Đường sắt

Tàu hàng liên vận quốc tế qua ga Đồng Đăng thế nào?

23/03/2022, 15:39
image

Tàu hàng liên vận quốc tế qua ga cửa khẩu Đồng Đăng được làm thủ tục nhanh chóng, đảm bảo phòng dịch.

img

Ghi nhận của PV Báo Giao thông tại ga Đồng Đăng ngày 22/3/2022, tàu hàng liên vận quốc tế vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu về ga Đồng Đăng được tổ chức chặt chẽ trong đảm bảo hàng hóa, phòng dịch và các thủ tục hải quan. Ảnh: Tàu liên vận với hơn 20 toa xe hàng từ ga Bằng Tường sang chạy chậm trong ga Đồng Đăng.

img

Nhân viên trực ban chạy tàu ga phải hướng dẫn lái tàu điều khiển đoàn tàu di chuyển chậm để đảm bảo an toàn. Ngay sau khi tàu dừng, các nhân viên đường sắt Trung Quốc đi theo tàu trong trang phục bảo hộ phòng dịch Covid-19 kín mít thực hiện giao tiếp hồ sơ, giấy tờ hàng hóa với nhân viên đường sắt Việt Nam tại một bàn làm việc bố trí trên sân ga để tránh tiếp xúc. Hoạt động này được diễn ra dưới sự giám sát của các chiến sĩ biên phòng Việt Nam. Sau khi bàn giao, các nhân viên đường sắt Trung Quốc quay trở về đầu máy, toa trưởng tàu để kéo tàu hàng từ ga Đồng Đăng sang ga Bằng Tường, không lưu lại ga.

img

Trao đổi với PV, ông Phạm Đức Khái, Giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt kiêm Trưởng ga liên vận quốc tế Đồng Đăng cho biết, từ giữa năm 2021 đến nay, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Trung Quốc đi qua cửa khẩu đường sắt ga Đồng Đăng tăng trưởng mạnh. Năm 2021 tăng trưởng 84% so với năm 2020. Hai tháng đầu năm 2022, sản lượng khoảng 150.000 tấn, tăng gần gấp đôi cùng kỳ 2021. Xu hướng thời gian tới tiếp tục tăng cao. Ảnh: Các nhân viên đường sắt Việt Nam đi kiểm đếm toa xe, kiểm tra tình trạng toa xe, niêm phong kẹp chì bảo vệ hàng.

img

Hiện nay giữa ga Đồng Đăng và ga Bằng Tường (Trung Quốc) chạy khoảng 5 đôi tàu/ngày. Còn theo Nghị định thư đường sắt giữa hai nước, hàng ngày được phép chạy 6 đôi, như vậy vẫn còn dư địa để tăng tàu. Tuy nhiên, năng lực đường sắt Việt Nam chưa đáp ứng được do hạ tầng kho bãi kém. Ảnh: Nhân viên kiểm dịch thực hiện phun khử khuẩn toàn bộ toa xe trước khi làm các thủ tục hải quan.

img

Bà Cao Hoài Phương, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan ga Đồng Đăng cho biết, chỉ tính riêng từ 1/1 đến 15/3/2022, tại chi cục đã làm thủ tục cho hàng hóa xuất nhập khẩu với kim ngạch 43 triệu USD, tăng 43% so cùng kỳ 2021; Thu thuế xuất nhập khẩu hàng hóa thực hiện được hơn 77 tỉ đồng, tăng 23,7%. Ảnh: Các lực lượng chức năng như biên phòng, hải quan cùng nhân viên đường sắt đi kiểm tra thực tế toa xe, hàng theo tờ khai để tiến hành làm thủ tục hải quan.

img

Ông Chan Kwok Ming, Giám đốc Tập đoàn Logistics Crystal cho biết, tập đoàn sử dụng dịch vụ vận chuyển đường sắt hàng xuất nhập khẩu qua cửa khẩu ga Đồng Đăng với kế hoạch hơn 280 container/tháng. “Chúng tôi hài lòng với dịch vụ của đường sắt, chuyên chở an toàn. Tuy nhiên, thời gian hành trình đưa hàng còn dài. Đường sắt Việt Nam cần làm việc với đối tác đường sắt Trung Quốc để rút bớt thời gian vận chuyển”, ông Chan Kwok Ming nói. Ảnh: Các đường sắt trong ga Đồng Đăng đầy toa xe hàng, chờ làm thủ tục, lập tàu, chỉ chừa một đường để đón, gửi tàu.

img

Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, Tổng công ty đang rốt ráo thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 25/NQ-CP ngày 7/3/2022 về việc xây dựng phương án nâng cao năng lực, sản lượng vận tải đường sắt liên vận quốc tế, phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa, trong đó có mở rộng, nâng cấp hạ tầng ga. Ảnh: Bãi hàng ga Đồng Đăng được đầu tư từ năm 1992, chưa được cải tạo, nâng cấp nên lầy lội, không đủ tiêu chuẩn xếp - dỡ container

img

“Tổng công ty Đường sắt VN đang xây dựng phương án để trình các cấp có thẩm quyền để nâng cao năng lực kho bãi, hạ tầng tại các ga hàng hóa, từ đó giảm thời gian xếp dỡ, giảm chi phí vận tải nói riêng, chi phí logistics nói chung. Cùng đó sẽ tăng toa xe, vỏ container, bố trí đầu máy lớn để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Kỳ vọng năm 2023, sản lượng sẽ tăng trưởng 100% so với năm 2022”, ông Vũ Anh Minh nói. Ảnh: Bãi hàng chỉ được đầm tạm để xe container vào nên chật chội, bụi mù mịt.

img

Ông Mai Hoàng Long, Phó TGĐ Công ty CP Vận tải và thương mại đường sắt cho biết, hàng xuất nhập khẩu vận chuyển bằng đường sắt qua cửa khẩu ga Đồng Đăng thời gian qua tăng trưởng khoảng 200%. Hiện ngoài một số mặt hàng chính xuất đi Trung Quốc, châu Âu là quặng, điện tử, dệt may, nội thất, có thêm các mặt khác trong nước như tinh bột sắn, than (than ép từ đốt sơ dừa)... và các mặt hàng quá cảnh từ Lào, Thái Lan. Nhưng năng lực bãi hàng, đường ga hiện chưa đáp ứng được. Ảnh: Đường xếp dỡ trong ga Đồng Đăng ngắn, xếp được ít toa xe, lại xuống cấp.

img

Theo ông Long, để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, đường sắt cần nâng cấp kho bãi, nhất là kho bãi đủ điều kiện để vận chuyển hàng xuất nhập khẩu như bãi container, làm thủ tục hải quan; Trước mắt là đối với một số ga trên tuyến Hà Nội - Đồng Đăng như Yên Viên, Kép, Đồng Đăng. Lâu dài cần nâng cấp các ga đủ điều kiện tại miền Trung, miền Nam để làm ga đầu mối, lập tàu liên vận quốc tế. Ảnh: Đường bộ vào bãi hàng ga Đồng Đăng cũng hẹp, lầy lội, ổ trâu, không đáp ứng yêu cầu cho xe container, xe tải lớn vào xếp dỡ.

Video tàu hàng liên vận quốc tế tại ga Đồng Đăng:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.