Thị trường

Thiếu cả triệu tấn than cho sản xuất điện, EVN kiến nghị không tăng giá

13/06/2023, 19:14

EVN đề nghị Tổng công ty Đông Bắc không tăng giá than trong nước bán cho sản xuất điện.

Thiếu 1 triệu tấn than

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, thời gian tới, thời tiết nắng nóng tiếp tục kéo dài ở miền Bắc, kèm theo điều kiện thủy văn không thuận lợi nên dự kiến các nhà máy nhiệt điện (than, dầu, khí) sẽ huy động rất cao để đảm bảo cung cấp điện.

Cụ thể, tổng sản lượng dự kiến huy động các nhà máy nhiệt điện sử dụng than antracite của EVN trong hai tháng 6, 7 là 12,33 tỷ kWh, tương ứng nhu cầu than cần sử dụng là 6,03 triệu tấn than.

Nhưng tổng khối lượng theo hợp đồng đã ký với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc gần 4,4 triệu tấn, còn thiếu hơn 1,6 triệu tấn so với kế hoạch.

img

Nhiệt điện than chiếm tỷ trọng khoảng 45,5% sản lượng điện huy động toàn hệ thống

Trong đó, nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (Tổng công ty Phát điện 3) dự kiến chủ động bổ sung được khoảng 600 nghìn tấn trong tháng 6 và 7.

Như vậy, khối lượng than còn thiếu khoảng 1 triệu tấn cho các nhà máy còn lại của EVN (khoảng 600 nghìn tấn trong tháng 6 và 400 nghìn tấn trong tháng 7).

Kiến nghị không tăng giá than cho sản xuất điện

Trước thực tế trên, EVN cũng vừa có văn bản gửi Tổng công ty Đông Bắc yêu cầu công ty này cung cấp đầy đủ, liên tục than cho các nhà máy nhiệt điện để đảm bảo hoạt động sản xuất và cung cấp điện cho năm 2023.

Bên cạnh đó, EVN đề nghị xem xét giải pháp tăng cường khai thác và cung cấp than sản xuất trong nước cho các đơn vị phát điện.

Ngoài ra, EVN cũng đề nghị đơn vị này không tăng giá than trong nước bán cho sản xuất điện.

Theo EVN, năm 2022 và các tháng đầu năm 2023 tình hình sản xuất, kinh doanh, tài chính của EVN và các đơn vị thành viên gặp rất nhiều khó khăn do sự biến động tăng đột biến của giá nhiên liệu, tình trạng cạn kiệt của các hồ thủy điện phía Bắc, thời tiết nắng nóng cực đoan, nhu cầu phụ tải tăng cao đột biến, hoạt động sản xuất điện bị lỗ.

Báo cáo từ Bộ Công thương ngày 13/6 cho thấy, hiện tại miền Bắc, 4 nhà máy không phát điện, gồm Tuyên Quang, Lai Châu, Sơn La và Thác Bà. Trong khi, Thuỷ điện Hoà Bình giữ vao trò điều tần, không huy động theo công suất cố định.

Theo tài liệu của Báo Giao thông, 3 tháng đầu năm 2023, EVN huy động hơn 62 tỷ kWh các nguồn điện. Trong đó, nhiệt điện than chiếm tỷ trọng lớn nhất là 45,5%, tiếp đến là thủy điện với tỷ trọng 24,5%, NLTT là 16,8%; còn lại là nhiệt điện khí, điện nhập khẩu và các nguồn khác.

Giá mua điện bình quân trên thị trường điện các loại hình nguồn trong 3 tháng đầu năm 2023 là 1.844,9 đ/kWh. Nguồn thủy điện có giá thấp nhất khoảng 1.128-1.235,3 đồng/kWh; nguồn Tuabin khí có giá 1.428,8-1.887,3 đồng/kWh; nguồn điện than, ngưỡng 1.955,5-2.100,4 đồng/kWh; nguồn điện gió và mặt trời có giá mua lần lượt là 2.086,1 và 2.024,6 đồng/kWh.

Bởi vậy, nếu giá than tăng sẽ tiếp tục gây khó khăn cho EVN khi giá thành sản xuất điện sẽ tăng. Câu chuyện lỗ nặng của ngành điện sẽ lặp lại, trong bối cảnh giá than thế giới đang có xu hướng giảm. Đó cũng là cơ sở để EVN đưa ra kiến nghị trên.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.