Thời sự Quốc tế

Tân Tổng tư lệnh quân đội Ukraine đối mặt áp lực khổng lồ

11/02/2024, 08:26

Tân Tổng tư lệnh quân đội Ukraine Oleksandr Syrskyi vừa mới nhậm chức đã phải đối mặt với hàng loạt thách thức nan giải vốn khiến lực lượng Ukraine lâm vào bế tắc trên nhiều mặt trận.

Thiếu hụt vũ khí trầm trọng

Chia sẻ với báo giới, một số đơn vị đóng quân tại các trọng điểm giao tranh ở Donetsk và Kharkiv cho biết trong những tuần gần đây, đạn dược thường xuyên thiếu hụt, nhất là đạn pháo 155mm.

Nhiều lực lượng thậm chí chỉ được cung cấp đạn khói sau khi sử dụng hết các loại đạn có sức công phá lớn. Dù vậy nhiều binh lính, phải sử dụng vũ khí kém hiệu quả, dẫu vậy vẫn tốt hơn là không còn đạn pháo.

Trung tướng Kyrylo Budanov, lãnh đạo Cơ quan Tình báo Quân đội Ukraine, khẳng định, đạn dược là một trong những yếu tố sống còn của cuộc xung đột.

Thực tế, một lượng lớn vũ khí và đạn dược Ukraine sử dụng là từ nguồn tài trợ của Mỹ và phương Tây.

Tên lửa chống tăng Mỹ viện trợ cho Ukraine hồi tháng 2/2023 (Ảnh: Reuters)

Tên lửa chống tăng Mỹ viện trợ cho Ukraine hồi tháng 2/2023 (Ảnh: Reuters).

Tuy nhiên mới đây, gói viện trợ quân sự trị giá 61 tỷ USD của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn mắc kẹt tại Quốc hội, buộc Hoa Kỳ chỉ có thể tài trợ “nhỏ giọt” trong vài tháng tới, ảnh hưởng đến kế hoạch hoạt động của quân đội Ukraine.

Không chỉ vậy, Liên minh châu Âu (EU) cũng thừa nhận không có khả năng đạt được mục tiêu sản xuất 1 triệu quả đạn pháo cho Ukraine trong năm nay, gây ra những thiếu hụt trầm trọng về mặt vũ khí trên chiến trường.

“Nếu bạn hỏi một người lính ngoài mặt trận đang cần điều gì nhất, anh ta sẽ ngay lập tức trả lời là đạn pháo. Câu trả lời chính là tình trạng thiếu hụt đạn dược không chỉ trong những ngày gần đây, mà nó đã kéo dài suốt cả năm”, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba bày tỏ.

Nhiều chuyên gia đồng tình cho biết, ưu tiên trước mắt với lực lượng Ukraine phải là có đủ đạn pháo. Sở hữu mỗi quả đạn pháo đồng nghĩa với việc cần ít quân lính hơn để phòng thủ tại chiến tuyến.

Vì thế, việc khơi thông nguồn viện trợ quân sự Mỹ và thúc đẩy sản xuất vũ khí của châu Âu là ưu tiên hàng đầu nếu Ukraine muốn thoát thế phòng thủ để phản công.

Bị áp đảo về mặt quân số

Không chỉ lép vế về vũ khí đạn dược, tân Tổng tư lệnh Oleksandr Syrskyi mới đây cũng cho biết, lực lượng Ukraine đang bị đối phương áp đảo về mặt quân số.

Hiện số lượng quân nhân Nga trên các mặt trận lên tới 510.000 người và đều đang hoạt động hết công suất. Nga cũng sở hữu nguồn nhân lực dồi dào gấp 3 lần so với Ukraine, luôn sẵn sàng để bổ sung vào hàng ngũ quân đội.

Không chỉ vậy, Nga đang phát huy nhiều giải pháp hiệu quả nhằm giảm thiểu tối đa tác động của các lệnh trừng phạt quốc tế, cùng với nguồn thu từ dầu mỏ đã giúp quân đội Nga có thêm nguồn tài chính chi tiêu cho các hoạt động quân sự.

Từ đó, Nga có khả năng tiến hành liên tục các hoạt động quân sự với cường độ cao, khiến hàng loạt đơn vị Ukraine trên các mặt trận cao điểm như Donetsk và Kharkiv phải rút lui trước áp lực quá lớn từ đối phương.

Nhiều đơn vị của Ukraine phải rút lui trước áp lực quân số và sức mạnh của đối phương (Ảnh: AP)

Nhiều đơn vị của Ukraine phải rút lui trước áp lực quân số và sức mạnh của đối phương (Ảnh: AP).

