai đoạn cuối, nhưng các nhà thầu thi công tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành lo ngại vỡ tiến độ hoàn thành do vướng mặt bằng.

Nhà thầu như “ngồi trên lửa”

Sáng 11/3, ghi nhận của PV Báo Giao thông dọc tuyến cao tốc từ điểm đầu tại cầu vượt QL1 (huyện Bình Chánh, TP HCM) đến cuối tuyến huyện Long Thành, Đồng Nai, nhiều đoạn thuộc gói thầu A1, nhà thầu đã hoàn thiện thảm nhựa phần đường và đang lắp dải phân cách, tấm chống lóa… Những nhịp cầu cuối cùng đang dần được kết nối với tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương về các tỉnh miền Tây. Tuy nhiên, hiện nhà thầu vẫn đang “đứng ngồi không yên” do tuyến chính đã thi công xong nhưng một số đoạn trên tuyến cao tốc này vẫn thi công dang dở vì mặt bằng chưa được bàn giao.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc điều hành gói thầu A1 cho biết, hiện nhà thầu đã thi công xong phần tuyến chính nhưng còn vướng 6 hộ nên một số đoạn chưa triển khai thi công khiến gói thầu chưa thể cán đích. Cụ thể, tại nút giao QL1 (huyện Bình Chánh) còn vướng vị trí của Công ty Giầy Phú Sơn. Một vị trí khác tại nhánh D kết nối giữa đường cao tốc với QL1, trên tuyến chính cũng còn khoảng 200m tại Km3+900.

“Nếu không vướng mặt bằng, gói thầu đã hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra. Tuy nhiên, đến nay chúng tôi vẫn đang sốt ruột chờ các cơ quan chức năng tháo gỡ để sớm thi công xong gói thầu”, ông Sơn nói.

Tại gói thầu A2-1, không khí thi công khá nhộn nhịp. Tận dụng thời tiết khô ráo, nhà thầu đang huy động nhiều máy móc thiết bị đẩy nhanh tiến độ thi công. Một cán bộ chỉ huy thi công gói thầu cho biết, do đã có mặt bằng sạch hiện nhà thầu đang tập trung nhân lực, thiết bị đẩy nhanh tiến độ. Đến cuối tháng 4/2019, cơ bản hoàn thành tuyến chính, tháng 6/2019 sẽ bàn giao công trình.

Tuy nhiên, trái ngược với không khí khẩn trương của gói thầu A2-1, gói thầu A2-2 công trường vẫn ngổn ngang và phải thi công cầm chừng do mặt bằng được bàn giao “da beo”.

Quan sát tại công trường gói thầu A2-2, mặt bằng bàn giao không liền khoảnh nên khối lượng công việc còn lại rất lớn, trong khi thời gian kết thúc gói thầu đang được đếm ngược từng ngày (dự kiến tháng 9/2019 thông xe). Hiện tại, gói thầu A2-2 dài 5,4km nhưng còn khoảng 2km vẫn vướng mặt bằng (20 trường hợp chưa bàn giao) đang là đường găng của dự án bởi nếu gói thầu khác thi công xong nhưng nếu gói thầu này chưa hoàn thành, không thể thông xe đoạn 20km.

img
Thi công gói thầu A2-1 cao tốc Bến Lức - Long Thành

Năm 2020 thông xe toàn tuyến

Theo Ban QLDA các đường cao tốc phía Nam (SEPMU), các gói thầu J1 (cầu Bình Khánh), J3 (cầu Phước Khánh) nguồn vốn JICA tiến độ cơ bản đảm bảo. Trong đó, các gói J2, A3 đã hoàn thành đang nằm chờ kết nối toàn tuyến.

Tuy nhiên, các gói thầu A5, A6, A7 qua địa bàn Đồng Nai lại khá căng thẳng. Ông Nguyễn Thiện Đạt, Chỉ huy trưởng gói thầu A7 cho biết, việc vướng mắc lớn nhất hiện nay để đẩy nhanh tiến độ thi công trong tuyến là khoảnh đất rộng khoảng 10.000m2 cắt ngang tuyến khiến nhà thầu không thể vận chuyển thiết bị máy móc kịp thời từ QL51 vào công trường. Dù có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, nhà thầu đã làm đường tiếp cận nhưng quá nhỏ, lại qua khu dân cư nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác triển khai thi công.

Cao tốc Bến Lức - Long Thành là dự án rất quan trọng trong việc kết nối giao thông các tỉnh từ Long An, TP HCM, Đồng Nai. Sau khi đưa vào khai thác sẽ giảm áp lực giao thông cho các tỉnh miền Tây đi miền Đông và ngược lại, kết nối cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, Gò Dầu, các KCN trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai. Tuyến cao tốc có 11 gói thầu gồm 3 gói thầu nguồn vốn JICA J1, J2, J3, 4 gói thầu nhánh phía Tây nguồn vốn ADB được khởi công tháng 3/2015 theo kế hoạch sẽ thông xe kỹ thuật cuối năm 2018. Gói A5, A6, A7 khởi công tháng 10/2017, dự kiến cuối năm 2020 sẽ thông xe toàn tuyến. Trong 11 gói thầu hiện có 2 gói thầu J2 và A3 đã cán đích trước.

Một cán bộ phụ trách hiện trường của Ban QLDA cho biết, tuyến cao tốc có 4 gói thầu đi qua địa bàn Đồng Nai gồm: Gói thầu J3 (cầu Phước Khánh) thuộc phần vốn JICA tiến độ thi công đạt trên 80%. Các gói thầu A5 (vốn ADB) tiến độ thi công đến thời điểm hiện tại đạt trên 22%, A6 đạt trên 14%, A7 đạt trên 12%. Theo kế hoạch các gói thầu này hoàn thành vào tháng 12/2020. Đến nay, Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Nhơn Trạch và Long Thành đã bàn giao đạt 90,6%, hiện còn vướng 133 trường hợp. Trong cuộc họp gần đây với lãnh đạo Bộ GTVT, VEC, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã đôn đốc các sở ngành cũng như 2 huyện Long Thành và Nhơn Trạch đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa tiến triển nhiều.

Ông Lê Mạnh Hùng, Giám đốc SEPMU cho biết, dự án đã được khởi công từ 2015 và dự kiến thông xe toàn tuyến năm 2020. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một số vướng mắc về thủ tục, chính sách liên quan đến GPMB. Các vị trí vướng mắc lại nằm trên chính tuyến, mặt bằng không liền khoảnh ảnh hưởng đến triển khai thi công. Hiện đoạn qua TP HCM chủ yếu còn vướng tại nút giao QL1 với cao tốc, nút giao QL50, nút giao QL51 với cao tốc (cuối tuyến), rải rác tại các xã thuộc huyện Nhơn Trạch, Long Thành.

“Việc chậm bàn giao mặt bằng sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ hoàn thành dự án. Nếu không được tháo gỡ sớm, các nhà thầu rất khó đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án đúng kế hoạch”, ông Hùng cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.