Quản lý

“Thế chân vạc” kiểm soát chất lượng hầm Đèo Cả

20/02/2015, 10:27

Chia sẻ của Tổng giám đốc APAVE về quá trình giám sát công trình có tính chất kỹ thuật rất phức tạp này.

581
Các chuyên gia của tư vấn giám sát đang thực hiện việc kiểm tra, giám sát chất lượng công trình      Ảnh: Xuân Huy

Tư vấn không chờ người ta làm rồi giám sát, bắt bẻ

Là tư vấn giám sát trực tiếp dự án, ông đánh giá thế nào về quá trình triển khai của nhà đầu tư và các nhà thầu. Họ có đảm bảo được chất lượng và tiến độ dự án theo yêu cầu tư vấn?

Tôi muốn nói một chút về hạng mục hầm Cổ Mã (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) nằm trong dự án hầm Đèo Cả. Hầm Cổ Mã tuy chỉ dài 500m, bằng 1/10 hầm Đèo Cả, nhưng có tính chất kỹ thuật phức tạp, thi công khó khăn hơn nhiều. Khó ở chỗ địa chất xấu hơn, phải khoan thăm dò 100m đến 300m để khảo sát địa chất, đánh giá địa chất và đặt ra những trở ngại về tiến độ thi công. Thế nhưng, chỉ sau hơn một năm thi công, hầm Cổ Mã đã thông xe sớm hơn kế hoạch ba tháng vào cuối tháng 11 vừa qua. Có được điều này, trước hết là do sự quyết tâm, chủ động của nhà đầu tư, nhà thầu và phương pháp thi công khoa học.

Trở lại với hầm Đèo Cả, với địa chất không phức tạp hơn hầm Cổ Mã và chủ đầu tư đang muốn đẩy nhanh tốc độ, tôi tin chắc dự án sẽ đảm bảo chất lượng và tiến độ. Giữ được nhịp thi công như hiện nay công trình hoàn toàn có thể về đích trước kế hoạch.

Dự án hầm Đèo Cả có quy mô lớn và tính chất kỹ thuật phức tạp hơn hẳn nhiều dự án khác, trong khi cả nhà đầu tư và nhà thầu thi công đều là trong nước. Vậy, tư vấn giám sát có giải pháp nào để hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ, cũng như đảm bảo chất lượng tốt nhất?

Chính yếu tố nội của dự án này lại là cơ hội để nhà đầu tư, nhà thầu khẳng định năng lực. Và thực tế họ đang làm rất tốt vai trò của mình. Đây cũng là cơ hội để cho liên danh tư vấn giám sát tiếp tục khẳng định vị thế, uy tín của mình. Đối với Apave toàn cầu và Apave châu Á - Thái Bình Dương, với cách làm việc của tôi, tư vấn giám sát phải đặt trách nhiệm “tư vấn” ngang bằng với “giám sát” và mọi thứ phải tuân thủ theo tiêu chuẩn. Vấn đề đặt ra là tư vấn thế nào để cùng sát cánh, giúp nhà đầu tư và nhà thầu hoàn thành dự án đúng mục tiêu, kế hoạch đặt ra.

Chúng tôi đã soạn thành sách vở những gì mình làm và làm theo những gì mình đã viết. Tháng 10/2014, chúng tôi hoàn thành biên soạn, phát hành cẩm nang Quản lý giám sát cầu, đường, hầm gần 600 trang cho riêng dự án Đèo Cả, với nội dung công nghệ thi công được áp dụng tại dự án. Biên soạn cẩm nang là các chuyên gia, kỹ sư của nhà đầu tư, tư vấn quản lý, tư vấn giám sát và nhất là các chuyên gia đầu ngành của liên danh tư vấn giám sát Apave International, Apave châu Á - Thái Bình Dương, Dohwa Engineering, Tedi South…

Tài liệu này dùng để đào tạo nội bộ, để các kỹ sư tham khảo khi gặp phải những kỹ thuật, dịch vụ tương tự. Đây là một trong những minh chứng cho nỗ lực của các nhà tư vấn nhằm giúp nhà đầu tư hoàn thành dự án theo cách tốt nhất. Apave và các đồng nghiệp nước ngoài luôn cùng nhau bàn thảo, tìm phương pháp thi công tốt nhất để đẩy tiến độ nhanh, chất lượng tốt hơn nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho dự án.

Quan điểm của tôi, của Apave là không chỉ chờ người ta làm rồi mình giám sát, bắt bẻ mà phải tham gia tư vấn để họ làm đúng ngay từ đầu, có phương pháp thi công tốt nhất, coi đó là chuyện của mình.

Tư vấn giám sát phải giỏi hơn, chí ít là ngang bằng nhà thầu

Ở Việt Nam, thường tư vấn giám sát có tâm lý phụ thuộc vào chủ đầu tư, nhà đầu tư. Ở dự án này, tư vấn giám sát có độc lập hoàn toàn trong công tác giám sát chất lượng và tiến độ không, thưa ông?

