Quản lý

Thanh Hoá quy hoạch mạng lưới giao thông liên hoàn, phát triển kinh tế - xã hội

18/12/2023, 15:22

Tỉnh Thanh Hoá đã bố trí hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư vào hạ tầng giao thông nhằm mở ra mạng lưới giao thông liên hoàn, phát triển kinh tế, xã hội.

Theo quy hoạch, trong thời kỳ 2021 -2030 và tầm nhìn năm 2045, tỉnh Thanh Hoá sẽ ưu tiên nguồn vốn tập trung đầu tư hạ tầng giao thông, dịch vụ cảng biển logistics...

Thanh Hoá quy hoạch mạng lưới giao thông để kết nối các tuyến đường - Ảnh 1.

Dự án đường nối QL1 đi QL45 có nút giao vào cao tốc tại Thiệu Giang là một trong những dự án được Thanh Hoá đầu tư.

9.000 tỷ đầu tư nhiều tuyến đường kết nối cao tốc

Sở GTVT Thanh Hoá Thanh Hoá cho biết, hiện nay, tỉnh đã chủ động bố trí vốn ngân sách khoảng 9.000 tỷ đồng để thực hiện đầu tư xây dựng các tuyến đường địa phương kết nối với các nút giao của tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh. 

Theo Sở GTVT Thanh Hoá, thực tế cho thấy, trên địa bàn tỉnh còn một số tuyến quốc lộ kết nối với các nút giao cao tốc như QL.217, QL.217B, QL.47, QL.45, đường Nghi Sơn - Bãi Trành chưa được đầu tư xây dựng nâng cấp theo quy hoạch, một số công trình cầu trên tuyến có quy mô khai thác hạn chế, làm ảnh hưởng khả năng kết nối từ cao tốc đến các địa phương trên địa bàn. 

Vì vậy, để phát huy lợi thế về kết nối giao thông với tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đáp ứng nhu cầu vận tải, chia sẻ lưu lượng giao thông với QL1, Thanh Hóa đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT ưu tiên đầu tư nâng cấp các tuyến quốc lộ kết nối với tuyến đường bộ cao tốc theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thanh Hoá quy hoạch mạng lưới giao thông để kết nối các tuyến đường - Ảnh 2.

Cầu Na Sài (thuộc huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa) là hạng mục của dự án nâng cấp QL15 vừa thi công hoàn thành năm 2023.

Trong đó, sớm hoàn thiện các thủ tục đầu tư để triển khai nâng cấp, cải tạo QL217 đoạn từ QL1 đến đường Hồ Chí Minh (quy mô đường cấp III đồng bằng, tổng mức đầu tư khoảng 3.200 tỷ đồng) thuộc dự án nâng cấp, cải tạo các tuyến QL kết nối với Bắc Lào và Trung Quốc, sử dụng vốn vay WB.

Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hoá đề nghị Bộ GTVT xem xét có chủ trương lập báo cáo đề xuất đầu tư, nâng cấp, cải tạo các tuyến QL217B, QL45, QL47, đường Nghi Sơn - Bãi Trành để đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 của Bộ GTVT, làm cơ sở triển khai thực hiện.

Trong đó, nâng cấp, mở rộng QL217B đạt quy mô đường cấp III, 2 làn xe và đầu tư đoạn từ nút giao Gia Miêu đến QL1 đạt quy mô tối thiểu 4 làn xe cơ giới; Nâng cấp, mở rộng QL45 đạt quy mô đường cấp III, 2 làn xe và đầu tư đoạn từ nút giao Đông Xuân đến đường vành đai phía Tây, thành phố Thanh Hóa đạt quy mô tối thiểu 4 làn xe cơ giới.

Thanh Hoá quy hoạch mạng lưới giao thông để kết nối các tuyến đường - Ảnh 3.

Hạ tầng giao thông của tỉnh Thanh Hoá liên hoàn, kết nối đường tỉnh với quốc lộ, cao tốc tạo thuận lợi cho Nhân dân đi lại an toàn.

Nâng cấp, mở rộng QL47 đoạn từ ngã ba Nhồi đến đường Hồ Chí Minh đạt quy mô đường cấp III, 4 làn xe và đầu tư đoạn từ nút giao Đông Xuân đến đường vành đai Tây, thành phố Thanh Hóa đạt quy mô tối thiểu 6 làn xe cơ giới.

Cùng với đó, tỉnh đề xuất cần nâng cấp, mở rộng đường Nghi Sơn - Bãi Trành đoạn từ nút giao cao tốc Nghi Sơn đến đường Hồ Chí Minh đạt quy mô đường cấp III, 2 làn xe.

Tại Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 27/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Thanh Hoá thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đưa ra chiến lược phát triển hạ tầng giao thông quốc gia và giao thông cấp tỉnh.

Trong đó, sẽ quy hoạch điều chỉnh 63 tuyến đường tỉnh hiện tại với tổng chiều dài 1.499,67 km, gồm: Nâng 2 tuyến và 1 đoạn tuyến với chiều dài khoảng 100 km lên quốc lộ (Đường từ CHK Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn thành QL47B; Đường Hà Ninh - Ngã Ba Hạnh thành QL217 kéo dài chuyển tuyến Yên Bái - Ấn Đỗ thành quốc lộ); chuyển 3 tuyến QL47-CHK Thọ Xuân, Cầu Hổ - Nghi Sơn, Trường Thi - Hàm Rồng sang đường đô thị, chiều dài 20,5km.

