Đường bộ

Thi công cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột gặp khó vì thiếu bãi đổ thải

27/04/2024, 19:02

Dự án thành phần 3, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột chưa được chấp thuận 28 vị trí đổ thải bổ sung khiến ảnh hưởng thi công và tiến độ chung.

Nhà thầu gặp khó vì không có bãi đổ thải

Những ngày qua, có mặt tại gói thầu số 03 (thuộc dự án thành phần 3, cao tốc đường bộ Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột), PV ghi nhận nhà thầu Tổng công ty Xây dựng Số 1 - CTCP (CC1) đang thi công phần cầu, cống và nền đường để chạy đua tiến độ dự án trước mùa mưa.

Tuy nhiên, việc triển khai cầm chừng do nhà thầu đang gặp khó vì chưa có vị trí đổ thải khiến việc thi công bốc phong hóa, không thích hợp (đất cấp I, II, III) không biết đổ đi đâu.

Thi công cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột gặp khó vì thiếu bãi đổ thải- Ảnh 1.

Không có bãi thải nhà thầu buộc phải múc đổ dọc hai bên tuyến để lấy mặt bằng thi công. Ảnh: Ngọc Hùng

Trên công trường, để lấy mặt bằng thi công, công nhân điều khiển máy múc, xe ben bốc phong hóa, đào bỏ lớp đất không thích hợp đưa về tập kết tạm ngay phần đất trống cạnh tuyến cao tốc (phần đất nhỏ tiếp nối với giai đoạn 2). 

Một nhà thầu thi công cho biết: Để đáp ứng tiến độ dự án, tạm thời đất được múc đổ qua hai bên tuyến để lấy mặt bằng thi công trước. Các vị trí bãi thải nhà thầu thỏa thuận với dân đang bị tắc do cơ quan có thẩm quyền chưa chấp thuận, ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Thi công cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột gặp khó vì thiếu bãi đổ thải- Ảnh 2.

Nhà thầu tập kết đất tạm bên cạnh tuyến, chờ chấp thuận vị trí đổ thải để chở đi. Ảnh: Ngọc Hùng

Tương tự, ghi nhận tại các gói thầu số 01, số 02 do các nhà thầu Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Sài Gòn, Công ty CP Xây dựng Tân Nam, Công ty TNHH An Nguyên thi công cũng đang gặp khó vì thiếu bãi đổ thải.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám sát trưởng gói thầu số 03 (thuộc Công ty Cổ phần Tư vấn giao thông Hà Nội) chia sẻ: Trước đây, UBND tỉnh có phê duyệt một số bãi đổ thải nhưng khi thực hiện nhà thầu không thỏa thuận được với dân dẫn đến thiếu vị trí đổ thải. Nhà thầu, chủ đầu tư có tờ trình lên UBND tỉnh xin bổ sung một số bãi thải nhưng đến nay chưa được chấp thuận.

"Hiện nhà thầu đang múc đổ tạm vào khoảng không chỉ có vài mét tiếp nối giữa giai đoạn 1 và giai đoạn hai của dự án. Tuy nhiên, khối lượng đổ không được bao nhiêu và có nguy cơ sạt trượt xuống phần lề nhà thầu đã thi công khi mưa xuống", ông Sơn cho hay

28 bãi thải đang chờ chấp thuận

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (Ban QLDA), qua rà soát các bãi thải, trạm trộn, mỏ vật liệu (đất, đá, cát) phục vụ dự án thành phần 3 thì cần thiết phải bổ sung thêm 28 bãi đổ vật liệu không thích hợp so với số lượng bãi thải được tỉnh chấp thuận vào ngày 29/5/2023 (18 vị trí với trữ lượng khoảng 2.791.998m3).

Thi công cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột gặp khó vì thiếu bãi đổ thải- Ảnh 3.

Để đẩy nhanh tiến độ dự án, nhà thầu đành chọn giải pháp tạm, tập kết đất ngay cạnh dự án để thi công. Ảnh: Ngọc Hùng

Theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật được duyệt, nhu cầu đổ vật liệu không thích hợp (đất cấp I, II, III) để phục vụ thi công cho dự án thành phần 3 là 2.446.416m3. Trong đó, gói thầu số 01 là 850.740m3, gói thầu số 02 là 623.500m3 và gói thầu số 03 là 972.176m3.

Một lãnh đạo Ban QLDA cho biết, hiện nay, dự án đang triển khai thi công phần đào đắp, nhưng phần đào đắp không có vị trí đổ nên không thi công được, nhiều đoạn tắc và ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ chung.

"Khối lượng đào đắp và khối lượng đổ đi rất lớn, khoảng hơn 2 triệu m3 nhưng giờ không biết làm sao. Rất nhiều cuộc họp chủ đầu tư đã kiến nghị đến Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh nhưng vẫn chưa có kết quả", vị này nói 

Thi công cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột gặp khó vì thiếu bãi đổ thải- Ảnh 4.

Nhiều vị trí không thể thi công vì không biết đất đổ đi đâu. Ảnh: Ngọc Hùng

Trước nhiều kiến nghị của Ban QLDA, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có phản hồi và viện dẫn nhiều văn bản, quy định và cho rằng, pháp luật về đất đai hiện hành chưa có quy định thủ tục chấp thuận đối với trường hợp đề xuất các khu đất làm bãi đổ thải tạm thời.

Ngoài ra, Sở cũng viện dẫn nhiều quy định, văn bản và cho rằng không có cơ sở tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh xem xét, chấp thuận các bãi thải tạm thời theo quy định như đề nghị của Ban QLDA.

Theo vị lãnh đạo Ban QLDA, theo tìm hiểu, tham khảo các tỉnh khác như Bình Định, đặc biệt là tỉnh Khánh Hòa, cùng dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột nhưng UBND các địa phương này đã có văn bản chấp thuận vị trí đổ thải (đổ vật liệu không thích hợp) cho dự án. 

Ngày 23/4, Ban QLDA tiếp tục có văn bản gửi UBND tỉnh đề nghị chấp thuận bổ sung vị trí bãi thải cho dự án.

Ông Võ Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết: "Đối với vị trí bãi thải tạm phải có sự thỏa thuận của chủ đầu tư với chủ sử dụng đất. Sau đó, Ban QLDA và nhà thầu làm việc với chính quyền địa phương rồi báo cáo UBND tỉnh.

Sở Tài nguyên & Môi trường có trách nhiệm hướng dẫn các địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu trong việc xác định điểm đổ thải tạm trữ lượng bao nhiêu, loại đất gì; trách nhiệm của các đơn vị trong việc quản lý sử dụng, vì đây tài sản của nhà nước, không được tự ý mua bán".

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.