Giáo dục

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Vụ học sinh xúc phạm cô giáo ở Tuyên Quang là không thể chấp nhận

06/12/2023, 18:11

Khẳng định vụ nhóm học sinh xúc phạm cô giáo ở Tuyên Quang là không thể chấp nhận, Bộ GD&ĐT cho biết, đã có văn bản gửi UBND Tuyên Quang yêu cầu xác minh, làm rõ vụ việc và phải có biện pháp xử lý nghiêm.

"Vụ việc không thể chấp nhận"

Chiều 6/12, trả lời báo chí về vụ nhóm học sinh có hành vi xúc phạm, hành hung một cô giáo ở Tuyên Quang, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Hoàng Minh Sơn cho biết, ngày 5/12, Bộ đã có văn bản gửi UBND Tuyên Quang yêu cầu xác minh, làm rõ vụ việc.

"Vụ việc như vậy là không thể chấp nhận được", Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh.

Theo ông Hoàng Minh Sơn, đầu tiên UBND tỉnh Tuyên Quang phải chỉ đạo Sở GD&ĐT và nhà trường làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các bên liên quan, tìm hiểu vấn đề một cách khách quan, thấu đáo, đầy đủ.

Từ đó, xem xét trách nhiệm tổng thể từ giáo viên, lãnh đạo nhà trường, học sinh và cả phụ huynh để có biện pháp xử lý cần thiết, chấn chỉnh, rút kinh nghiệm sâu sắc.

Vụ học sinh xúc phạm cô giáo ở Tuyên Quang: "Bộ Giáo dục rất trăn trở" - Ảnh 1.

Hình ảnh nhóm nam sinh dồn cô giáo vào góc lớp rồi chửi bới, hành hung gây phẫn nộ (Ảnh cắt từ clip).

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhìn nhận, biện pháp xử lý kỷ luật đối với một vụ việc cụ thể là chỉ giải pháp trước mắt, nhưng căn cơ phải là giáo dục và quản lý.

Trước hết, phải xem xét quy trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên. Trong quá trình tuyển dụng cần đánh giá cả về chuyên môn, phẩm chất và kỹ năng xử lý đối với học sinh. Vấn đề này, bộ đã có những văn bản hướng dẫn, nhưng công tác triển khai cụ thể, kĩ năng của từng giáo viên, cần rà soát, đánh giá.

Bên cạnh đó, cần đánh giá, theo dõi thường xuyên hiệu quả của việc dạy và học, việc tăng cường giáo dục đạo đức học sinh; việc học sinh đã chấp hành các quy định hay chưa.

Vụ học sinh xúc phạm cô giáo ở Tuyên Quang: "Bộ Giáo dục rất trăn trở" - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn thông tin tại cuộc họp.

Đối với nhà trường, cũng cần xem xét đánh giá ở góc độ quản lý.

"Để một vụ việc như vậy xảy ra sẽ dẫn đến nhiều hậu quả nên phải tìm hiểu nguyên nhân sâu xa để ngăn vụ việc tương tự. Trong quan hệ thầy trò, trong tư tưởng, đạo đức, diễn biến tâm lý... người quản lý lớp phải có những biện pháp quản lý, theo dõi", Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nói.

Ông Sơn cũng nhắc đến vai trò của gia đình, của toàn xã hội trong những vụ việc tương tự.

Nếu văn hóa trong xã hội từ văn hóa giao thông, văn hóa ứng xử, văn hóa trên mạng... được làm tốt thì sẽ tác động rất quan trọng đến học sinh.

Ông Sơn cho hay, thời gian tới, bộ sẽ tăng cường hướng dẫn chỉ đạo các địa phương, các cơ sở giáo dục để làm tốt công tác giảng dạy, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, đặc biệt về tư tưởng đạo đức và công tác quản lý để phối hợp với phụ huynh.

"Đây cũng là điều chúng tôi rất trăn trở", ông Sơn nói.

Sẽ sửa thông tư để quản lý dạy thêm - học thêm

Cũng tại cuộc họp báo, với câu hỏi về ý tưởng đưa dạy thêm - học thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, đây không phải ý tưởng mới.

Năm 2012, căn cứ Luật Đầu tư, Bộ GD&ĐT từng có thông tư về việc này nhưng sau đó Luật Đầu tư bỏ ra khỏi danh mục, vì vậy bộ buộc phải bỏ một số điều trong thông tư này.

Theo ông Sơn, hiện nay, giáo viên tham gia dạy thêm theo các hình thức: dạy nhỏ lẻ như gia sư; tham gia dạy thêm ở trung tâm; tự thầy cô tổ chức trung tâm; dạy trực tuyến.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định, không thể cấm việc dạy thêm học thêm và hiện cũng chưa có văn bản nào cấm. Trong khi, thực tế việc dạy thêm, học thêm cũng bộc lộ nhiều vấn đề.

Do đó, đưa hoạt động này vào ngành nghề có điều kiện là cần thiết để cơ quan quản lý Nhà nước, địa phương giám sát, đảm bảo quyền lợi cho người học cũng như quyền lợi, trách nhiệm của thầy, cô.

Trên cơ sở đó, Bộ GD&ĐT sẽ sửa đổi thông tư, quy định về chất lượng, thời gian học, trách nhiệm của thầy cô; làm rõ trong trường hợp nào được dạy thêm, trường hợp nào không, với đối tượng nào.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.