Quản lý

Thêm bốn mỏ cát được bàn giao để phục vụ thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau

21/10/2023, 10:38

Sáng 21/10, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức lễ bàn giao hồ sơ vị trí, trữ lượng khai thác, báo cáo đánh giá tác động môi trương (ĐTM) bốn mỏ cát cho nhà thầu để phục vụ thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Bốn mỏ cát với trữ lượng trên 3,2 triệu m3

Tại lễ bàn giao, ông Huỳnh Văn Nguyên, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Đồng Tháp cho biết, trên cơ sở văn bản giới thiệu bốn mỏ cát của UBND tỉnh Đồng Tháp, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã giới thiệu bốn nhà thầu thi công tiếp cận và thực hiện các hồ sơ có liên quan để khai thác theo cơ chế đặc thù.

Thêm bốn mỏ cát được bàn giao theo cơ chế đặc thù ở Đồng Tháp - Ảnh 1.

Sau mỏ cát thuộc xã An Nhơn, huyện Châu Thành được bàn giao theo cơ chế đặc thù, Đồng Tháp bàn giao thêm bốn mỏ cát cho nhà thầu thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Cụ thể, Công ty CP Hải Đăng khai thác mỏ cát tại vị trí thuộc thị trấn Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, diện tích 11,74 ha, với trữ lượng 862.216m3.

Công ty CP Xây dựng Tân Nam khai thác tại mỏ cát thuộc xã Tân Mỹ, Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò, diện tích 32,05ha, với trữ lượng 801.250m3.

Công ty TNHH Sản xuất và Xây dựng Thi Sơn khai thác cát tại mỏ thuộc xã Định Yên, huyện Lấp Vò, diện tích 20,97, với trữ lượng 754.876m3 (căn cứ vào kết quả ĐTM sẽ xác định trữ lượng và cao trình khai thác).

Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn khai thác cát tại mỏ thuộc xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh và xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò, diện tích 24,23ha, trữ lượng 791.225m3.

Sau thời gian thực hiện các hồ sơ khai thác, đến nay các nhà thầu nêu trên đã cơ bản hoàn thành các hạng mục của dự án. Quá trình xác lập hồ sơ, công tác khảo sát để đánh giá trữ lượng chất lượng cát và lập ĐTM.

Đây là hai công đoạn quan trọng nhất để tiến tới lập hồ sơ đăng ký, xác nhận khu vực, khối lượng, công suất, phương pháp khai thác… theo cơ chế đặc thù được Bộ TN&MT hướng dẫn tại công văn số 1411/BTNMT-ĐCKS ngày 18/2/2022.

Trong bốn dự án khai thác nêu trên, đến thời điểm hiện tại chỉ có dự án của Công ty CP Hải Đăng đã thực hiện xong hồ sơ và được UBND tỉnh đã phê duyệt báo cáo ĐTM (Sở TN&MT đang hướng dẫn Công ty liên hệ Quỹ bảo vệ Môi trường Việt Nam để nộp tiền ký quỹ theo quy định).

Trong khi đó, ba dự án còn lại, Sở TN&MT đang phối hợp ba công ty hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh phê duyệt.

Nhà thầu sớm hoàn thiện thủ tục để mỏ cát sớm được khai thác

Để đảm bảo thực hiện các hồ sơ có liên quan đúng quy định và sớm đưa vào khai thác theo cơ chế đặc thù, Sở TN&MT Đồng Tháp đề nghị Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận thường xuyên theo dõi tiến độ, đôn đốc các nhà thầu khẩn trương hoàn thiện các hồ sơ theo hướng dẫn để sớm đưa vào khai thác phục vụ dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Các nhà thầu được giao mỏ cát khẩn trương hoàn thiện tất cả các thủ tục còn lại theo cơ chế đặc thù đúng theo quy định của Quốc hội, của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ TN&MT sớm đưa dự án vào khai thác.

Quan trọng nhất là đảm bảo toàn bộ cát khai thác phải được cung ứng cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Trong quá trình khai thác phải kê khai nộp các loại thuế, phí đúng theo quy định. Kết thúc khai thác phải hoàn thiện các thủ tục đóng cửa mỏ phục hồi môi trường đúng theo quy định.

Trong quá trình khai thác và cung ứng cát cho cao tốc, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các đơn vị có liên quan có văn bản gửi về Sở TN&MT tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét cho ý kiến.

Thêm bốn mỏ cát được bàn giao theo cơ chế đặc thù ở Đồng Tháp - Ảnh 2.

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp kỳ vọng sự chủ động bàn giao các mỏ cát theo cơ chế đặc thù sẽ giúp cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đạt tiến độ theo quy định.

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng, việc tỉnh bàn giao các mỏ cát theo cơ chế đặc thù để phục vụ cao tốc là nỗ lực rất lớn của địa phương trong việc phục vụ các công trình trọng điểm quốc gia.

Với bốn mỏ cát được bàn giao, tỉnh đã có sự đánh giá kỹ ĐTM, nên tỉnh mong muốn các nhà thầu thi công trực tiếp khai thác phục vụ cao tốc thực hiện đúng theo cam kết là khai thác đúng, đủ và đưa vật liệu về đúng nơi cần đến.

Trong quá trình thực hiện cần tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật. Đặc biệt, các phương tiện khai thác cần gắn camera giám sát và định vị phương tiện để các đơn vị liên quan có thể dễ dàng theo dõi. Bên cạnh đó, ông Nghĩa mong muốn các nhà thầu thi công cao tốc cần sớm hoàn thành các hồ sơ, thủ tục theo quy định để mỏ cát sớm được khai thác.

"Đồng Tháp kỳ vọng từ các mỏ cát được bàn giao theo cơ chế đặc thù sẽ giúp cao tốc Cần Thơ - Cà Mau thực hiện đạt tiến độ theo quy định. Tỉnh đang cố gắng phấn đấu trong năm nay sẽ đạt được số lượng cát được Chính phủ giao phục vụ cho cao tốc", ông Nghĩa nói.

Thêm bốn mỏ cát được bàn giao theo cơ chế đặc thù ở Đồng Tháp - Ảnh 3.

Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đánh giá cao sự nỗ lực của Đồng Tháp trong việc bàn giao các mỏ cát phục vụ thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau theo cơ chế đặc thù.

Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận thông tin, với năm mỏ cát đã được bàn giao, tỉnh Đồng Tháp đến nay đã đáp ứng được 3,75 triệu m3 phục vụ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Đây là nỗ lực rất lớn của tỉnh trước những khó khăn về nguyên vật liệu cát phục vụ thi công các công trình trọng điểm Quốc gia hiện nay.

"Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đề nghị tỉnh Đồng Tháp sớm công bố giá vật liệu xây dựng theo hướng dẫn của Bộ TN&MT để Ban làm cơ sở phê duyệt giá theo đúng quy định", ông Thi cho biết thêm.

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau dài 110km, các tuyến nối khoảng 25km, rộng 17m, 4 làn xe, tổng vốn đầu tư hơn 27.200 tỷ đồng.

Thời gian thực hiện từ năm 2021, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.

Tổng nhu cầu cát cho dự án khoảng 18,1 triệu m3, trong đó năm 2023 cần 9,1 triệu m3, năm 2024 cần 9 triệu m3.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.