Chuyện dọc đường

Tăng tốc độ, tăng lợi ích

Lâu nay, có khá nhiều ý kiến liên quan đến việc lưu thông trên một số tuyến cao tốc với tốc độ tối đa cho phép 80km/h là quá chậm. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên nghĩ rằng đã đi cao tốc thì phải được chạy nhanh.

Tăng tốc độ, tăng lợi ích - Ảnh 1.

Tăng 10% tốc độ mà đảm bảo an toàn cũng đồng nghĩa với việc giảm 10% thời gian đi lại, tăng 10% hiệu quả logistics và cũng có thể tăng thêm 10% lưu lượng trên đường

Một chức năng rất quan trọng có tính chất vượt trội của đường cao tốc là phục vụ vận tải đường dài bằng ô tô, sao cho thời gian chạy được rút ngắn, thuận tiện và an toàn so với chạy trên quốc lộ.

Quy định tốc độ xe ở tuyến đường mức độ thấp, năng lực thông quan cũng sẽ giảm theo, tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc giao thông, tăng mức tiêu thụ nhiên liệu và tăng ô nhiễm môi trường.

Tuy vậy, có nhiều người hiểu cao tốc là phải chạy tốc độ cao. Điều đó chưa hẳn chính xác, bởi còn phải tùy theo điều kiện địa hình, khúc quanh, mật độ và lưu lượng để quy định tốc độ khác nhau. Không phải ở Việt Nam mà trên thế giới cũng vậy.

Hiện nay, Việt Nam có tiêu chuẩn thiết kế cao tốc với 4 giới hạn tốc độ, 120-100-80-60km/h. Tiêu chuẩn này phụ thuộc vào yếu tố kỹ thuật. Nếu tuyến đường được đầu tư đồng bộ thì tốc độ có thể lên tới 120km/h như Hà Nội - Hải Phòng, Hạ Long - Móng Cái, Cầu Giẽ - Ninh Bình; hoặc tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ 100km/h.

Về tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế đường cao tốc của Việt Nam cũng như quốc tế có hai loại tốc độ gồm tốc độ thiết kế và tốc độ khai thác. Tốc độ thiết kế để tính toán các tiêu chuẩn kỹ thuật hình học giới hạn chủ yếu của đường trong trường hợp khó khăn về địa hình và khác với tốc độ lưu hành cho phép.

Còn tốc độ khai thác phụ thuộc tình trạng thực tế, chức năng, tình trạng kỹ thuật của đường, điều kiện lưu thông và địa hình, khí hậu, thời tiết... Cơ quan quản lý đường thường xuyên đánh giá để điều chỉnh, lựa chọn tốc độ khai thác phù hợp với từng giai đoạn khai thác.

Chúng ta đã đổ hàng nghìn tỷ đồng xây đường cao tốc là để rút ngắn thời gian đi lại cho người dân, tiết kiệm chi phí xã hội. Việc Bộ GTVT dự kiến nâng tốc độ ở các tuyến cao tốc phân kỳ đầu tư lên 90km/h là chủ trương đúng và rất cần thiết.

Chắc chắn Bộ GTVT đã tính toán đáp ứng được những yêu cầu kỹ thuật để đảm bảo làm sao chạy với tốc độ cao liên tục, an toàn.

Nếu tăng 10% tốc độ mà đảm bảo an toàn cũng đồng nghĩa với việc giảm 10% thời gian đi lại, tăng 10% hiệu quả logistics và cũng có thể tăng thêm 10% lưu lượng trên đường. Đó là những lợi ích thiết thực của việc nâng giới hạn tốc độ tối đa lưu thông trên cao tốc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.