Xã hội

Thiếu nước sinh hoạt, nước ô nhiễm, những bộ nào có trách nhiệm xử lý?

Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đã quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong khai thác nước sinh hoạt.

Với 468 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 94,74%), chiều nay (27/11), Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Theo đó, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, luật sửa đổi đã có những quy định chặt chẽ trách nhiệm của các cơ quan trong khai thác nước cho sinh hoạt.

Báo cáo giải trình, tiếp thu trước khi Quốc hội bấm nút thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, qua thảo luận, có ý kiến đề nghị rà soát các quy định liên quan để quy định chặt chẽ trách nhiệm trong khai thác nước cho sinh hoạt. 

Khi nước sinh hoạt bị ô nhiễm, cơ quan nào có trách nhiệm ứng phó? - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy

Đồng thời, giao Chính phủ quy định cụ thể về thông số quan trắc tự động, tần suất, thông số quan trắc định kỳ để giám sát chặt chẽ biến động chất lượng nguồn nước trước khi đưa vào công trình khai thác nước cho sinh hoạt.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự thảo luật đã được rà soát, chỉnh lý quy định chặt chẽ trách nhiệm trong khai thác nước cho sinh hoạt của các cơ quan.

Cụ thể, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế có trách nhiệm điều chỉnh, bổ sung nội dung về cấp nước trong quy hoạch có liên quan đến cấp nước sinh hoạt cho đô thị, nông thôn bảo đảm phù hợp với quy hoạch về tài nguyên nước.

Các bộ này cũng có trách nhiệm ban hành, thực hiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để bảo đảm an toàn, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, giảm thiểu tỷ lệ thất thoát nước.

Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt; đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển bền vững, an toàn cấp nước quy mô hộ gia đình ở nông thôn.

Khi nước sinh hoạt bị ô nhiễm, cơ quan nào có trách nhiệm ứng phó? - Ảnh 2.

Các đại biểu ấn nút thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Trong trường hợp xảy ra sự cố ô nhiễm nguồn nước, thiếu nước và các sự cố khác, các bộ này có trách nhiệm chỉ đạo lập phương án cấp nước dự phòng, phòng ngừa, ứng phó.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện biện pháp khẩn cấp để bảo đảm nước sinh hoạt trong trường hợp hạn hán, thiếu nước hoặc sự cố ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng gây ra thiếu nước.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.