Hỏi - Đáp

Tài xế vi phạm nồng độ cồn bỏ xe, không ký biên bản, CSGT có phạt được không?

26/10/2023, 05:30

Việc chứng minh vi phạm có thể được CSGT thực hiện qua chứng cứ khác như hình ảnh video từ camera, mời người làm chứng, người chứng kiến sự việc.

Liên hệ tới đường dây nóng của Báo Giao thông, bạn Hồ Thị Phương Thảo (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, đã thấy một số người điều khiển xe tham gia giao thông bị lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) phát hiện có nồng độ cồn trong cơ thể, nhưng quá trình làm việc, họ không đồng ý ký vào biên bản xử phạt vi phạm, mà bỏ lại phương tiện rồi rời đi. 

"Vi phạm nồng độ cồn mà tài xế bỏ xe, không ký biên bản, thì CSGT sẽ xử lý ra sao?", bạn Thảo hỏi.

Tài xế vi phạm nồng độ cồn nhưng bỏ xe, không ký biên bản bị xử lý ra sao? - Ảnh 1.

Chiếc xe bị CSGT Hà Nội tạm giữ sau khi tài xế vi phạm nồng độ cồn tối 20/10.

Trả lời bạn đọc, luật sư Nguyễn Tiến Dũng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ đang có hiệu lực thi hành, người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn sẽ bị phạt từ 2-8 triệu đồng (đối với xe máy), 6-40 triệu đồng (đối với xe ô tô).

Đối với tài xế vi phạm lỗi trên mà bỏ xe, không ký vào biên bản vi phạm, Nghị định 100 nêu rõ họ có thể bị phạt tiền từ 4-6 triệu đồng đối với cá nhân, từ 8-12 triệu đồng đối với tổ chức về hành vi cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của lực lượng thực thi công vụ.

Đáng chú ý, với những trường hợp bị xác định vi phạm nồng độ cồn mà từ chối hợp tác (không chấp hành yêu cầu đo qua thiết bị, không ký biên bản...), lực lượng chức năng hoàn toàn có quyền lập hồ sơ xử lý khi chứng minh được việc tài xế cản trở, không hợp tác.

Việc chứng minh có thể thông qua chứng cứ khác như hình ảnh video từ camera, còn mời người làm chứng, người chứng kiến sự việc chỉ là một trong nhiều biện pháp khác. Chứng minh vi phạm là nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng thực thi công vụ.

Thực tế, hiện nay lực lượng công an khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông được trang cấp thiết bị ghi âm, ghi hình để phục vụ các trường hợp chống đối, cản trở người thi hành công vụ. Đây được coi là một trong những nguồn chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm của tài xế.

Ngoài ra, Điều 5 Thông tư 153/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính đã nêu rõ, khi CSGT ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng cá nhân, tổ chức không nộp phạt trong thời hạn quy định, nếu quá thời hạn 10 ngày (kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt) thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt bằng các biện pháp như: Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản.

Cá nhân, tổ chức vi phạm chậm thực hiện còn có thể bị kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá. Đáng chú ý, với mỗi ngày chậm nộp phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% giá trị trên tổng số tiền phạt chưa nộp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.