Thị trường

Tết ở thủ phủ hạt điều Bình Phước

15/02/2024, 19:20

Những ngày Tết cũng chính là thời gian điều vào vụ ở tỉnh Bình Phước. Người dân nơi đây vừa đón Tết vừa chăm chút vườn điều của mình, chuẩn bị thu hoạch.

Hành trình 40 năm gắn bó với cây điều

Tranh thủ những ngày đầu tết Giáp Thìn, ông Nguyễn Hùng ở phường Long Phước, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước sắp xếp đi chúc Tết họ hàng. Thời gian còn lại ông vào thăm nom vườn điều của mình.

Ông Hùng bảo, năm nay trời nắng nhiều, khí hậu thuận lợi, bông trổ đều, tỷ lệ trái đậu cao khiến người trồng điều khấp khởi mừng. Ai nấy đều mong đợi một vụ mùa bội thu.

Tết ở thủ phủ hạt điều Bình Phước- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hùng thăm vườn điều trong những ngày đầu năm.

Ông Hùng là một trong số những nông dân gắn bó với cây điều gần 40 năm qua ở xứ sở này. Chính xác hơn là ở thời điểm người dân trồng điều theo phong trào mà chưa thực sự biết và mong chờ sự ổn định vào loại cây công nghiệp này.

Ngược về những năm thập niên 80, gia đình ông Hùng và nhiều người thân trong dòng họ từ Thừa Thiên - Huế vào Nam theo diện kinh tế mới. Tỉnh Bình Phước thuở ấy (tỉnh Sông Bé, bao gồm cả tỉnh Bình Dương ngày nay) là một một vùng hoang vắng với bạt ngàn những cánh rừng tre lồ ô, cỏ tranh cao quá đầu người.

Với sức người và dao rựa, cuốc thuổng, dòng người đi kinh tế mới khai phá đất rừng và canh tác cho đến nay. Gia đình ông Hùng khai phá được hơn 4ha đất. Ban đầu, họ trồng cây ngắn ngày như đậu, bắp, lúa, bo bo… Rồi được nhiều người mách bảo, ông Hùng quyết định trồng hạt điều.

"Những người đi trước bảo cứ thả hạt điều xuống, không cần công chăm sóc gì cả. Khi cây có trái thể nào cũng thu hoạch đủ tiền đi chợ.

Thấy người ta trồng, mình cũng trồng. Đến nay, vườn điều nhà tôi đã 37 năm tuổi, những gia đình trồng trước thì phải trên 40 năm", ông Hùng kể.

Tết ở thủ phủ hạt điều Bình Phước- Ảnh 2.

Hạt điều đã giúp nông dân Bình Phước có cuộc sống ấm no, sung túc bao năm qua.

Cũng với suy nghĩ đó, những hạt điều được người dân chuyền tay nhau rồi gieo xuống những đồi đất đỏ bazan. Có thể nói, họ chính là những nông dân đặt nền móng cho loại cây công nghiệp lâu năm chủ lực của tỉnh Bình Phước như hiện nay.

Những nông dân Bình Phước kể rằng, thời gian đầu trồng điều, họ để cây tự lớn, tự rụng lá, trổ bông, đậu trái. Họ không bón phân, không nghĩ đến việc tỉa cành, chăm sóc như thế nào. Nhưng theo thời gian tích lũy kinh nghiệm canh tác, họ càng chăm chút cho vườn điều của mình hơn.

"Bây giờ muốn vườn điều có năng suất, hết vụ chúng tôi sẽ tỉa cành, mỗi năm bón phân hai đợt. Cuối năm sẽ có 3 - 4 đợt phun thuốc để hỗ trợ lá rụng và ra bông đồng loạt, đậu trái đều, phòng ngừa các loại sâu bệnh. Nhờ đó mà năng suất cao và đều đặn hơn", ông Nguyễn Công Điểu có vườn điều ở huyện Bù Gia Mập cho hay.

Kỳ vọng cây công nghiệp tỷ đô

Ngoài những vườn điều cổ thụ hơn 40 năm tuổi, trên địa bàn tỉnh Bình Phước, hiện diện tích điều cao sản cũng đang được mở rộng. Đây là giống điều được lựa chọn những đặc điểm vượt trội để lai ghép.

Điều cao sản cho trái sau hai năm trồng, hạt to đều, trắng đẹp và năng suất cao hơn so với điều trồng bằng hạt lúc trước.

Thời điểm tết Nguyên đán, một số vườn điều ở Bình Phước đã được dọn dẹp sạch sẽ để chờ thu hoạch. Một số vườn đã bắt đầu cho trái lưa thưa, cao điểm vụ sẽ vào khoảng tháng 2-3 âm lịch.

Tết ở thủ phủ hạt điều Bình Phước- Ảnh 3.

Hết năm 2023, kim ngạch xuất khẩu các loại sản phẩm hạt điều ở Bình Phước đạt 1,180 tỷ USD.

Bà Trần Thị Hường, có 4 ha điều ở huyện Bù Gia Mập cho biết, với cây điều, nông dân sẽ thong thả hơn so với một số loại cây công nghiệp khác như cao su, tiêu, cà phê.

"Điều sẽ ít công chăm sóc hơn, chủ yếu là chuẩn bị cho cây lúc vào vụ, dọn vườn và thu hoạch. Tổng thời gian này chỉ khoảng bốn tháng cho mỗi năm", bà Hường cho biết.

Mỗi ha điều ở Bình Phước nếu được chăm sóc đúng cách, năng suất sẽ đạt trung bình từ 2,5 - 3 tấn/ha. Đối với điều cao sản, năng suất sẽ cao hơn từ 10 -15%.

Với giá bán hiện tại khoảng 25.000 đồng/kg, người trồng đảm bảo có lợi nhuận sau khi thu hoạch, ít hay nhiều còn tùy thuộc vào diện tích.

Nếu cây điều giúp nông dân Bình Phước có cuộc sống ổn định hàng chục năm qua, thì khâu chế biến xuất khẩu nhân hạt điều là bước nâng tầm giá trị loại cây này và đạt giá trị kinh tế cao nhất.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Phước, tỉnh hiện có khoảng 152.007ha điều, chiếm gần 50% tổng diện tích điều của cả nước.

Bình Phước hiện cũng có hơn 1.400 cơ sở chế biến hạt điều và giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 50.000 lao động.

Trong tháng đầu tiên của năm mới 2024, kim ngạch xuất khẩu hạt điều nhân của tỉnh Bình Phước tăng 150% so với cùng kỳ năm trước.

Đến nay, Bình Phước đã xuất khẩu nhân điều đến 59 nước, khu vực và lãnh thổ. Hết năm 2023, kim ngạch xuất khẩu các loại sản phẩm hạt điều đạt 1,180 tỷ USD, chiếm tỷ trọng trên 28% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.