Thực tế sau hai năm chiến đấu không ngừng nghỉ, các đơn vị tinh nhuệ chuyên nghiệp của Ukraine đã kiệt sức. Đội ngũ ngày càng mỏng đi và rời rạc vì thương vong nặng nề.

Theo ước tính của giới chức Mỹ, có tới 70.000 binh sĩ Ukraine thiệt mạng, trong khi số quân nhân bị thương gần gấp đôi.

Việc huy động bổ sung quân số chính là một trong những mấu chốt gây ra mâu thuẫn giữa ông Zelensky và ông Zaluzhny. Trước khi bị cách chức, vị cựu Tổng tư lệnh đã thẳng thắn nhận định quân đội Ukraine cần thêm 500.000 binh sĩ và chỉ trích những lỗ hổng luật pháp đã khiến nhiều công dân trốn tránh nghĩa vụ quân sự.

Trong khi đó, ông Zelensky lo ngại về khả năng của chính phủ trong việc chi trả cho đội quân thường trực khổng lồ, khi lương ở tiền tuyến cao gấp 6 lần mức lương trung bình khoảng 500 USD/tháng của người Ukraine, chưa kể đến những rủi ro chính trị.

Không khí bi quan bao trùm đất nước

Như Tổng thống Volodymyr Zelensky thừa nhận, không khí u ám và bi quan đã tràn ngập trên chiến tuyến cũng như giữa các đồng minh của Ukraine.

Từ cuối năm 2023, cựu Tổng Tư lệnh Zaluzhny liên tục đưa ra nhận xét trước công chúng về việc lực lượng Ukraine đang lâm vào bế tắc và rất có thể sẽ không đạt được bất kỳ đột phá nào trên các mặt trận.

Thực tế, người dân và binh lính đang kiệt sức, thực hiện chế độ “phòng thủ sâu”, trong khi các đồng minh tranh cãi nảy lửa về viện trợ, bộ máy chính quyền liên tục biến động. Tất cả khiến viễn cảnh Ukraine càng thêm ảm đạm.

“Tình hình mặt trận phía nam và khu vực Donetsk không có sự tiến triển, ảnh hưởng đến tâm lý người dân”, ông Zelensky cho biết tại cuộc trao đổi với tướng Zaluzhny.

Binh lính Ukraine đã chuyển sang chế độ

Binh lính Ukraine đã chuyển sang chế độ "phòng thủ sâu" (Ảnh: AFP).

Quả thực, theo cuộc khảo sát mới nhất tại Ukraine, tỷ lệ người dân cho rằng tình hình đang đi sai hướng đã tăng gấp đôi từ 16% vào tháng 5/2022 lên mức 33% vào tháng 12/2023.

Trong khi đó, vị tướng mới của quân đội Ukraine cũng không hoàn toàn nhận được sự ủng hộ và mến mộ của quần chúng.

Bản thân ông Syrskyi đã chỉ huy các lực lượng trên bộ kể từ khi xung đột bùng nổ, nhưng bị phê bình nặng nề khi mở rộng tuyến phòng thủ Bakhmut, khiến nhiều binh sĩ thiệt mạng.

Sau vụ việc, nhiều người cấp dưới của ông Syrskyi đã chỉ trích ông là người thiếu sự đồng cảm, thậm chí gọi ông là “Tướng 200” (200 là mã quân sự cho các binh lính tử trận).

Nhiệm vụ cấp bách dành cho tân Tổng tư lệnh

Theo tờ CNN, hàng loạt thách thức nêu trên cho thấy một trong những nhiệm vụ cấp bách nhất ông Syrskyi phải làm là ổn định tiền tuyến.

Trong đó nòng cốt phải là ưu tiên bổ sung lực lượng tinh nhuệ cho các lữ đoàn trọng yếu, thúc đẩy quá trình sản xuất và vận chuyển đạn dược từ phương Tây đến chiến trường.

Đại tướng Oleksandr Syrskyi (bên trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (bên phải). (Ảnh: Reuters)

Đại tướng Oleksandr Syrskyi (bên trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (bên phải). (Ảnh: Reuters).

Ngoài ra, vị tướng mới cũng cần tập trung vào các chiến lược tấn công tầm xa nhằm vào cơ sở hạ tầng của đối phương như kho nhiên liệu, căn cứ quân sự, tích hợp máy bay chiến đấu F-16 vào chiến lược quân sự, cũng như nghiên cứu phát triển hệ thống vũ khí không người lái thế hệ mới.

Về mặt chính trị nội bộ, giới lãnh đạo Ukraine trước mắt phải thể hiện tinh thần đoàn kết sau những biến động liên tục trong suốt năm qua, theo CNN

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.