Đăng kiểm

Thành lập trung tâm đăng kiểm mới cần lưu ý gì?

27/01/2024, 06:00

Theo quy định mới, khi có nhu cầu đầu tư xây dựng trung tâm đăng kiểm, tổ chức thành lập phải có văn bản gửi UBND cấp tỉnh xem xét.

Gắn với quy hoạch địa phương

Theo quy định mới tại Thông tư 44/2023 của Bộ GTVT, khi có nhu cầu đầu tư xây dựng đơn vị đăng kiểm, tổ chức thành lập đơn vị đăng kiểm phải có văn bản đề nghị UBND cấp tỉnh xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó nêu rõ vị trí dự kiến xây dựng đơn vị đăng kiểm.

Thành lập trung tâm đăng kiểm mới cần lưu ý gì?- Ảnh 1.

Theo quy định mới, việc thành lập trung tâm đăng kiểm cần phải gắn với quy hoạch địa phương (ảnh minh hoạ).

Vị trí xây dựng đơn vị đăng kiểm phải đảm bảo phù hợp với mục đích, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương và đảm bảo mật độ các đơn vị đăng kiểm trên địa bàn, các tỉnh thành phố liền kề trong khu vực phân bố đồng đều, phù hợp theo hướng giảm cự ly di chuyển của phương tiện đến các đơn vị đăng kiểm, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

Các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng, đơn vị kinh doanh vận tải được bổ sung ngành nghề kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới hoặc ngược lại nhưng phải đảm bảo đáp ứng các điều kiện quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới tại Nghị định số 139/2018/NĐ-CP và Nghị định số 30/2023/NĐ-CP.

Ngoài ra, hoạt động kiểm định phải đảm bảo tính độc lập, khách quan, minh bạch, không bị chi phối bởi bất cứ yếu tố nào làm ảnh hưởng đến kết quả kiểm định.

Ông Nguyễn Văn Phương, Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới - Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, quy định này nhằm đảm bảo việc mở mới trung tâm đăng kiểm phù hợp với nhu cầu kiểm định phương tiện ở từng địa phương, tránh tình trạng mở tràn lan dẫn đến cung vượt cầu gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.

Ngoài ra, thời gian qua, thông qua các vụ án đăng kiểm, có không ít tình trạng giám đốc các trung tâm đăng kiểm bị chi phối bởi chủ đầu tư, bỏ qua lỗi vi phạm để thu hút lượng xe đến đăng kiểm. Do đó, quy định hoạt động kiểm định phải đảm bảo tính độc lập, khách quan, nhằm tăng trách nhiệm nghề nghiệp đối với các lãnh đạo phụ trách các trung tâm đăng kiểm, là yếu tố tiên quyết trong duy trì hoạt động kiểm định, đảm bảo kết quả kiểm định chính xác, nâng cao chất lượng phương tiện và đảm bảo an toàn giao thông.

Thành lập trung tâm đăng kiểm mới cần lưu ý gì?- Ảnh 2.

Thay vì Cục Đăng kiểm Việt Nam, Sở GTVT sẽ là cơ quan kiểm tra, đánh giá cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới (ảnh minh hoạ).

Phân cấp mạnh mẽ công tác quản lý về các sở

Theo thông tư, sau khi hoàn thành việc đầu tư, xây dựng theo quy định của pháp luật, tổ chức thành lập đơn vị đăng kiểm lập một bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới gửi về Sở GTVT, thay vì Cục Đăng kiểm Việt Nam như trước đây.

Cơ quan này cũng có trách nhiệm trong việc thành lập đoàn kiểm tra, đánh giá cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới.

Trong đoàn, phải có tối thiểu một thành viên đã hoàn thành khóa tập huấn nghiệp vụ kiểm tra, đánh giá hoạt động kiểm định xe cơ giới theo quy định do Cục Đăng kiểm Việt Nam tổ chức.

Các nội dung kiểm tra, đánh giá bao gồm: Kiểm tra, đánh giá cơ sở vật chất kỹ thuật của đơn vị đăng kiểm; Kiểm tra, đánh giá thiết bị kiểm tra, dụng cụ kiểm tra; Kiểm tra, đánh giá cơ cấu tổ chức, nhân lực: tài liệu thể hiện cơ cấu tổ chức của đơn vị đăng kiểm; Kiểm tra việc xây dựng, ban hành quy trình nội bộ của đơn vị đăng kiểm; Kiểm tra, đánh giá hoạt động của dây chuyền kiểm định; Kiểm tra việc mở các Sổ theo dõi, quản lý theo quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; theo dõi, quản lý các loại ấn chỉ do Cục Đăng kiểm Việt Nam phát hành cấp cho các đơn vị đăng kiểm.

Tuy nhiên, theo Nghị định 30/2023 sửa đổi, bổ sung Nghị định 139/2018 quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, từ ngày 8/6 khi Nghị định này có hiệu lực, nếu Sở GTVT chưa thực hiện được việc cấp, cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới của đơn vị đăng kiểm, thì có văn bản đề nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp tục thực hiện. Song, kể từ ngày 1/1/2026, Sở GTVT các địa phương sẽ buộc phải thực hiện nhiệm vụ này.

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, nhằm thực hiện phân cấp công tác quản lý trong hoạt động kiểm định xe cơ giới, năm 2023, Cục đã tổ chức 4 lớp tập huấn nghiệp vụ kiểm tra đánh giá hoạt động kiểm định xe cơ giới cho 51 Sở GTVT, 30 đơn vị đăng kiểm trên cả nước.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.