Xã hội

Thẻ CCCD còn hiệu lực, người dân có phải thu thập thêm mống mắt?

Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh đã làm rõ về thắc mắc nếu thẻ căn cước công dân (CCCD) còn giá trị sử dụng, người dân có cần tới cơ quan quản lý để thu thập thêm mống mắt?

Mống mắt được thu thập như thế nào? 

Sáng 29/11, tại cuộc họp báo công bố kết quả của kỳ họp 6 Quốc hội, Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh thông tin thêm về quy định thu thập mống mắt trong Luật Căn cước mới thông qua.

Ông Đức cho biết, thu thập mống mắt trong dữ liệu căn cước điểm rất mới.

"Việc thu thập này cần có thiết bị chuyên dụng của cơ quan quản lý căn cước. Khi người dân đến làm mới hay cấp đổi lại thẻ căn cước, cơ quan quản lý sẽ thu thập thông tin này để làm giàu cơ sở dữ liệu về dân cư", Trung tướng Đức giải thích.

Người đã có thẻ CCCD còn hiệu lực, có phải thu thập thêm mống mắt?  - Ảnh 1.

Phó chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Minh Đức.

Đối với việc công dân đã có thẻ căn cước, luật vừa thông qua đã có 4 khoản về chuyển tiếp.

Cụ thể, công dân đang có thẻ căn cước còn hiệu lực dài thì không cần cấp đổi thẻ, vẫn có giá trị bình thường, không phải tích hợp, khai báo thêm thông tin. 

Trừ trường hợp có nhu cầu bổ sung, đổi thẻ có liên quan tới căn cước của cá nhân mình thì mới tới cơ quan quản lý để được hướng dẫn thực hiện.

Sẽ đánh giá tác động lắp camera hành trình cho xe máy 

Về đề xuất quy định lắp camera hành trình với ô tô, xe máy trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, hiện còn nhiều quan điểm tranh luận. 

Phó chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh cho biết: "Việc đề xuất quy định này là quan điểm của cơ quan soạn thảo. Chúng tôi là cơ quan thẩm tra cũng tôn trọng nội dung trong tờ trình của Chính phủ và dự thảo luật; đã tham mưu với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội để xin ý kiến đóng góp của các đại biểu".

Cơ quan thẩm tra có trách nhiệm phối hợp để đánh giá tác động, làm thế nào các quy định trong luật vừa đảm bảo quản lý xã hội vừa phù hợp với lợi ích nhân dân.

Theo ông, đây mới là dự thảo, còn cần thực hiện các toạ đàm, khảo sát lấy ý kiến từ đó rút ra kết luận cuối cùng.

Cơ quan thẩm tra đồng tình quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn 

Về những ý kiến khác nhau trong đề xuất quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Trung tướng Đức làm rõ, trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, có nội dung cấm tuyệt đối việc sử dụng rượu bia trước, trong khi lái xe. 

Theo nguyên tắc xây dựng pháp luật, cần sự thống nhất, luật sau phải lấy nguồn từ luật trước. Do đó, trên nguồn của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, cơ quan soạn thảo đã đề xuất cấm tuyệt đối nồng độ cồn trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.  

Về quan điểm của cơ quan thẩm tra, Uỷ ban Quốc phòng và An ninh đồng ý với cơ quan dự thảo luật.

Hằng năm, Uỷ ban Quốc phòng và An ninh đã thẩm tra việc công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Kết quả cho thấy, 43% tai nạn giao thông nghiêm trọng đều xuất phát từ rượu bia. Con số này cho thấy chúng ta cần phải thay đổi.

Cho biết, quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn mới là đề xuất và việc đánh giá đầy đủ về đề xuất này cần có sự thấu đáo, xin ý kiến rộng rãi, nhưng ông Đức tin rằng, Quốc hội cũng cơ bản đồng ý với nội dung này.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.