Y tế

Thắp hy vọng cho bệnh nhân gan giai đoạn cuối

06/01/2024, 06:00

Từ ca ghép gan đầu tiên vào tháng 10/2017 đến nay, mỗi năm Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện khoảng 40 ca phẫu thuật, mở ra cánh cửa hy vọng cho các bệnh nhân mang bệnh lý gan tưởng chừng không thể cứu chữa.

Ca phẫu thuật mở ra hy vọng mới

6 năm trước, bà Phạm Vân Thanh (sinh năm 1962, trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội) nhập viện vì tràn dịch màng bụng - biến chứng của căn bệnh tắc ống mật dẫn tới xơ gan, teo gan, sự sống chỉ tính bằng ngày.

Thắp hy vọng cho bệnh nhân gan giai đoạn cuối - Ảnh 1.

Bà Vân Thanh mạnh khỏe bên cháu nội sau hơn 6 năm ghép gan - Ca ghép đầu tiên.

"Thời điểm tôi điều trị, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đang lựa chọn bệnh nhân để chuẩn bị thực hiện kỹ thuật ghép gan. Tôi lập tức đăng ký và được lựa chọn cho ca ghép gan đầu tiên", bà Thanh kể.

Từ phần gan hiến của người con trai khi đó mới 25 tuổi, bà Thanh đã hồi sinh. "Nếu không có ca ghép đó, tôi đâu còn được vui vầy bên con, cháu như bây giờ", bà Thanh chia sẻ.

PGS. TS. BS Lê Văn Thành, Viện trưởng Viện Phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vẫn nhớ rõ cảm xúc hồi hộp và áp lực của ca ghép gan đầu tiên, dù mọi thứ đã được chuẩn bị kỹ càng.

May mắn, ca ghép kéo dài 12 giờ đã thành công sau nhiều nỗ lực của cả ê kíp gần 50 cán bộ y tế cùng sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài.

"Sau ca ghép, bệnh nhân ổn định. Nhưng chỉ sau 6 giờ, bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn nặng, buộc phải quay về phòng hồi sức điều trị. Khi đó, tôi đã từng nghĩ liệu bệnh nhân có qua khỏi không?", BS Thành nhớ lại.

Mọi sự cố gắng, quyết tâm cứu bệnh nhân của các y, bác sĩ được đền đáp bằng sự phục hồi ngoạn mục của bà Thanh. Thành công của ca ghép gan từ người cho cùng huyết thống đầu tiên đã giúp các bác sĩ có thêm kinh nghiệm và tự tin để triển khai các ca ghép tạng mới.

Quyết định sinh, tử

Trong hơn 200 người đã ghép gan thành công tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 6 năm qua, các nhân viên y tế không thể quên được ca ghép gan cấp cứu đầu tiên cho nam bệnh nhân 21 tuổi.

Thắp hy vọng cho bệnh nhân gan giai đoạn cuối - Ảnh 2.

Các bác sĩ thực hiện ghép gan.

Bệnh nhân bị ung thư gan giai đoạn muộn, cơ hội duy nhất mang lại sự sống là ghép gan. Trong thời gian cấp bách tìm nguồn ghép, đáng tiếc lá gan từ bố, mẹ đều không tương thích, chỉ có người em trai vừa đỗ đại học có thể hiến gan cứu anh.

"Chúng tôi thực sự cân não trước ca ghép này. Thời điểm đó, chúng tôi chưa có nhiều kinh nghiệm, trong khi 2 người hiến và nhận đều mới 18 đôi mươi.

Áp lực đặt nặng trên vai khi chúng tôi nghĩ đến tình huống nếu ca ghép có chút sơ sểnh, rủi ro sẽ đến với người hiến đang phơi phới tuổi xuân. Còn nếu không ghép thì đồng nghĩa việc tước đi hy vọng sống của bệnh nhân trẻ", bác sĩ Thành tâm sự.

Mất 3 ngày chuẩn bị kỹ càng, ca ghép diễn ra thành công với quyết tâm chinh phục kỹ thuật ghép gan cấp cứu. Tính đến nay, bệnh nhân đã sống khỏe hơn 5 năm sau ghép và người cho gan cũng mạnh khỏe, tiếp tục viết tiếp những hoài bão của tuổi trẻ.

Ca ghép thứ 10 cũng để lại nhiều ấn tượng với ê kíp ghép gan của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khi sự sống phục hồi ngoạn mục hiển hiện ngay sau khi phẫu thuật.

Đó là trường hợp suy gan cấp, được cấp cứu trong tình trạng rất nguy kịch, xuất huyết đầy người. Nếu không được ghép gan, bệnh nhân sẽ tử vong.

"Các ca ghép trước đều có khoảng thời gian nhất định để chuẩn bị nhưng với ca ghép này nếu không quyết định nhanh chóng, rất có thể vuột đi cơ hội của bệnh nhân.

Khi quyết định làm ca ghép này, chúng tôi vùi đầu tìm đọc nhiều tài liệu xem thế giới họ chuẩn bị và điều trị sau ghép thế nào, nhằm thuyết phục ban giám đốc bệnh viện cho thực hiện.

