Xã hội

Thi THPT quốc gia 2016: Am hiểu kiến thức xã hội là lợi thế

05/05/2016, 14:45

Đề thi THPT quốc gia 2016 sẽ theo hướng đánh giá năng lực thí sinh tăng cường câu hỏi mở, gắn với thực tiễn.

thi-tuyen-quoc-gia-2016-19.4.2016

Thí sinh am hiểu kiến thức về xã hội sẽ có lợi thế khi làm bài thi THPT quốc gia 2016 (Ảnh minh họa)

Để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2016, Sở GD-ĐT Hà Nội vừa tổ chức rà soát 3 môn thi bắt buộc là Văn - Toán - Ngoại ngữ cho tất cả học sinh lớp 12.

Đề thi thử do Sở Giáo dục Hà Nội xây dựng dựa trên cấu trúc đề thi THPT quốc gia năm 2016 đề thi minh họa năm 2015 cùng những hướng dẫn của Bộ GD-ĐT về kỳ thi THPT quốc gia.

Kết thúc 3 môn thi, phần đa thí sinh cho biết, đề thi khá khó, ít thí sinh có thể hoàn thành toàn bộ câu hỏi trong cả 3 môn thi.

Với kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, Bộ GD&ĐT tuyên bố không đưa ra đề thi minh họa như năm trước, nhưng khẳng định xu hướng của đề thi theo hướng đánh giá năng lực thí sinh, tăng cường câu hỏi mở, gắn với thực tiễn. Chính vì vậy đã có rất nhiều ý kiến băn khoăn đề thi mở sẽ không công bằng với thí sinh vùng sâu, vùng xa.

Theo ông Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT), về cơ bản kỳ thi năm nay vẫn giữ ổn định như năm 2015. Đề thi sẽ gồm 60% kiến thức cơ bản và 40% nâng cao, sẽ gồm những câu hỏi yêu cầu sự sáng tạo, vận dụng kiến thức vào cuộc sống, giảm tỷ lệ câu hỏi yêu cầu thí sinh phải ghi nhớ máy móc, học thuộc lòng. Đối với các môn khoa học xã hội, tiếp tục nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức vào thực tiễn, bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội gắn với các vấn đề thời sự của đất nước.

Ông Nghĩa nhấn mạnh: “TS am hiểu kiến thức về xã hội sẽ có lợi thế khi làm bài thi. Thầy cô cần hướng dẫn học sinh tham khảo những đề thi năm trước để biết cách xử lý”.

Trên thực tế, thời gian qua, nhiều đề thi, đề kiểm tra đã có các câu hỏi mở, đề cập đến các vấn đề nóng của xã hội. Cụ thể, đề kiểm tra của Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) và một trường THPT ở Vũng Tàu đã có câu hỏi liên quan đến “Hậu duệ mặt trời” - bộ phim truyền hình Hàn Quốc gây sốt khắp châu Á thời gian vừa qua. Hay trong đề thi môn Ngữ văn của kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 12 tỉnh Vũng Tàu, hình ảnh ca sĩ Trần Lập và “đôi bàn tay thắp lửa” trong chương trình ca nhạc cuối cùng của anh đã xuất hiện...

Tuy nhiên, những đề thi mở nêu trên đang khiến nhiều học sinh e ngại, lo sợ phải tiếp cận những vấn đề bản thân chưa có khái niệm. Bởi dù "Hậu duệ mặt trời" dù rất nổi tiếng nhưng chưa được chiếu ở Việt Nam. Vì vậy thí sinh ở nông thôn làm sao có điều kiện tiếp cận để đưa ra nhận định của mình? Hay dù Trần Lập rất nổi tiếng nhưng học sinh ở vùng quê, vùng sâu, vùng xa thì nhiều khả năng sẽ không biết anh là ai, có những đóng góp gì. Điều này có thể dẫn đến sự không bình đẳng trong làm bài thi.

Trước những lo lắng của các thí sinh, tiến sĩ Phạm Hữu Cường, giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết một đề thi cho cuộc thi lớn như THPT quốc gia luôn đảm bảo cân đối trình độ của học sinh vùng miền. Thí sinh không nên quá lo lắng, ngay cả khi các em chưa từng biết đến vấn đề nêu trong bài thì đề thi dù mở đến đâu cũng phải chứa dữ kiện để học sinh giải được.

TS Phạm Hữu Cường cũng lưu ý thí sinh cần nắm vững phương pháp, kỹ năng làm các bài nghị luận xã hội, nhất là dạng đề tổng hợp đồng thời quan tâm tới một số vấn đề như biển đảo và trách nhiệm của thế hệ trẻ với biển đảo của đất nước; thực phẩm bẩn và lương tâm con người; ý thức con người về biến đổi khí hậu… 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.