Thị trường

Tạo lực đẩy tiết kiệm điện

24/08/2023, 15:47

Các giải pháp tiết kiệm điện đã được đặt ra, song làm thế nào để các giải pháp đạt hiệu quả thì lại cần một lực đẩy đủ mạnh.

Chúng ta đã có các giải pháp tiết kiệm điện cho người dân và các doanh nghiệp. Thậm chí dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện đang được Bộ Công thương lấy ý kiến cũng hướng đến mục tiêu khuyến khích việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả hơn… Song làm thế nào để các giải pháp đạt hiệu quả thì lại cần một lực đẩy đủ mạnh!.

Tiết kiệm điện ngay cả khi không thiếu điện

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lấy thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là chủ đề của năm 2023. Xác định đây là nhiệm vụ xuyên suốt, có tính chiến lược lâu dài, EVN hướng đến mục tiêu lan tỏa mạnh mẽ thông điệp “Tiết kiệm điện - thành thói quen”, thực hành tiết kiệm điện không chỉ những lúc thiếu điện mà thực hành mọi lúc, mọi nơi với mọi đối tượng.

img

Ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN.

Ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN khẳng định, EVN xác định là đơn vị đi đầu trong các hoạt động sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm trong xã hội; đóng vai trò là tập đoàn tiên phong, chủ động trong thực hiện các chính sách, quy định của Nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nói chung và sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm nói riêng.

Thực tế, khi Bộ Công thương phát động tiết kiệm điện, EVN thống kê từ ngày 17/5-16/6, cả nước tiết kiệm được hơn 226 triệu kWh (chỉ tính riêng nhóm khách hàng hành chính sự nghiệp, chiếu sáng công cộng, chiếu sáng quảng cáo trang trí ngoài trời và cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm). Sản lượng điện tiết kiệm này đã góp phần tích cực trong đảm bảo cân bằng cung - cầu điện.

Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó chánh văn phòng Ban Chỉ đạo tiết kiệm năng lượng, Phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công thương), lưu ý miền Bắc vừa qua đối mặt với thực trạng thiếu điện nghiêm trọng, không loại trừ tình huống cực đoan này có thể lặp lại trong những năm tiếp theo.

Do vậy, Phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng kêu gọi các đơn vị sẵn sàng triển khai các giải pháp về thực hành tiết kiệm điện thường xuyên và liên tục, đặc biệt trong cao điểm mùa nắng nóng. Trong đó, ông nhấn mạnh phải tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân, các doanh nghiệp... chủ động thực hành tiết kiệm điện. Việc này cần tạo thành thói quen ngay cả khi không thiếu điện.

Cần “mở khoá” rào cản

Việc tiết kiệm điện đầu tiên phải xuất phát từ ý thức, nhưng để ý thức trở thành hành động lại cần “mở khoá” những điểm nghẽn hiện hữu.

Đưa ra cái nhìn tổng quan về điểm nghẽn hiện nay, ông Chu Bá Thi, Chuyên gia năng lượng cao cấp, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB), cho rằng, tình trạng sử dụng năng lượng ở Việt Nam còn rất lãng phí, cường độ sử dụng năng lượng trên GDP của nước ta rất cao so với bình quân trên thế giới, cao hơn cả Trung Quốc. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có xu thế sử dụng nhiều tài nguyên đặc biệt là năng lượng.

Do đó, cần chấm dứt sử dụng năng lượng lãng phí và cần cải thiện hơn chất lượng sử dụng năng lượng, hướng đến sử dụng năng lượng hiệu quả và thông minh hơn.

img

Ông Chu Bá Thi, Chuyên gia năng lượng cao cấp, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.

Dẫn đánh giá của Hiệp hội Năng lượng quốc tế, vị chuyên gia cho hay, các giải pháp hiệu quả năng lượng có thể tránh được 40-50% tổng lượng phát thải ở Việt Nam. Với nghiên cứu của WB, nếu Việt Nam thực hiện toàn diện các giải pháp pháp tiết kiệm năng lượng có thể tránh không phải xây dựng khoảng 12GW các nguồn phát mới.

Ngoài ra, các giải pháp tiết kiệm năng lượng là các giải pháp có chi phí thấp nhất, chỉ bằng 1/4 chi phí xây dựng các nguồn phát mới.

Theo chuyên gia Chu Bá Thi, ngành năng lượng đang đối mặt đồng thời hai thách thức lớn đó là đảm bảo cung cấp an toàn điện với giá hợp lý để người dân và doanh nghiệp có thể đáp ứng, vừa phải thực hiện chuyển dịch năng lượng với cam kết trung hoà carbon vào năm 2050.

Như vậy, áp lực về hạ tầng và tài chính cho ngành điện trong thời gian tới là rất lớn. Quy mô của hệ thống điện trong 10 năm tới sẽ tăng gấp đôi. TKNL có vai trò rẩt quan trọng cần đặt ra như vấn đề cấp bách để đảm bảo an ninh năng lượng và giảm áp lực cung cấp điện của ngành điện.

Hiện các ngành công nghiệp của Việt Nam đang chiếm hơn 50% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc, với tiềm năng tiết kiệm năng lượng lên tới 20-30%. Vì thế, đây là lĩnh vực cần được lưu tâm.