Tất cả gói gọn trong 24 giờ. Khi vào phòng mổ, bệnh nhân đã trong tình trạng đặt ống, xuất huyết, phù nặng nhưng ca ghép đã thành công. Đó là sự kỳ diệu", ông Thành chia sẻ.

Sau trường hợp đó, ghép gan cấp cứu trở thành kỹ thuật thường quy tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Đến nay, đã có 65 ca ghép cấp cứu trong tổng số hơn 204 ca ghép. Đáng mừng là nhiều trường hợp đã hôn mê 2-3 ngày, thậm chí 5 ngày nhưng sau ghép đã tỉnh dậy và trở lại với cuộc sống.

Tuy không phải là đơn vị đi đầu trong lĩnh vực ghép gan tại Việt Nam, nhưng theo chia sẻ của Thiếu tướng, PGS. TS Lê Hữu Song, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, đến thời điểm này, trung bình mỗi năm, bệnh viện thực hiện khoảng 40 ca ghép gan, là cơ sở y tế dẫn đầu ASEAN về ghép gan.

Tiếp tục chinh phục kỹ thuật ghép mới

Giám đốc Lê Hữu Song cho biết, ngoài ghép gan cấp cứu, bệnh viện đã chinh phục nhiều kỹ thuật mới như ghép gan theo kế hoạch, ghép gan lấy từ người hiến chết não, ghép gan lấy từ người cho sống, ghép gan cho người lớn, ghép gan cho trẻ em, ghép gan bất đồng nhóm máu. Việc phát triển các kỹ thuật ghép gan giúp tăng nguồn hiến gan, tăng cơ hội sống cho bệnh nhân…

Thắp hy vọng cho bệnh nhân gan giai đoạn cuối - Ảnh 3.

Bác sĩ Thành bên bệnh nhânhồi phục sau ghép gan.

Đặc biệt, bệnh viện đã ứng dụng thành công kỹ thuật nội soi lấy mảnh gan ghép và ghép gan, lấy ghép gan tại chỗ và tổ chức điều phối lấy ghép gan xuyên Việt với rất nhiều ca đặc biệt ghi những dấu ấn sâu sắc.

Tháng 11/2021, các bác sĩ quân y đã ghi dấu bước phát triển vượt bậc trong lĩnh vực ghép gan trên bản đồ ghép tạng bằng việc lấy mảnh gan ghép (bên phải) bằng phẫu thuật nội soi từ người hiến sống. Đây là bệnh nhân đầu tiên được thực hiện kỹ thuật này tại Việt Nam.

Với phẫu thuật nội soi hỗ trợ trong ghép gan ở người nhận gan, BS Lê Văn Thành cho biết, đây là bước đầu tiên giúp hoàn thiện kỹ thuật, chuẩn bị cho dự định ấp ủ thực hiện phẫu thuật nội soi ghép gan toàn bộ ở người nhận trong thời gian tới tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Kỹ thuật mang lại lợi ích lớn cho người bệnh nhưng là thách thức với phẫu thuật viện, đặc biệt trong việc khâu nối các mạch máu bằng nội soi… Hiện trên thế giới, chỉ mới có một vài trung tâm thực hiện và chưa thành thường quy.

"Sau những ca ghép gan thành công, điều khiến chúng tôi thấy hạnh phúc, tạo động lực không chỉ là việc được thấy bệnh nhân của mình sống và làm việc mạnh khỏe mà còn là sự lan tỏa quyết tâm chinh phục các kỹ thuật ghép tới các cơ sở y tế khác.

Điều đó đồng nghĩa với việc, sẽ có thể nhiều cơ hội sống cho bệnh nhân mắc bệnh lý gan ở giai đoạn cuối. Bệnh viện đã và tiếp tục đào tạo, chuyển giao kỹ thuật ghép gan cho các bệnh viện trong nước như: Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện 175…", BS Thành chia sẻ.

Hiện nay, Việt Nam có 9 trung tâm ghép gan, đã thực hiện ghép gan cho hơn 500 bệnh nhân. Riêng Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thực hiện thành công trên 200 ca ghép, trở thành trung tâm ghép gan lớn nhất toàn quốc, đồng thời cũng là đơn vị ghép gan từ người cho sống nhiều nhất cả nước với 202 ca.

"Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 triển khai kỹ thuật ghép gan tương đương với nhiều cơ sở y tế nước ngoài trong khi đó, chi phí chỉ bằng 1/6, 1/7 so với các nước tiên tiến trên thế giới.

Thí dụ như tại Singapore, hiện một ca ghép gan khoảng 8 tỷ đồng, chưa tính chi phí đi lại, ăn ở. Điều này rất có ý nghĩa đối với bệnh nhân ung thư gan và suy gan mạn tính giai đoạn cuối", GS. TS Phạm Gia Khánh, Chủ tịch Hội Ghép tạng Việt Nam chia sẻ.

Ngoạn mục hồi sinh trái tim cho chiến sĩ biên phòng 19 tuổiNgoạn mục hồi sinh trái tim cho chiến sĩ biên phòng 19 tuổi

Mới đây, các bác sĩ BV TWQĐ 108 đã cấp cứu, hồi sinh trái tim cho chiến sĩ bộ đội biên phòng Xín Cái trẻ tuổi nguy kịch vì bị viêm cơ tim cấp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.