Thời sự

Thi hành án không được thì dân mất lòng tin

13/06/2014, 18:33

Hiệu quả thi hành án thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật. Khâu cuối cùng này mà không làm được thì dân rất mất lòng tin vào nhà nước pháp quyền, ĐB Lê Trọng Sang khẳng định.

Hiệu quả thi hành án (THA) thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật. Khâu cuối cùng này mà không làm được thì dân rất mất lòng tin vào nhà nước pháp quyền. Ý kiến này được ĐB Lê Trọng Sang (Tp. HCM) đưa ra trong phiên thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS ngày 13/6.

Hiệu quả, nhưng tiết kiệm ngân sách

Tại phiên thảo luận, một số ý kiến cho rằng, nếu chỉ quy định giao cho TAND ra quyết định đưa bản án ra THA như dự thảo Luật sẽ không giải quyết được những vấn đề vướng mắc hiện nay. ĐB Trần Văn Độ (An Giang) cho rằng, Tòa án là cơ quan Tư pháp, Cơ quan thi hành án là cơ quan hành pháp, do đó không nên tạo ra  sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan.

Công tác thi hành án đòi hỏi vừa hiệu quả nhưng tiết kiệm chi phí
Công tác thi hành án đòi hỏi vừa hiệu quả nhưng tiết kiệm chi phí

ĐB Lê Trọng Sang (Tp. HCM) dẫn chứng ở Điều 72 của dự thảo về kế hoạch cưỡng chế THA và cho rằng, tuy ghi rất chi tiết, nhưng lại không đầy đủ, không bao quát hết mọi tình huống có thể xảy ra. Nếu chỉ giao cho chấp hành viên lên kế hoạch cưỡng chế thì rất dễ xảy ra thiếu sót. Theo ông Sang, nên quy định nguyên tắc trong dự luật là cơ quan THA lập kế hoạch cưỡng chế tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của địa phương, của đối tượng phải THA.

"Hiệu quả THA thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật. Khâu cuối cùng này mà không làm được thì dân rất mất lòng tin vào nhà nước pháp quyền”, ông Sang nói.

Trong khi đó, ĐB Đỗ Văn Đương (Tp. HCM) cho rằng, có những bản án mà chi phí xác minh THA còn cao gấp nhiều lần án phí, kiểu như đốt một lít dầu để tìm một que diêm. "Tính hiệu quả và tiết kiệm chi phí cho ngân sách nhà nước trong công tác THA phải được coi trọng", ông Đương nêu quan điểm. 

Quy định chặt về điều kiện ưu đãi đầu tư

Thảo luận về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), các ý kiến cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, công khai, minh bạch và đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế.

Tuy nhiên, theo ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang), cần có quy định chặt chẽ hơn về những ưu đãi đối với các nhà đầu tư, nếu không rất dễ tạo kẽ hở cho các DN. "Nội dung về quyền của các nhà đầu tư quy định trong dự thảo chưa khoa học, hợp lý. Mặt khác, vấn đề dừng đầu tư của nhà nước đối với các DN trong một số trường hợp cụ thể cũng cần làm rõ hơn trong dự thảo Luật", ĐB tỉnh An Giang đề nghị.

Trong khi đó, ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), hoạt động đầu tư của Luật Đầu tư (sửa đổi) không tách rời hoạt động kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp, Luật HTX và các văn bản quy định về các chủ thể kinh doanh khác. "Đầu tư là để kinh doanh, kinh doanh là để hiện thực hóa việc đầu tư. Do đó, các quy định của Luật Đầu tư phải đảm bảo tương ứng với các quy định liên quan, đặc biệt là quy định của Luật Doanh nghiệp, đảm bảo hiện thực hóa nguyên tắc quyền tự do kinh doanh đã được ghi nhận trong Hiến pháp, coi đó như xương sống, nền tảng cho mọi quy định liên quan", ông Lộc nói.

Bình Minh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.