Thời sự Quốc tế

Tại sao Triều Tiên thử hệ thống tên lửa siêu thanh tối tân ngay đầu năm 2024?

15/01/2024, 20:00

Ngày 14/1, Triều Tiên công bố thử nghiệm tên lửa siêu thanh nhiên liệu rắn, tầm trung trong bối cảnh thế giới đang chứng kiên cuộc chạy đua phát triển thế hệ tên lửa mới khó phát hiện và đánh chặn.

Đột phá trong lần thử nghiệm tên lửa siêu thanh mới

Truyền thông nhà nước Triều Tiên cho biết cuộc thử nghiệm hôm 14/1 nhằm mục đích kiểm tra độ tin cậy của một loại tên lửa siêu thanh mới.

Hệ thống tên lửa siêu thanh Triều Tiên mới thử nghiệm phóng đầu đạn ở độ cao thấp, với tốc độ khoảng 6.200km/h, gấp hơn 5 lần tốc độ âm thanh.

Vụ thử nghiệm tên lửa siêu thanh của Triều Tiên ngày 14/1 (Ảnh: Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên)

Vụ thử nghiệm tên lửa siêu thanh của Triều Tiên ngày 14/1 (Ảnh: Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên)

Mặc dù vũ khí siêu thanh đạt tốc độ đáng kinh ngạc nhưng điểm mấu chốt của loại tên lửa Triều Tiên thử nghiệm vừa qua nằm ở tính cơ động. Khác với đầu đạn sử dụng trong vụ thử đầu tiên vào năm 2021, đến nay Triều Tiên đã nâng cấp vũ khí này trở thành đầu đạn hồi quyển tấn công đa mục tiêu độc lập (MaRV).

Không chỉ vậy, cuộc thử nghiệm còn kết hợp sử dụng hệ thống bắn phá quỹ đạo phân đoạn (FOBS), gây hạn chế thời gian phản ứng và ức chế hệ thống phòng thủ thông thường của đối thủ.

Theo Giáo sư Chang Young-keun, Đại học Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc, tên lửa siêu thanh tầm trung và tầm xa của Triều Tiên có khả năng phá vỡ hệ thống phòng thủ tên lửa và tấn công đảo Guam, căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ tại Thái Bình Dương.

Cuộc đua vũ khí siêu thanh toàn cầu

Các vụ thử tên lửa siêu thanh thế hệ mới của Triều Tiên là một phần trong cuộc đua loại vũ khí này. Những năm qua, các cường quốc thế giới đã cạnh tranh khốc liệt nhằm phát triển vũ khí siêu thanh.

Đầu năm 2021, Nga đã thử thành công tên lửa hành trình siêu thanh Tsirkon, loại vũ khí mà Tổng thống Vladimir Putin ca ngợi là bước ngoặt của hệ thống tên lửa thế hệ mới. Sau đó quân đội Nga cũng đã thử nghiệm tên lửa này trên các tàu ngầm và tàu khu trục.

Nga thử nghiệm tên lửa hành trình siêu thanh Tsirkon từ tàu khu trục (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga)

Nga thử nghiệm tên lửa hành trình siêu thanh Tsirkon từ tàu khu trục (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga)

Cũng trong năm đó, Trung Quốc đã thử nghiệm tên lửa siêu thanh có khả năng bay vào không gian. Nó đã thực hiện bay vòng quanh địa cầu, trước khi rơi xuống vị trí cách mục tiêu khoảng 30km.

Tháng 9/2021 cũng đánh dấu cuộc thử nghiệm thành công đầu tiên của Hoa Kỳ sau 8 năm phát triển vũ khí siêu thanh. Loại tên lửa siêu thanh của Mỹ còn có khả năng tự định hướng và duy trì lộ trình bay trong bầu khí quyển, tương tự như tên lửa hành trình.

Tại cuộc họp quan trọng của Đảng Lao động Triều Tiên vào tháng 1/2021, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã chỉ ra công tác phát triển vũ khí siêu thanh là một trong 5 nhiệm vụ chiến lược trọng yếu trong kế hoạch 5 năm nhằm tăng cường sức mạnh quân sự, bên cạnh nhiệm vụ phát triển tên lửa hành trình nhiên liệu rắn và tàu ngầm hạt nhân.

Tại sao Triều Tiên thử hệ thống tên lửa siêu thanh tối tân ngay đầu năm 2024?- Ảnh 3.

Phát triển vũ khí siêu thanh, tên lửa hành trình và tàu ngầm hạt nhân là những nhiệm vụ chiến lược trọng yếu trong kế hoạch 5 năm của Triều Tiên (Ảnh: Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên)

Một năm sau đó, Hàn Quốc báo cáo Triều Tiên đã thử nghiệm một tên lửa siêu thanh với tốc độ cực đại 12.348km/h, gấp 10 lần tốc độ âm thanh.

Không chỉ Triều Tiên và 3 cường quốc thế giới, nhiều nước châu Á cũng đang nỗ lực phát triển tên lửa tầm xa tiên tiến, trong bối cảnh chạy đua vũ trang có dấu hiệu tăng tốc khó lường.

Với khả năng lẩn trốn khỏi hệ thống cảnh báo sớm và đánh chặn tên lửa, vũ khí siêu thanh và FOBS sẽ là mối quan ngại quân sự lớn mà thế giới phải lưu tâm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.