Apave châu Á - Thái Bình Dương hoạt động tư vấn giám sát trong nhiều lĩnh vực, cả xây dựng công nghiệp, dân dụng, dầu khí và giao thông. Cách đây nhiều năm, ông Hồ Minh Hoàng - Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư Đèo Cả đặt vấn đề mời chúng tôi làm tư vấn giám sát cũng đã biết rằng Apave từng tham gia các dự án nổi tiếng như Đường hầm nối eo biển Manche giữa Anh và Pháp. Những kỹ sư của Apave hiện nay đã từng tham gia các dự án có yếu tố nước ngoài về hầm, cầu, đường như: Hải Vân, cao tốc Nội Bài- Lào Cai, cầu Tràng Tiền... Ở Pháp, tư vấn giám sát có sự độc lập hoàn toàn, mà độc lập được là do họ có trình độ nghiệp vụ giỏi hơn, hoặc chí ít là ngang với người thiết kế và thi công.

Sự quyết đoán của Bộ trưởng cũng lan tỏa đến nhà đầu tư

Tại lễ thông hầm Cổ Mã, ông có bài phát biểu ấn tượng mạnh mẽ với Bộ GTVT về công tác huy động vốn và đã triển khai được nhiều dự án lớn, đặc biệt là quyết đoán, năng động của Bộ trưởng Đinh Thăng. Lý do nào để ông đưa ra đánh giá đó?

Việc ngành GTVT chỉ trong vài năm đã huy động được nguồn vốn lớn để triển khai các dự án giao thông, tạo sự thay đổi về hạ tầng đã được cả xã hội ghi nhận. Dự án hầm Đèo Cả nằm trong số đó. Tôi nghĩ rằng, nếu thiếu sự quyết đoán của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng chưa chắc đã triển khai được dự án hầm Đèo Cả. Theo tôi được biết, việc triển khai dự án ngay từ đầu đã đặt ra vấn đề sử dụng nguồn vốn ngoại hay nội, EPC hay hình thức khác. Và Bộ GTVT đã quyết định đầu tư theo hình thức sử dụng nguồn vốn nội, nhà đầu tư và nhà thầu cũng hoàn toàn của trong nước, dùng chính nội lực trong nước để thực hiện dự án.

Ở dự án hầm Đèo Cả, chủ đầu tư là tư nhân, nên họ càng mong muốn và cũng tạo điều kiện để chúng tôi thực hiện độc lập, nên tôi khẳng định sự độc lập của tư vấn giám sát chất lượng và tiến độ dự án.

Giờ đây, mọi người đã thấy, quyết định đó hoàn toàn đúng đắn. Bộ GTVT mà trực tiếp là Bộ trưởng Đinh La Thăng đã dám đột phá, dám đưa ra một quyết định đúng đắn trong bối cảnh dự án gặp nhiều khó khăn. Sự quyết đoán, quyết tâm của Bộ trưởng cũng lan tỏa đến nhà đầu tư, các nhà thầu và cả tư vấn giám sát.

Cái được khác từ dự án này là nâng tầm của nhà đầu tư, nhà thầu trong nước và cả của tư vấn giám sát, khẳng định uy tín của các doanh nghiệp trong nước, rằng về mặt trình độ kỹ thuật, trình độ quản lý của người Việt Nam đâu có thua kém gì, vẫn có thể làm nhà thầu chính như doanh nghiệp nước ngoài. Cái hay là nhà đầu tư đã sử dụng nhà thầu thiết kế, thẩm tra thiết kế, TVGS ngoại; tổng chi phí cho các nhà thầu này chỉ 10% tổng kinh phí đầu tư. Nhưng nhờ thế, tạo động lực và chỗ dựa cho nhà thầu nội thi công với giá trị hàm lượng trí tuệ cao. Cách làm này vừa có hiệu quả kinh tế, vừa đạt chất lượng tốt cho công trình.

Ông từng tham gia nhiều dự án giao thông lớn trên thế giới. Ông có chia sẻ kinh nghiệm gì với cơ quan quản lý, nhà đầu tư, nhà thầu Việt Nam trong việc huy động vốn và triển khai hiệu quả các dự án BOT, BT?

Về nguyên tắc, các dự án được đầu tư theo hình thức xã hội hóa càng nhiều càng tốt vì sẽ đề cao tính trách nhiệm hơn của các bên tham gia dự án. Nhà đầu tư phải biết chọn các nhà thầu, rồi tổ chức thành “thế chân vạc” giữa nhà thầu thiết kế, tổ chức quản lý, giám sát. Trong các dự án BT, BOT, ba thực thể đó phải tham gia ngay từ đầu và có sự kết nối với nhau

Nhà thầu thiết kế và thi công phải có sự kết nối với nhau, còn tư vấn giám sát cũng phải tham gia ngay từ đầu, phải ở ngay sau lưng người thi công, chứ không thể chỉ chờ xong hồ sơ để duyệt. Tư vấn giám sát cũng cần phải đạt được trình độ nhất định về thiết kế, thi công, như ở Pháp, Mỹ, dù giám sát chiếm vai trò 1-3% nhưng có sự quan trọng nhất định. Bộ máy tư vấn giám sát không nên xem chuyện đúng sai, mà phải gợi ý thi công đúng chất lượng đảm bảo tiến độ, không làm theo cách cứng nhắc rằng chờ người ta làm rồi anh đến chỉ để kiểm soát.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.