Quản lý

Tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực lĩnh vực GTVT

28/11/2023, 07:00

Bộ GTVT tăng cường công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực tại các cơ quan, đơn vị, nâng cao chất lượng kiểm tra để tăng cường quản lý nhà nước, phòng ngừa từ sớm, từ xa.

Đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện thực chất tại từng cơ quan, đơn vị

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng vừa ký ban hành Văn bản số 13377/BGTVT-Ttr ngày 23/11/2023 về đôn đốc, hướng dẫn thực hiện công tác kiểm tra trong các đơn vị thuộc Bộ.

Ông Lâm Văn Hoàng, Chánh thanh tra Bộ GTVT cho biết, đây là văn bản mới nhất của Bộ nhằm tăng cường công tác kiểm tra nói riêng, để nâng cao công tác quản lý và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa nói chung. 

Thời gian qua, Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng, tập thể lãnh đạo Bộ GTVT rất quan tâm, đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quyết liệt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC).

Từ năm 2020 đến nay, Ban Cán sự đảng, Bộ GTVT đã ban hành 45 văn bản để quán triệt, triển khai, hướng dẫn thực hiện về công tác PCTN, TC trong toàn ngành. Đặc biệt, gần đây Ban Cán sự đảng Bộ đã ban hành Nghị quyết số 50 về tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Bộ trưởng ban hành Đề án Nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030. 

Cùng đó, để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, Ban Cán sự đảng Bộ ban hành Chỉ thị số 02-CT/BCSĐ, ngày 20/3/2023 về tăng cường và nâng cao chất lượng công tác kiểm tra của Bộ GTVT; cụ thể là tăng cường các cuộc kiểm tra theo văn bản số 13377/BGTVT-Ttr ngày 23/11/2023 của Bộ trưởng.

Đây là hệ thống những văn bản chi tiết, cụ thể, quá trình xây dựng công phu có tổng kết từ thực tiễn của Bộ, có cập nhật các chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng và quy định pháp luật của Nhà nước để xây dựng, nhằm triển khai thực hiện thực chất tại Bộ và các cơ quan, đơn vị trực thuộc. Yêu cầu đặt ra là phải tổ chức triển khai thực hiện phải có sản phẩm cụ thể, phù hợp tại từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để mang lại hiệu quả thiết thực; định kỳ phải kiểm tra, theo dõi, đôn đốc thực hiện theo đúng hương châm công tác PCTN, TC cấp bách, lâu dài, thường xuyên, liên tục, từ sớm, từ xa.

Bộ GTVT cũng đang kiện toàn Ban chỉ đạo PCTN, TC và tội phạm của Bộ và đẩy mạnh công tác tuyên truyền các nghị quyết của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là của Ban Cán sự đảng và Bộ trưởng trong công tác này. Theo đó, đã ban hành Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến nội dung công tác PCTN, TC của Bộ GTVT.

Triển khai thực hiện kế hoạch tuyên truyền, đến nay Thanh tra Bộ GTVT đã phối hợp với trường Quản lý cán bộ GTVT và các cơ quan, đơn vị tổ chức 8 hội nghị quán triệt cho toàn thể cán bộ chủ chốt của các cơ quan, đơn vị của Bộ và của Cục Đường bộ VN, Tổng công ty Quản lý bay VN, Cục Hàng không VN, Cục Hàng hải VN, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam, Cục Đường thủy nội địa VN, Viện Khoa học và công nghệ GTVT với trên 6.000 công chức, viên chức, người lao động tham dự.

Phòng ngừa tham nhũng từ sớm, từ xa

Chánh thanh tra Lâm Văn Hoàng nhấn mạnh, một trong những giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực là phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp có thẩm quyền. 

Thời gian qua Bộ GTVT đã triển khai mạnh công tác thanh tra có trọng tâm, trọng điểm; những nội dung có dư luận hoặc tiềm ẩn tiêu cực đã được thanh tra theo kế hoạch và đột xuất. Nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra diện rộng trên toàn quốc, qua đó kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế nhiều văn bản quy phạm pháp luật để tăng cường quản lý Nhà nước và chấn chỉnh kịp thời nguy cơ tham nhũng, tiêu cực.

"Bên cạnh việc thanh tra quyết liệt, thì việc tăng cường các cuộc kiểm tra của các cục và vụ là rất quan trọng trong công tác tăng cường quản lý Nhà nước và phòng ngừa từ xa, từ sớm tham nhũng, tiêu cực. Chính vì vậy Ban Cán sự đã ban hành Chỉ thị 02 và mới đây nhất là văn bản hướng dẫn số 13377 nhằm yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra cả về số lượng và chất lượng", ông Lâm Văn Hoàng cho biết.

Tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực lĩnh vực GTVT - Ảnh 2.

Thanh tra Bộ GTVT đã phối hợp với trường Cán bộ quản lý GTVT tổ chức 8 hội nghị tuyên truyền, phổ biến các văn bản về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Cụ thể, Chỉ thị số 02-CT/BCSĐ về tăng cường và nâng cao chất lượng công tác kiểm tra của Bộ GTVT yêu cầu phải nắm bắt, nhận diện những vấn đề tiềm ẩn để chấn chỉnh và xây dựng kế hoạch kiểm tra; tăng cường kiểm tra, giám sát đột xuất; Phải rà soát, tham mưu hoàn thiện cơ chế chính sách, quy trình, quy định nội bộ để khắc phục sơ hở, chú trọng các lĩnh vực nhạy cảm.

Về trách nhiệm người đứng đầu, Chỉ thị 02 nêu rõ: Thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm khi không kịp thời nhận diện, kiểm tra. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, tổ chức đảng làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, công tác tư tưởng; quán triệt văn bản về PCTN, TC. Nâng cao chất lượng kiểm tra, chú trọng xây dựng chương trình, phương pháp, nội dung cụ thể; sau kiểm tra phải kịp thời chấn chỉnh, khắc phục, cảnh báo chung; nghiêm cấm lợi dụng kiểm tra để gây phiền hà, sách nhiễu...

Về công tác kiểm tra, triển khai Đề án "Nâng cao hiệu lực, hiệu quả PCTN, TC giai đoạn 2023-2025 và định hướng đến năm 2030 của Bộ GTVT", nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, cụ thể hóa bằng Chỉ thị 02; đồng thời tránh trùng lặp, chồng chéo về nội dung, đối tượng, thời gian giữa các đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và không làm cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng kiểm tra, Văn bản 13377 đã có hướng dẫn cụ thể, từ quy định chung đến các nội dung cụ thể: Về quyết định kiểm tra; Chuẩn bị và tiến hành kiểm tra; Báo cáo kiểm tra, văn bản chỉ đạo; Lưu trữ hồ sơ kiểm tra và theo dõi, đôn đốc sau kiểm tra.

Theo đó, yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tổ chức kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý; việc chấp hành chính sách, pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực do đơn vị mình phụ trách để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước.

Việc tiến hành kiểm tra được thực hiện theo quyết định kiểm tra của người có thẩm quyền theo quy định pháp luật; bảo đảm khẩn trương, kịp thời, có mục đích phòng ngừa từ sớm, từ xa nhằm tránh dẫn đến các sai sót, vi phạm pháp luật; khi thực hiện phải khách quan, minh bạch, chính xác.

Công tác kiểm tra phải được chuẩn bị kỹ lưỡng về chương trình, phương pháp và nội dung kiểm tra; kết thúc kiểm tra phải chỉ ra được những ưu điểm, tồn tại, hạn chế (nếu có), kiến nghị giải pháp khắc phục.

Nghiêm cấm lợi dụng việc kiểm tra để gây sách nhiễu, cản trở hoạt động của cơ quan, đơn vị. Khi có thông tin, phản ánh về những vấn đề tiêu cực, vi phạm, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao (hoặc được phân công, phân cấp, ủy quyền) phải chủ động, kịp thời tiến hành kiểm tra ngay. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm, đoàn kiểm tra áp dụng theo thẩm quyền; tham mưu trình người ký quyết định kiểm tra áp dụng hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp để xử lý kịp thời hành vi vi phạm; nếu có dấu hiệu tội phạm thì chuyển thông tin, hồ sơ vụ việc, tài liệu có liên quan đến cơ quan điều tra để xem xét, xử lý; trường hợp cần thiết thì đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, tiến hành thanh tra theo quy định pháp luật.

Các cục thuộc Bộ GTVT có chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành, được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành phải thực hiện thanh tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật; tăng cường các cuộc kiểm tra thường xuyên và đột xuất.

"Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về việc chủ động nhận diện những vấn đề, nội dung tiềm ẩn nguy cơ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, lĩnh vực được giao phụ trách để kịp thời tham mưu, tiến hành kiểm tra, góp phần tăng cường công tác quản lý Nhà nước và phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa", Bộ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo.

Kế hoạch phòng, chống tham nhũng phải gắn với nhiệm vụ chính trị trọng tâmKế hoạch phòng, chống tham nhũng phải gắn với nhiệm vụ chính trị trọng tâm

Bộ GTVT quán triệt các văn bản về phòng, chống tham nhũng, yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch cụ thể, kiểm đếm kết quả thực hiện.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.