Ngoài ra, tỉnh Thanh Hoá nâng cấp 99 tuyến đường huyện, đường đô thị lên đường tỉnh và điều chuyển 2 tuyến từ quốc lộ thành đường địa phương với tổng chiều dài khoảng 2.044,35 km.

Thanh Hoá quy hoạch mạng lưới giao thông để kết nối các tuyến đường - Ảnh 4.

Thanh Hoá tiến hành xây dựng Trung tâm logistics cấp vùng hạng I tại khu kinh tế Nghi Sơn.

Đến năm 2030 sẽ đưa vào quản lý khai thác 818,5 km đường thủy nội địa; trong đó 249,5 km đường thủy nội địa do Trung ương quản lý và 569 km đường thủy nội địa do địa phương quản lý.

Tỉnh Thanh Hoá quy hoạch 7 cảng gồm: 1 cảng khách Hàm Rồng và 6 cảng tổng hợp hàng hoá: Hoằng Lý, Đò Lèn, Hải Châu, Bình Minh (Lạch Bạng), Lạch Trường, Mộng Giường. Đối với hệ thống bến thuỷ nội địa, địa phương này quy hoạch 80 bến thủy nội địa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa.

Trong mạng lưới đã được quy hoạch cảng cạn và logistics, Thanh Hoá tiến hành xây dựng Trung tâm logistics cấp vùng hạng I tại khu kinh tế Nghi Sơn; trung tâm logistics cấp tỉnh tại khu vực phía Tây thành phố Thanh Hoá với quy mô tối thiểu khoảng 10 ha và trung tâm logistics tại khu công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng với quy mô tối thiểu khoảng 20 ha.

 

6 hành lang quan trọng

Phát huy vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng và tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh của tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, phát triển hài hòa, cân đối giữa các vùng, miền, nhất là vùng đồng bằng và ven biển với vùng miền núi, giữa thành thị với nông thôn.

Giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển nhanh với phát triển bền vững, giữa phát triển hợp lý theo chiều rộng với phát triển theo chiều sâu, trong đó phát triển theo chiều sâu là chủ đạo; đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.

Thanh Hoá quy hoạch mạng lưới giao thông để kết nối các tuyến đường - Ảnh 5.

Tại các nút giao cao tốc Bắc - Nam, tỉnh Thanh Hoá sẽ đầu tư, nâng cấp các tuyến đường kết nối.

Trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thì Thanh Hoá cần chú trọng và ưu tiên phát triển 6 hành lang kinh tế, lấy hệ thống giao thông là "sợi chỉ đỏ". 

Thứ nhất - Hành lang kinh tế ven biển: Là hành lang kết nối Thanh Hóa với các tỉnh, thành phố ven biển phía Bắc (Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình) và tỉnh Nghệ An qua tuyến đường bộ ven biển và quốc lộ 10.

Thứ hai - Hành lang kinh tế Bắc Nam: Là trục trung tâm của tỉnh theo hướng Bắc - Nam, giữ vai trò liên kết chính giữa Thanh Hóa với Thủ đô Hà Nội, các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ, thông qua tuyến đường quốc lộ 1A và đường cao tốc Bắc - Nam.

Thứ ba - Hành lang kinh tế trung tâm: Là trục trung tâm của cả tỉnh theo hướng Đông - Tây; giữ vai trò chủ đạo trong việc điều tiết các hoạt động kinh tế, đô thị và dịch vụ của cả tỉnh. Kết nối thành phố Sầm Sơn - thành phố Thanh Hóa - huyện Thọ Xuân thông qua Đại lộ Nam sông Mã, Đại lộ Lê Lợi, đường từ thành phố Thanh Hóa đi CHK Thọ Xuân.

Thứ tư - Hành lang kinh tế quốc tế: Là tuyến hành lang kết nối Cảng biển Nghi Sơn - CHK Thọ Xuân với các tỉnh vùng Tây Bắc và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, thông qua tuyến đường từ CHK Thọ Xuân đi khu kinh tế Nghi Sơn, đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 15, quốc lộ 217 và Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo.

Thứ năm - Hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh (Xa lộ nông nghiệp): Là trục kết nối Thanh Hóa với Hà Nội, các tỉnh phía Bắc và Nghệ An; đặc biệt là các huyện khu vực trung du và miền núi của tỉnh.

Thứ sáu - Hành lang kinh tế Đông Bắc: Là tuyến hành lang kết nối Cảng Lạch Sung - Nga Sơn - Bỉm Sơn - Thạch Thành với các tỉnh phía Bắc thông qua quốc lộ 217B, quốc lộ 217 và đường Hồ Chí Minh.

Thanh Hoá là tỉnh có diện tích tự nhiên 11.129km2, dân số hơn 3,64 triệu người, với 23.272km đường bộ, trong đó: Quốc lộ 1.299km, đường tỉnh 1.464km, đường đô thị 1.021km, đường chuyên dùng 142km, đường giao thông nông thôn 19.345km. Thanh Hoá có đầy đủ 5 phương thức vận tải: Hàng không, đường bộ, đường biển, đường thủy và đường sắt.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.