Theo nghiên cứu sơ bộ của WB, chỉ cần áp dụng các biện pháp hợp lý hoá quy trình sản xuất; thay thế, cải tạo, nâng cấp các thiết bị cũ, sử dụng hệ thống chiếu sáng hiệu suất cao… là đã có thể tiết kiệm từ 15-30% nguồn năng lượng hiện hữu tại các phân xưởng, nhà máy sản xuất. Nếu đầu tư công nghệ đồng bộ, tiêu tốn ít điện năng thì khả năng tiết kiệm năng lượng còn cao hơn nhiều.

Song, việc áp dụng một phần hay đồng bộ các giải pháp TKNL đều cần một nguồn vốn lớn.

Vì thế, để thúc đẩy TKNL trong các ngành công nghiệp Việt Nam, ông Chu Bá Thi cho rằng, Nhà nước cần có những khuyến khích ưu đãi về tài chính, những chính sách để doanh nghiệp có thể tiếp cận được các nguồn vốn giá rẻ hơn.

“Có thể nói thúc đẩy thị trường TKNL là việc khó và gặp nhiều rào cản bao gồm: nguồn tài chính, chính sách, khuôn pháp lý”, chuyên gia WB nhấn mạnh.

Tìm cách tận dụng vốn giá rẻ

Chính sách và khuôn khổ pháp lý thuộc nghiên cứu của Nhà nước, còn nguồn vốn, ông Chu Bá Thi cho biết, cần tìm cách tận dụng sử ủng hộ của các tổ chức vay vốn giá rẻ.

Ông dẫn chứng, trước đây WB và Bộ Công thương đã thực hiện thành công "Dự án Tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam - Dự án VEEIE” cung cấp một khoản vay 100 triệu USD thông qua hai Ngân hàng Thương mại là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) cho các doanh nghiệp công nghiệp, các nhà cung cấp dịch vụ năng lượng thực hiện các dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng.

Dự án VEEIE đã kết thúc và đã giúp cải thiện, nâng cao việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam.

Hiện tại, WB tiếp tục hỗ trợ Việt Nam cải thiện chất lượng sử dụng năng lượng thông qua “Dự án Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam - Dự án VSUEE”.

Dự án VSUEE do Quỹ Khí hậu Xanh tài trợ uỷ thác qua WB, Bộ Công thương là cơ quan chủ quản quản lý dự án.

Dự án này có tổng kinh phí là 11,3 triệu USD, tương đương khoảng 252 tỷ đồng. Kinh phí bao gồm: Hợp phần 1, vận hành Quỹ chia sẻ rủi ro (RSF) 3 triệu USD và hợp phần 2, hỗ trợ kỹ thuật 8,3 triệu USD. Thời gian thực hiện dự án từ tháng 3/2022 đến tháng 1/2026.

Ngoài ra, Quỹ Khí hậu Xanh tài trợ một khoản vay có hoàn trả là 75 triệu USD để thành lập Quỹ RSF, nhằm cung cấp bảo lãnh tín dụng cho các dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng của Việt Nam thông qua Đơn vị quản lý quỹ chia sẻ rủi do (PIE). Quỹ RSF sẽ cấp bảo lãnh cho 50% khoản vay của ngân hàng thương mại cho các doanh nghiệp công nghiệp để đầu tư cải tiến công nghệ, giảm tiêu thụ năng lượng.

Dự án này được xây dựng từ ý tưởng sáng tạo kết hợp hỗ trợ kỹ thuật và Quỹ chia sẻ rủi do lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam nhằm huy động tài chính từ khu vực tư nhân với các điều kiện vay tốt hơn.

Hiện Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đang triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp gia tăng cơ hội tiếp cận nguồn vốn đầu tư nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng và tiết kiệm năng lượng trong quá trình sản xuất. Đây là hoạt động thuộc Dự án VSUEE cho khoản vay có hoàn trả là 75 triệu USD.

img

Các nhà máy xi măng tận dụng nhiệt thừa, khí thải từ quá trình sản xuất để phát điện.

Bà Ngô Thu Hà, Tổng giám đốc Ngân hàng SHB cho biết, một số dự án SHB đã đồng hành và tài trợ như: Dự án của các doanh nghiệp sản xuất xi măng đầu tư lắp đặt hệ thống phát điện nhiệt dư, tận dụng nhiệt thừa, khí thải từ quá trình sản xuất để phát điện;

Dự án của nhà máy mía đường, tái sử dụng chất thải và sản phẩm phụ, tự sản xuất điện từ bã mía để sử dụng 1 phần cho nhà máy, phần còn lại hòa vào lưới điện quốc gia;

Dự án đầu tư hệ thống đường dây truyền tải, phát triển lưới điện, trạm phân phối điện, từng bước tự động hóa lưới điện phân phối của EVN…

Không chỉ vậy, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững cho biết, triển khai Dự án VSUEE, Bộ Công thương cũng thông qua mạng lưới tư vấn chuyên gia quốc tế và chuyên gia trong nước sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc đánh giá cơ hội đầu tư, kiểm toán năng lượng cũng như hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo đầu tư cho các giải pháp tiết kiệm năng lượng.

Nhằm tăng cường tiết kiệm điện trong giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo, ngày 8/6, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 20/CT-TTg nêu rõ mục tiêu: Trong cả nước phải phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2,0% tổng điện năng tiêu thụ; giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện (dưới 6% vào năm 2025);

Giảm bớt công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện quốc gia thông qua thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện (DSM) và điều chỉnh phụ tải điện (DR), ít nhất 1.500MW vào năm 2025;

Phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu;

Đến hết năm 2025, phấn đấu 100% chiếu sáng đường phố sử dụng đèn LED…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.