Hàng không

Tân Sơn Nhất sắp thoát cảnh nghẽn đường lăn, sân đỗ nhờ "gói thầu vàng"

02/11/2023, 17:05

Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất bắt đầu triển khai kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung ứng thiết bị, phần mềm triển khai mô hình cơ sở dữ liệu hoạt động của sân bay.

Ngày 2/11, Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất cho biết đã bắt đầu triển khai kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung ứng thiết bị, phần mềm triển khai mô hình cơ sở dữ liệu hoạt động của sân bay (AODB - Airport Operational Database) và phối hợp ra quyết định khai thác (ACDM - Airport Collaborative Decision Making).

Đây là hai thuật ngữ chuyên ngành hàng không, mặc dù không phổ biến rộng rãi nhưng có sức ảnh hưởng cực kỳ lớn đến các hoạt động điều phối, vận hành tại các sân bay lớn nhất thế giới. Gói thầu đang triển khai được nhiều chuyên gia ví von là "gói thầu vàng" vì có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Cảng HKQT Tân Sơn Nhất.

Tân Sơn Nhất sắp thoát cảnh nghẽn đường lăn, sân đỗ nhờ "gói thầu vàng" - Ảnh 1.

Sân bay Tân Sơn Nhất sắp thoát cảnh nghẽn đường lăn, sân đỗ. Hành khách đi và đến cũng sẽ giảm thiểu tình trạng mòn mỏi đợi cất cánh hoặc bay chờ trên trời. (Ảnh: Tàu bay tại sân đỗ Cảng HKQT Tân Sơn Nhất chiều vào 1/11). Ảnh: Quốc Quang

Hiện nay, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là đơn vị chủ quản quản lý 21 cảng hàng không, trong đó Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TIA) liên tục hoạt động trong tình trạng quá tải công suất khai thác khiến xảy ra ùn ứ cục bộ, gây bất tiện cho hành khách.

Các quy trình hiện tại ở Tân Sơn Nhất chưa tối ưu hiệu quả khai thác do thông tin chưa thông suốt giữa các đơn vị, mỗi đơn vị thực hiện các quy trình riêng rẽ nên chưa tối ưu hóa các tài nguyên.

Bên cạnh đó, quá trình khai thác theo nguyên tắc "đến trước, phục vụ trước" dẫn đến nhiều trường hợp xáo trộn thứ tự khởi hành, nhiều tàu bay phải xếp hàng chờ đến lượt cất cánh, khó có thể kiểm soát được thời gian lăn.

Giữa hãng hàng không, đơn vị phục vụ mặt đất, cảng hàng không, đơn vị quản lý bay chưa có phương án tối ưu để chia sẻ thông tin về quá trình tàu bay quay đầu cũng như trạng thái hoãn chuyến theo thời gian thực.

Các đoàn công tác của Cảng đã tham khảo mô hình vận dụng AODB và ACDM tại sân bay quốc tế Changi (Singapore) và sân bay Brussels (Vương quốc Bỉ). 

Qua đó, dự kiến sau khi ứng dụng mô hình này, chủ lực là ACDM sẽ giúp nền tảng thông tin thông suốt, phối hợp chia sẻ thông tin theo quy trình thống nhất và đồng bộ giữa các mắt xích, giải quyết trọn vẹn các tồn tại của phương thức hiện hành.

Sau khi triển khai, ACDM sẽ giúp tối ưu hóa việc sử dụng cơ sở hạ tầng sân bay, cải thiện các chỉ số liên quan đến khai thác đúng giờ, giảm thiểu các kế hoạch phân bổ vị trí đỗ, quầy check-in, gate; tối ưu thời gian quay đầu của tàu bay, cải thiện khả năng dự báo tình huống và tiết kiệm thời gian bay, giảm thiểu tắc nghẽn trên đường lăn, sân đỗ; tối ưu thứ tự khởi hành, tiết kiệm nhiên liệu, nâng cao hiệu quả vận chuyển...

Nhờ ứng dụng ACDM, khách hàng sẽ được trải nghiệm những chuyến bay có tỷ lệ đúng giờ cao, hạn chế những tình huống bay vòng để chờ hạ cánh, giảm thiểu các tình huống tàu bay dừng chờ lâu trên đường băng, đồng thời công tác phục vụ hành lý, hàng hóa của chuyến bay sẽ được phục vụ tốt hơn… 

Ví dụ, trong trường hợp sân bay đến có mật độ bay quá dày hay thời tiết dự báo không thuận lợi, thay vì chuyến bay khởi hành theo kế hoạch và bay vòng trên trời để chờ tiếp thu thì sân bay đến (có ACDM) sẽ điều chỉnh lại giờ cất cánh cho phù hợp, khách chỉ phải chờ tại nhà ga đi. Tàu bay khởi hành theo thời gian mới, không phải bay vòng chờ tại nơi đến, tiết kiệm nhiên liệu cho hãng và thuận tiện hơn cho hành khách khi bay.

Chi phí gói thầu ứng dụng AODB và ACDM tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất được trích từ Quỹ đầu tư phát triển 2023 theo hình thức mời thầu cạnh tranh qua mạng. 

Thời gian thực hiện trong 140 ngày kể từ khi ký hợp đồng với đơn vị trúng thầu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.