Đăng kiểm

Thiết bị kiểm tra phanh trong dây chuyền kiểm định xe cần đáp ứng yêu cầu nào?

30/11/2023, 10:20

Thiết bị kiểm tra phanh sẽ phải có chương trình kiểm tra khác nhau tương ứng với từng kiểu loại phương tiện.

Tại dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về đơn vị đăng kiểm xe cơ giới (sửa đổi, bổ sung QCVN 103:2019) đang lấy ý kiến, Bộ GTVT đề xuất quy định rõ yêu cầu an toàn kỹ thuật đối với thiết bị kiểm tra phanh.

Thiết bị kiểm tra phanh trong dây chuyền kiểm định xe cần đáp ứng yêu cầu nào? - Ảnh 1.

Thiết bị kiểm tra phanh là thiết bị kiểu con lăn có chức năng kiểm tra lực phanh trên mỗi trục bánh xe và có tích hợp kiểm tra khối lượng cầu xe khi kiểm tra phanh.

Theo đó, thiết bị kiểm tra phanh là thiết bị kiểu con lăn có chức năng kiểm tra lực phanh trên mỗi trục bánh xe và có tích hợp kiểm tra khối lượng cầu xe khi kiểm tra phanh.

Giới hạn kiểm tra tải trọng trục tối đa theo công bố của nhà sản xuất thiết bị không nhỏ hơn 2.000 kg (đối với dây chuyền kiểm định loại I) và không nhỏ hơn 13.000 kg (đối với dây chuyền kiểm định loại II).

Thiết bị kiểm tra phanh phải tự động dừng khi có hiện tượng trượt giữa bánh xe và con lăn trong quá trình kiểm tra; Hiển thị và ghi nhận giá trị lực phanh tại từng thời điểm ở từng bánh xe trên mỗi trục và Kiểm tra được hệ thống phanh đỗ và hệ thống phanh chính.

Dự thảo cũng quy định rõ: Con lăn đảm bảo bền, bề mặt làm việc có hệ số bám tối thiểu theo công bố của nhà sản xuất thiết bị 0,7 trong điều kiện làm việc khô và 0,6 trong điều kiện làm việc ướt đồng thời trong mọi điều kiện làm việc không xảy ra hiện tượng trượt giữa con lăn và bánh xe, không gây hư hỏng lốp xe khi tiến hành kiểm tra.

Về tần suất và thời gian sử dụng của con lăn, dự thảo quy định, đối với con lăn có bề mặt làm từ sợi tổng hợp là 150.000 lần hoặc 5 năm hoặc theo quy định của nhà sản xuất thiết bị tùy điều kiện nào đến trước.

Đối với con lăn có bề mặt làm từ thép hàn là 210.000 lần hoặc 7 năm hoặc theo quy định của nhà sản xuất thiết bị tùy điều kiện nào đến trước;

Đối với con lăn có bề mặt làm từ vật liệu khác là 150.000 lần hoặc 5 năm hoặc theo quy định của nhà sản xuất thiết bị tùy điều kiện nào đến trước.

Tuy nhiên, yêu cầu về tần suất này chỉ áp dụng đối với thiết bị có trang bị bộ đếm về tần suất; trường hợp không trang bị thì xác định theo thời gian sử dụng.

Về số lượng cảm biến khối lượng, dự thảo quy định không nhỏ hơn 4 đối với dây chuyền kiểm định loại I và không nhỏ hơn 8 đối với dây chuyền kiểm định loại II.

Ngoài ra, có thiết bị điều khiển từ xa và điều khiển trực tiếp tại vị trí tủ điều khiển. Sai số của thiết bị kiểm tra trong khoảng ± 3%;

Dải đo của thiết bị trên mỗi bánh xe tối thiểu từ 0 đến 7.500 N đối với dây chuyền kiểm định loại I và từ 0 đến 30.000 N đối với dây chuyền kiểm định loại II. Thiết bị phải có dải đo với bước đo không được lớn hơn 200 N khi giá trị thang đo dưới 5.000 N và không lớn hơn 500 N khi giá trị thang đo từ 5.000 N trở lên.

Bên cạnh đó, thiết bị kiểm tra phanh phải có chương trình kiểm tra khác nhau tương ứng với từng kiểu loại phương tiện; tại màn hình điều khiển và kết quả hiển thị phải thể hiện được chế độ kiểm tra phanh của xe có kiểu dẫn động bốn bánh toàn thời gian (AWD) và các xe còn lại, cụ thể là chỉ cho phép hiển thị giá trị độ lệch lực phanh trên mội trục khi giá trị lực phanh được lấy ở hai thời điểm khác nhau đối với loại xe AWD. 

Đồng thời, hiển thị được giá trị lực phanh riêng ở từng bánh xe trên mỗi trục; hiển thị được hiệu quả phanh trên trục và hiệu quả phanh toàn bộ; hiển thị sai lệch lực phanh giữa hai bên bánh xe trên cùng một trục (giữa bánh bên phải và bên trái).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.